Trung tâm thương mại ở quận 7, Thủ Đức hút khách thuê

Trong khi các trung tâm thương mại (TTTM) ở quận 1, TP.HCM không có sự thay đổi về tổng diện tích lấp đầy, thì các địa điểm ở quận 7, TP Thủ Đức lại đạt nhiều giao dịch thuê lớn.

Thương hiệu đồ chơi nghệ thuật Pop Mart vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại TTTM Crescent Mall (quận 7, TP.HCM). Đáng nói, hồi đầu tháng 4, nơi này cũng ghi nhận 5.000 m2 sàn bán lẻ được Tập đoàn Aeon thuê để mở mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn đầu tiên ở TP.HCM.

Hay trong quý cuối năm ngoái, thương hiệu thời trang trẻ em Carter’s và trung tâm vui chơi giải trí cho trẻ em Gymboree cũng khai trương chi nhánh mới tại Crescent Mall.

Theo báo cáo của Avison Young, tính đến hết quý I vừa qua, TTTM có tổng diện tích cho thuê 63.000 m2 này đã đạt tỷ lệ lấp đầy lên đến 97%. Đây được xem là mức hiệu suất tốt so với các TTTM khác ở TP.HCM.

Bán lẻ, giải trí, F&B mở rộng ngoài trung tâm TP.HCM

Không riêng gì Crescent Mall, các trung tâm thương mại khác ở các khu vực ngoài trung tâm TP.HCM đều đang chứng kiến nhiều giao dịch thuê lớn. Đơn cử, Galaxy Cinema hồi cuối năm ngoái đã khai trương cụm rạp chiếu phim rộng đến 2.300 m2 tại Thiso Mall (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức).

Trong khi đó, Hùng Vương Plaza (quận 10) chào đón nhà hàng mới của Manwah, còn Aeon Mall Tân Phú Celadon (quận Tân Phú) có thêm tổ hợp thể thao giải trí mới của thương hiệu Aim Box.

Sắp tới đây, Vincom Mega Mall Grand Park (TP Thủ Đức) với quy mô hơn 48.000 m2 sàn bán lẻ cho thuê dự kiến đi vào hoạt động từ đầu quý II. Avison Young tiết lộ dự án hiện đã ghi nhận đặt chỗ chính thức từ hơn 200 thương hiệu trong nước và quốc tế. Trong đó, Uniqlo và Bath and Body Works đã công bố kế hoạch mở cửa hàng tại TTTM này.

Những cửa hàng mới cho thấy sự mở rộng ổn định của các chuỗi vận hành giải trí, F&B và bán lẻ dành cho trẻ em tại khu vực ngoài trung tâm, cho thấy tiềm năng ngày càng tăng của thị trường này.

Hãng tư vấn bất động sản JLL

"Những cửa hàng mới này cho thấy sự mở rộng ổn định của các chuỗi vận hành giải trí, F&B và bán lẻ dành cho trẻ em tại khu vực ngoài trung tâm, cho thấy tiềm năng ngày càng tăng của thị trường này đối với nhiều nhà bán lẻ đa dạng đang tìm cách tận dụng cơ sở khách hàng của khu vực", báo cáo thị trường bất động sản quý I của JLL nhận xét.

Thực tế, dữ liệu của JLL cho thấy toàn thị trường bán lẻ TP.HCM ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 1.900 m2 trong 3 tháng đầu năm, nhưng chủ yếu là giao dịch thuê tại khu vực ngoài trung tâm.

Theo ghi nhận của Tri thức - Znews, trong khi các trung tâm thương mại ở quận 1 hấp dẫn các thương hiệu xa xỉ quốc tế, thì các địa điểm ở quận 7, 10, TP Thủ Đức, Tân Phú đang ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu tìm thuê từ các nhãn hàng hướng tới tệp khách là giới trẻ hoặc gia đình trẻ.

Như trong trường hợp của Pop Mart, sau Thái Lan và Singapore, thương hiệu đồ chơi nghệ thuật này chọn Việt Nam là điểm đến tiềm năng tiếp theo để thực hiện chiến lược mở rộng tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thay vì thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn ở khu vực trung tâm như nhiều thương hiệu quốc tế đình đám khác, nhãn hàng này lại đặt cửa hàng đầu tiên tại Crescent Mall.

 Pop Mart chọn Crescent Mall thay vì các TTTM trọng điểm ở khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM làm cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: PM.

Pop Mart chọn Crescent Mall thay vì các TTTM trọng điểm ở khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM làm cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: PM.

Ông Jeremy Lee, Giám đốc Phát triển Thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương của POP Mart đánh giá TTTM này có "vị trí chiến lược" khi nằm ngay trung tâm Phú Mỹ Hưng, một khu vực sầm uất và có thể thu hút lượng lớn khách hàng thuộc tầng lớp trung và cao cấp.

Đồng thời, đây cũng là điểm đến yêu thích của các gia đình và giới trẻ, phù hợp tệp khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

Lợi thế của TTTM ngoài trung tâm

Nhìn chung, lợi thế của TTTM nằm tại các khu vực ngoài trung tâm không chỉ đến từ giá thuê cạnh tranh mà còn là vị trí gần các khu dân cư đông đúc, đặc biệt là những nơi tập trung chủ yếu người tiêu dùng ở phân khúc trung và cao cấp. Đây chính là tệp khách hàng mà nhiều thương hiệu đang nhắm tới.

Bên cạnh đó, nguồn cung mặt bằng trống ở các TTTM này có phần dồi dào hơn các TTTM trọng điểm ở quận 1, do đó thương hiệu có cơ hội tiếp cận thuê và triển khai các mô hình cửa hàng mới.

Thực tế, các chuyên gia tại Savills cho biết nguồn cầu thuê mặt bằng lớn nhất đang đến từ những thương hiệu tập trung vào trải nghiệm. Hiện các hãng không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà còn tăng yếu tố đời sống vào trải nghiệm mua sắm và sử dụng dịch vụ của khách hàng, dẫn đến sự gia tăng về mô hình "concept store" - cửa hàng có tính mở và thiên về phong cách sống.

Đặc biệt trong lĩnh vực giải trí, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Galaxy Studio - chủ chuỗi rạp phim Galaxy Cinema từng chia sẻ với Tri thức - Znews rằng người tiêu dùng đang sẵn sàng chi tiêu số tiền cao hơn trước đại dịch cho trải nghiệm xem phim tốt hơn.

Đó là lý do không chỉ Galaxy mà các chuỗi rạp khác như CGV, Lotte Cinema cũng đều đầu tư mạnh để ra mắt các cụm rạp sử dụng những công nghệ hiện đại và trải nghiệm chiếu phim riêng tư.

Nếu như Lotte Cinema West Lake ở Hà Nội có 2 phòng chiếu VIP với 16 ghế ngồi sofa lớn, khu vực phòng chờ riêng và welcome set miễn phí, thì Galaxy Sala cũng có lounge và phòng VIP ở khu vực riêng tư, bên cạnh các phòng chiếu theo nhiều chủ đề khác nhau cho đối tượng khách hàng trẻ.

"Nếu nhìn từ góc độ tài chính, nhiều người nghĩ đầu tư một cụm rạp lớn ở khu vực ngoài trung tâm như Galaxy Sala ở Thủ Thiêm là rủi ro, nhưng chúng tôi luôn đầu tư có chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng. Một trong những tiêu chí hàng đầu là phải có hiệu quả về mặt tài chính cho mỗi rạp mở ra", bà Mai Hoa khẳng định.

 Galaxy Cinema mở cụm rạp rộng 2.300 m2 ở Thiso Mall (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) hồi cuối năm ngoái. Ảnh: L.A.

Galaxy Cinema mở cụm rạp rộng 2.300 m2 ở Thiso Mall (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) hồi cuối năm ngoái. Ảnh: L.A.

Nhìn về triển vọng tương lai, các chuyên gia tại Savills cho rằng nguồn cung bán lẻ hiện đại hạn chế nhưng tiêu dùng nội địa tăng mạnh và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường.

Mặc dù một số thương hiệu nhỏ đã đóng cửa nhưng nhiều thương hiệu lớn đều có kế hoạch mở rộng như Muji, H&M, Uniqlo, Poseidon... Đồng thời, thị trường cũng vừa chào đón sự tham gia của các thương hiệu quốc tế mới từ tầm trung đến cao cấp như Fendi, Cartier, Loewe.

Tính đến hết quý I, dữ liệu từ Avison Young cho thấy tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại TP.HCM đã đạt hơn 1 triệu m2. Trong đó, gần 70% nằm ở khu vực ngoài trung tâm, và mô hình trung tâm thương mại đang chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 87%.

Hãng tư vấn này nhấn mạnh sự thiếu hụt quỹ đất trong khu trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới tăng tốc phát triển ở các khu vực mới nổi, thu hút các tập đoàn lẫn thương hiệu bán lẻ nhanh chóng có mặt để chiếm lĩnh thị phần.

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có ít nhất 3 dự án TTTM mới ra mắt, cả 3 đều nằm ở các khu vực mới nổi này. Đó là Central Premium Mall (quận 8), Parc Mall (quận 8) và Vincom Mega Mall Grand Park (TP Thủ Đức).

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-tam-thuong-mai-o-quan-7-thu-duc-hut-khach-thue-post1476105.html