'Trung tâm' Trầm hương Hà Tĩnh nhộn nhịp vào vụ Tết

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từ lâu được mệnh danh là ' Trung tâm ', là 'thủ phủ' của cây dó trầm. Gần Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất hương trầm tại đây trở nên nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từ lâu đã nổi danh là "thủ phủ" của cây dó trầm – loài cây cho ra loại trầm hương quý giá. Khi chạy xe dọc theo tuyến đường 15A xuyên qua xã, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn cây gió trầm xanh mướt, được trồng thẳng tắp hai bên đường. Các vườn trầm này có độ tuổi đa dạng, từ những cây 5-7 năm tuổi đến những cây cổ thụ đã 3-4 thế kỷ.

 Cây gió trầm hiện đang được trồng rộng rãi trong các hộ dân ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cây gió trầm hiện đang được trồng rộng rãi trong các hộ dân ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cây gió trầm dần phủ kín khắp các vườn tược, đồi núi, trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Phúc Trạch. Nghề đục gió tìm trầm – tức khoan vào thân cây gió để tạo ra trầm hương – cũng từ đó phát triển mạnh mẽ, giúp các gia đình khai thác nguồn tài nguyên quý giá từ chính những vườn cây của mình.

Đến cơ sở sản xuất trầm hương của chị Trương Thị Hiền (sinh năm 1984) ở xã Phúc Trạch, không khí làm việc trở nên hối hả, tất bật khi dịp Tết Nguyên đán cận kề. Chị Hiền cùng 5 công nhân đang khẩn trương đóng gói các sản phẩm hương trầm, hương nụ và đồ mỹ nghệ từ trầm hương để kịp gửi hàng xuống thành phố Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.

 Chị Trương Thị Hiền đang xoi trầm.

Chị Trương Thị Hiền đang xoi trầm.

Chị Hiền chia sẻ rằng, suốt 1 tháng qua, gia đình đã huy động tối đa nhân lực để sản xuất và đóng gói các sản phẩm từ cây dó bầu, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng trong mùa lễ Tết. Đây là thời điểm hàng hóa được xuất đi nhiều nhất, mang lại thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng. Không chỉ dừng lại ở sản xuất hương trầm, chị Hiền còn chú trọng vào việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương như vòng tay, tượng nhỏ – những mặt hàng có giá trị cao và được ưa chuộng làm quà tặng dịp cuối năm.

“Những ngày nắng đẹp, sau khi hoàn thiện các công đoạn sản xuất, hương sẽ được mang ra phơi khô dưới ánh mặt trời để đảm bảo hương giữ được độ thơm lâu và không bị ẩm mốc. Trong những ngày mưa ẩm, chị phải sử dụng than củi hoặc bóng đèn điện để hong khô hương, giúp đảm bảo tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm”, chị Hiền chia sẻ thêm về quá trình làm hương.

 Hương trầm, hương nụ và các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm được đóng gói cẩn thận để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Hương trầm, hương nụ và các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm được đóng gói cẩn thận để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Ghé một cơ sở khác cách đó không xa, bà Võ Thị Nga, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh trầm hương Thọ Nga tại xã Phúc Trạch cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ trầm hương tăng cao. Để đáp ứng thị trường, cơ sở của bà hiện có 8 công nhân làm việc liên tục để sản xuất đa dạng các mặt hàng trầm hương, từ hương thẻ, hương nụ đến các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm. Sản phẩm của cơ sở được phân phối đến nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh.

Bà Nga chia sẻ, gia đình bà hiện sở hữu hơn 10 ha cây dó trầm với gần 20.000 cây được trồng trên các đồi, vườn trong vùng. Nhờ việc khai thác và chế biến trầm hương, mỗi năm cơ sở của bà đạt doanh thu khoảng vài tỷ đồng, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn và ổn định.

 Người dân xã Phúc Trạch tận dụng những con đường làng rộng rãi để phơi khô trầm hương, giúp các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất trước khi đưa ra thị trường

Người dân xã Phúc Trạch tận dụng những con đường làng rộng rãi để phơi khô trầm hương, giúp các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất trước khi đưa ra thị trường

Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm từ trầm hương ở Phúc Trạch có giá trị kinh tế cao, từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng tùy theo chất lượng trầm. Đặc biệt, các sản phẩm như trầm đốt, nhang trầm, nụ trầm, và vòng trầm được thị trường ưa chuộng bởi hương thơm tự nhiên, không pha hóa chất, rất phù hợp với nhu cầu thờ cúng trong các dịp lễ Tết.

Mặc dù nghề sản xuất hương trầm ở xã Phúc Trạch chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây, nhưng nó nhanh chóng khẳng định được vị thế và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Điểm đặc biệt của các sản phẩm từ làng nghề Hương Trầm Phúc Trạch là đều được làm từ 100% bột gỗ trầm hương tự nhiên, không pha trộn hóa chất hay phụ gia. Chính vì thế, sản phẩm trầm hương nơi đây được đánh giá cao về chất lượng, an toàn sức khỏe và được thị trường trong nước cũng như quốc tế ưa chuộng, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, khi nhu cầu về các sản phẩm thờ cúng, phong thủy và quà tặng tăng mạnh.

 Hương trầm tự nhiên tại xã Phúc Trạch được cuốn thủ công bằng giấy, với chiều dài khoảng 50cm có chất lượng cao, đảm bảo độ bền và mùi thơm tự nhiên.

Hương trầm tự nhiên tại xã Phúc Trạch được cuốn thủ công bằng giấy, với chiều dài khoảng 50cm có chất lượng cao, đảm bảo độ bền và mùi thơm tự nhiên.

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết hiện nay xã đã thành lập làng nghề chế tác trầm hương với sự tham gia của 50 hộ dân. Chế tác cây trầm hương tại Phúc Trạch đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là một làng nghề truyền thống. Thời gian qua, huyện Hương Khê đã tích cực chỉ đạo và đưa các sản phẩm trầm hương tham gia vào chương trình OCOP, nhờ đó các sản phẩm này đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Đặc biệt, vào dịp Tết, các cơ sở và hộ dân kinh doanh trầm hương luôn hoạt động hết công suất, từ ngày đến đêm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc kết hợp giữa trồng trọt và chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị kinh tế cho người dân địa phương mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống của các hộ gia đình ở xã Phúc Trạch.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-tam-tram-huong-ha-tinh-nhon-nhip-vao-vu-tet-post330419.html