Mai một nghề vót đũa cau Nàng Rưng
Làng nghề vót đũa cau Nàng Rưng nằm nép mình bên ga tàu, thuộc xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, các hộ dân phải cật lực sản xuất để kịp giao đũa cho khách.
Từ trung tâm thị trấn Hương Khê, đi về hướng Đông Nam, men theo đường tàu, chúng tôi tìm đến thôn 1 (xã Phúc Trạch). Theo người dân địa phương, “tổ nghề” của làng làm đũa cau Nàng Rưng là vợ chồng bà Lê Thị Thanh và ông Lê Thanh Chiên ở thôn 1 (xã Phúc Trạch). Cách đây khoảng 40 năm, gia cảnh nghèo khó, ông Chiên, bà Thanh làm ruộng, chặt củi không đủ ăn. Trong “cái khó ló khôn”, ông thử chặt ít cây cau Nàng Rưng trên rừng sâu về vót đũa để bán, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Qua thời gian thấy đũa cau Nàng Rưng do bà Thanh, ông Chiên làm dùng tốt, bền, đẹp lại không ẩm mốc nên Tết đến cả làng rủ nhau vót mỗi nhà 10 - 20 đôi đũa để dùng. Khi làm đũa dư, nhiều người thích đã hỏi mua mới đem bán thành hàng hóa và ngày càng được ưa chuộng” - bà Nguyễn Thị Hà (thôn 1, xã Phúc Trạch) kể lại.
Những ngày sát Tết, ngôi nhà cấp bốn của gia đình anh Đoàn Vương Hải (44 tuổi), chị Nguyễn Thị Thu (42 tuổi) ở cạnh ga tàu trở nên rộn ràng hơn khi có nhiều người đến mua đũa cau. Nghề vót đũa cau Nàng Rưng được vợ chồng anh Hải làm 24 năm nay. Bên chiếc bào tự thiết kế, anh Hải tỉ mỉ đưa những thân cây cau Nàng Rưng đã được chẻ thô, thoăn thoắt gọt bớt phần thừa để tạo thành đôi đũa tròn vìn, cứng cáp.
Theo người dân, cau Nàng Rưng có đặc tính thân cây thẳng, nhiều mắt, khi trổ hoa rất đẹp, song quả lại không ăn được. Cây thường mọc ở những khu rừng rậm, mỗi khi vào rừng khai thác, người thợ đi khoảng 1 tuần, ăn ngủ tại lán rừng, đủ chuyến hàng mới trở về. Cau rừng cao khoảng 7m, đường kính thân 6-8 cm.
Điều đặc biệt, đối với cây cau làm đũa phải loại cau già, có độ tuổi trên 15 năm mới đạt chất lượng về độ cứng, độ dẻo dai. Giờ đây nguyên liệu khan hiếm, những người làm đũa nếu không tự đi thu hái được phải mua lại với giá khá cao, từ 100 - 120 nghìn đồng/cây. Thân cau già làm đũa mới không bị mốc và có độ cứng, độ dẻo. Nếu cây chưa đủ độ tuổi làm đũa dễ bị gãy và mốc, mẫu mã không đẹp. “24 năm trong nghề, giờ đây tay tôi đã thành thạo nên công việc luôn thuận lợi. Còn như trước đây, lúc mới vào nghề, dùng dao vót đũa, vừa mẫu không đẹp lại mất thời gian hơn nhiều. Giờ ngày hai vợ chồng tôi làm trên 400 đôi đũa, làm rạng sáng đến đêm mới nghỉ” - anh Hải nói.
Cạnh nhà anh Hải, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi) cũng gắn bó với nghề vót đũa cau Nàng Rưng gần 30 năm. Bà cho biết, dù nghề phụ lúc nông nhàn, song lại cho thu nhập tương đối ổn định. Dịp Tết, nếu chăm chỉ, đơn hàng nhiều, mỗi người thu nhập trên 10 triệu đồng.
Bà Liên cho biết, vốn nghề vót đũa cau xuất thân từ nghèo khó. Hàng chục năm trước, ruộng đồng khô cằn, trồng lúa chẳng đủ ăn. Trong khi đó, những gia đình ở làng tự làm đũa để dùng trong gia đình rất đẹp, nhiều người vùng ven lân cận thấy vậy cũng đặt mua về dùng. Nhờ vậy, tiếng lành đồn xa, đơn hàng đặt ngày càng nhiều và dần trở thành nghề thu nhập chính của một số hộ dân trong làng. Đũa loại đặc biệt có giá 70 nghìn đồng/10 đôi; còn loại thường từ 20-50 nghìn đồng/10 đôi.
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Quốc Khánh, tại địa phương có thời điểm trên 20 hộ gia đình ở thôn 1 và thôn 3 hành nghề làm đũa cau Nàng Rưng. Năm 2011, các hộ dân đã thành lập Hợp tác xã đũa cau Nàng Rưng. Để làm lớn mạnh thương hiệu đũa cau Nàng Rưng Phúc Trạch, địa phương tạo điều kiện cho các thành viên về vốn, hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng để mua phương tiện làm đũa; cho vay vốn 30 triệu đồng/hộ để duy trì nghề, mua nguyên liệu đầu vào đối với những thành viên có khó khăn… Hợp tác xã cũng định hướng tiếp tục phát triển thương hiệu, làm bao bì, nhãn mác và đăng ký để được công nhận sản phẩm OCOP… Tuy nhiên, do cây cau nguyên liệu bị khai thác theo hướng tận diệt nên một số hộ dân phải nghỉ nghề vót đũa.
Ông Khánh cho biết: Tên gọi cau Nàng Rưng có từ lâu đời, có một số địa phương gọi là Năng Rưng. Nói đến nguồn gốc, ý nghĩa của loài cau này địa phương không nắm rõ vì truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cau mọc tự nhiên ở vùng sâu. Trước đây làng chỉ chặt về làm đũa sử dụng trong nhà nhưng giờ nhiều khách ngoài tỉnh đặt mua. Dịp Tết nhu cầu đặt hàng tăng cao nên người dân làm đũa phải tăng cường sản xuất.
Vẫn theo ông Khánh, những năm gần đây, do nguồn vật liệu làm đũa ngày càng khan hiếm nên người dân địa phương phải đi hàng trăm kilomet vào rừng chặt cau về làm. Thị trường thì nhiều nhưng nguyên liệu đầu vào ít đi nên người dân phải nghỉ nhiều. Trên địa bàn xã giờ chỉ còn ít hộ sản xuất đũa cau Nàng Rưng.
Chiều cuối năm, những người làm nghề vót đũa còn lại bên ga tàu Phúc Trạch hối hả sản xuất vụ Tết như những chuyến tàu ngược xuôi chạy ngang qua. Để nghề truyền thống không mất đi, thiết nghĩ, người dân, địa phương, cơ quan chức năng nên nghiên cứu nhân giống, trồng cây cau nguyên liệu đại trà, cung cấp cho người dân làng nghề làm đũa. Mặt khác, hộ dân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đũa và ứng dụng chuyển đổi số để mở rộng thị trường…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mai-mot-nghe-vot-dua-cau-nang-rung-10298334.html