Trúng tên lửa Iskander Nga, bệ phóng tên lửa ATACMS Ukraine nổ tung

Nga công bố video tên lửa đạn đạo Iskander-M tập kích, phá hủy hai mục tiêu trong đó có pháo phản lực hạng nặng M270 cũng chính là bệ phóng tên lửa ATACMS của Ukraine tại tỉnh Sumy.

Ngày 5/9/2024, Nga công bố video UAV theo dõi pháo phản lực M270 của lực lượng Kiev từ vị trí triển khai tới nơi ẩn náu ở tỉnh Sumy, Ukraine.

Ngay sau đó vị trí này đã được báo về cho lực lượng tên lửa Iskander-M để tập kích.

Sau khi được lệnh phóng, tên lửa Iskander-M lao vút đi và nhắm thẳng xuống mục tiêu tạo ra một vụ nổ lớn, cột khói bốc lên cao từ khu vực mục tiêu.

Hang loạt mảnh vỡ văng ra xung quanh, kèm theo đó là các vụ nổ thứ cấp.

Truyền thông nga cho biết, đòn tập kích đã phá hủy hoàn toàn pháo phản lực M270 cũng chính là bệ phóng tên lửa ATACMS vốn gây cho Nga nhiều thiệt hại.

Truyền thông Nga còn cho biết, đòn tập kích còn phá hủy hai thiết giáp hộ tống và 10 binh sĩ Ukraine tonrg khẩu đội.

Theo thông tin chính thức thì phương Tây đã viện trợ cho Ukraine 16 tổ hợp pháo phản lực M270, ngay lập tức số pháo này đã liên tục tập kích rocket chính xác và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS với tầm bắn từ 150-300 km vào các mục tiêu của Nga gây ra những tổn thất lớn.

Chính vì thế Nga liệt M270 vào nhóm vũ khí cần phải tiêu diệt.

Trong hai tháng qua, Nga liên tiếp cung cấp các video cho biết họ đã phá hủy các tổ hợp pháo phản lực M270.

Tuy nhiên cho tới nay, Ukraine vẫn chưa lên tiếng về các thông tin Nga đưa ra.

Giới quan sát nhận định, Ukriane có thể đã mất ít nhất 3 tổ hợp pháo phản lực M270 được phương Tây cung cấp, đây là tổn thất lớn đối với lực lượng Kiev.

Tổ hợp pháo phản lực M270 là một trong những vũ khí uy lực của Mỹ. Hỏa lực và sức hủy diệt của nó ngày càng gia tăng nhờ hàng loạt gói nâng cấp, khiến nhiều chuyên gia gọi đây là "súng bắn tỉa tầm bắn 70 km" của lục quân Mỹ.

Khi được Mỹ biên chế vào năm 1983, nhiệm vụ duy nhất của mỗi tổ hợp M270 là hủy diệt khu vực rộng 100 hecta bằng 12 quả đạn M26.

Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77, từ khoảng cách tối đa 45 km. Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1990-1991), các tổ hợp MLRS tỏ rõ sức mạnh dù chỉ dùng đạn M26 cơ bản. Vào thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phát triển mẫu rocket có tầm bắn tới 45 km, nhưng vẫn sử dụng đầu đạn M77.

Không lâu sau, đầu đạn này được thay thế bằng biến thể M85 mới hơn, có cùng sức hủy diệt nhưng tỷ lệ trục trặc kỹ thuật chỉ 1% so với 5% của M77.

Tuy nhiên, điểm yếu của M270 là các quả đạn không có hệ thống dẫn đường, khiến chúng có độ chính xác rất thấp, dễ gây thiệt hại ngoài ý muốn trên chiến trường.

Mỹ sau đó cho ra đời phiên bản rocket M30 trang bị đầu tự dẫn và 404 bom con M85, giảm bớt sức sát thương nhưng tăng đáng kể độ chính xác với các mục tiêu cỡ nhỏ.

Biến thể M31 mới nhất của M270 được coi là giải pháp hiệu quả để tiêu diệt mục tiêu trong đồi núi và đô thị với độ chính xác tối đa.

Đầu đạn chùm M85 được thay bằng khối thuốc nổ mạnh nặng 100 kg, cho phép tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà không gây thiệt hại ngoài dự tính cho khu vực xung quanh.

Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, cho phép nó đánh trúng trong bán kính 10 m quanh mục tiêu định trước.

Tầm bắn được nâng lên tối đa khoảng 80 km, ngoài khả năng phản pháo của hầu hết các tổ hợp pháo phản lực thông thường, bảo đảm khả năng sống sót cho bệ phóng M270.

Đặc biệt hệ thống này có thể phóng tên lửa MGM-140, đây được coi là một trong những loại tên lửa chiến thuật nguy hiểm bậc nhất hiện nay trên thế giới.

MGM-140 ATACMS là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật được Tập đoàn Lockheed Martin phát triển dành cho quân đội Mỹ và một số nước đồng minh.

Tên lửa đạn đạo MGM-140 có tầm bắn từ 150 - 300km tùy biến thể.

Sau khi được đưa vào trang bị, Lockheed Martin tiếp tục phát triển dự án ATACMS với việc cho ra đời các biến thể tiếp theo của MGM-140 gồm: MGM-140B - Block IA, MGM-164 ATACMS - Block II và MGM-168 ATACMS - Block IVA

Mỗi biến thể được phát triển dành cho từng loại nhiệm vụ khác trong đó MGM-168 ATACMS - Block IVA sở hữu tầm bắn xa nhất lên đến 300km với khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh, nặng 230kg.

Đạn tên lửa MGM-140 nặng 1,6 tấn, dài 4 m, đường kính thân 610 mm, có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau bao gồm cả các loại đầu đạn phân mảnh có khả năng gây sát thương trên diện rộng và chúng được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu và dẫn đường quán tính.

Gần đây Mỹ đang tái khởi động chương trình chế tạo phiên bản mới của loại tên lửa này có tầm phóng lên tới 500 km.

M270 hiện là loại pháo phản lực phóng loạt phổ biến trong các nước phương Tây cũng như một số đồng minh châu Á của Mỹ.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-ten-lua-iskander-nga-be-phong-ten-lua-atacms-ukraine-no-tung-post588414.antd