'Trung thu 2019: Sắc màu văn hóa Gia Lai' tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Diễn ra trong hai ngày 7, 8/9/2019 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chương trình 'Trung thu 2019: Sắc màu văn hóa Gia Lai' đã mang đến cho du khách, đặc biệt là các em nhỏ nhiều niềm vui, những kiến thức mới về truyền thống dân tộc, tô đậm thêm sắc màu văn hóa trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Trích đoạn "Mừng lúa mới" tại Lễ khai mạc chương trình Trung thu 2019: Sắc màu văn hóa Gia Lai. Ảnh: BTC
Chương trình do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức. Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đến với chương trình, các em thiếu nhi và gia đình sẽ cùng nhau có những trải nghiệm thú vị với các hoạt động trong dịp Tết Trung thu cổ truyền. Đồng thời, đây cũng là dịp để du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống của tộc người Bana và Giarai ở tỉnh Gia Lai ngay tại Thủ đô Hà Nội. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông trong bối cảnh hội nhập.
Nghệ nhân trò chuyện với các em nhỏ về ý nghĩa của mâm cỗ Trung thu. Ảnh: BTC
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Trung thu là sự kiện thường niên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được nhiều gia đình, nhất là các em nhỏ mong đợi. Đến với chương trình năm nay, ngoài những món đồ chơi quen thuộc, khách tham quan có cơ hội khám phá và trò chuyện với nghệ nhân về ý nghĩa của mâm cỗ trong dịp Tết trông trăng. Bên cạnh các hoạt động Trung thu, Bảo tàng còn giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Gia Lai, qua đó quảng bá văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, thái độ trân trọng, khích lệ ý thức gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của thế hệ trẻ”.
Màn múa lân sôi động cùng điệu cười thật duyên của ông Địa. Ảnh: Báo Công Thương
Nét mới của chương trình năm nay là công chúng được khám phá những đặc trưng văn hóa của Gia Lai, các nghệ nhân dân gian sẽ gửi tới công chúng những màn trình diễn nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng cũng rất sôi động qua vũ điệu xoang, hát dân ca, hòa tấu nhạc cụ dân tộc... Công chúng được trực tiếp hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể đại diện của nhân loại, do các nghệ nhân dân gian người Giarai và Bana trình diễn. Du khách có dịp thưởng thức hương vị ẩm thực mang đặc trưng của Gia Lai như: Gà nướng, cơm lam, lá mì cà đắng, bò một nắng chấm muối kiến vàng… để cảm nhận, khám phá giá trị văn hóa ẩm thực và lưu giữ trong ký ức của mình về miền đất Tây Nguyên.
Tiết mục múa cồng chiêng hấp dẫn khách thăm quan. Ảnh: Báo Công Thương
Được biết, Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.500km2, với 1.5 triệu dân và 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Giarai và Bana là chủ yếu.
Nghệ nhân tạc tượng. Ảnh: Báo ĐCSVN
Sống giữa đại ngàn, gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ, đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Giarai, Bana nói riêng luôn tâm niệm rằng tiếng chiêng chính là ngôn ngữ dùng để giao tiếp với thần linh, với tổ tiên, với thiên nhiên và để xua đuổi tà ma, điều xấu. Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ quang trọng của con người và cộng đồng. Vì thế, cồng chiêng luôn đồng hành và xuyên suốt cuộc đời họ thực sự là linh hồn, máu thịt của đồng bào nơi đây.
Giới thiệu với du khách về ẩm thực Gia Lai. Ảnh: Báo Công Thương
Tại chương trình Trung thu năm nay, cùng với các hoạt động giới thiệu văn hóa và con người vùng đất Gia Lai, các em thiếu nhi còn được xem những màn lân sôi động cùng điệu cười thật duyên của ông địa, kết hợp với tiếng trống, tiếng chũm chọe, tiếng la, tạo không khí vui tươi, rộn ràng.
Nghệ nhân hướng dẫn các em nhỏ làm đèn kéo quân. Ảnh: BTC
Bên cạnh đó, du khách được tham gia một trải nghiệm mới qua hoạt động trò chuyện với nghệ nhân về ý nghĩa mâm cỗ truyền thống và cách bày cỗ trong dịp Tết trông trăng. Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được trải nghiệm làm đồ chơi dân gian đặc trưng trong dịp Tết Trung thu như: làm ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, hoa quả bột… dưới sự hướng dẫn của những các nghệ nhân và các tình nguyện viên.
Du khách trải nghiệm làm Bánh Trung thu. Ảnh: BTC
Ngoài các hoạt động trình diễn nghệ thuật và làm đồ chơi dân gian, du khách có cơ hội cùng người thân khám phá các trò chơi dân gian ở Tây Nguyên: đứng tượng, trộm dưa leo, húc trâu, đá gỗ, cọp ốm… hy vọng, chương trình đã thực sự mang đến cho du khách, đặc biệt là các em nhỏ nhiều niềm vui, những kiến thức mới về truyền thống dân tộc…