Trung Thu ấm áp đầu tiên của những đứa trẻ được giải cứu từ Mái ấm Hoa Hồng

Giữa những vết thương chưa lành từ Mái ấm Hoa Hồng, 32 đứa trẻ đã được đón nhận tình thương tại Trung tâm Tam Bình, nơi các em đang tìm lại nụ cười giữa những bóng tối quá khứ.

Ngày 6/9, 32 đứa trẻ bị bạo hành từ Mái ấm Hoa Hồng (Q.12) đã được đón về Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP. Thủ Đức). Sự tiếp nhận này không chỉ là một hành động cứu cánh, mà còn là một tia hy vọng mới cho những mảnh đời mồ côi.

Và tại đây cái tết Trung thu đầu tiên đầy ấm cúng cũng được tổ chức cho 32 đứa trẻ bất hạnh.

Sau gần 2 tuần về với “nhà mới”, Tạp chí điện tử SAOstar đã có dịp đến thăm những đứa trẻ kém may mắn để tìm hiểu rõ hơn cuộc sống hiện tại của các em.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Châu (Phó Giám đốc Trung tâm), khi các em được đưa về trong đêm, không ai trong trung tâm có thể cầm lòng trước cảnh tượng đau thương của các bé. Từng ánh mắt, từng cử chỉ đều khắc sâu nỗi buồn khó diễn tả.

“Lúc ấy các nhân viên chỉ biết khóc, nước mắt lặng lẽ chảy theo những nỗi đau của các em” – Bà Châu chia sẻ.

Ngay khi các em đến nhà mới, Trung tâm đã nhanh chóng phân chia nhóm tuổi, tổ chức cách ly để theo dõi sức khỏe do dịch bệnh đang lây lan.

32 đứa trẻ bị bạo hành từ Mái ấm Hoa Hồng được giải cứu và đưa đến trung tâm Tam Bình.

32 đứa trẻ bị bạo hành từ Mái ấm Hoa Hồng được giải cứu và đưa đến trung tâm Tam Bình.

Trong số 32 em, có 27 trẻ dưới 6 tuổi và 5 trẻ lớn hơn. Suốt quá trình chăm sóc cho các em, Trung tâm không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, mà còn nhận thấy những dấu hiệu tổn thương tâm lý rõ ràng. Một số bé quấn lấy người lớn không rời, tìm kiếm chút hơi ấm và sự an toàn trong những cái ôm thật chặt. Có những em cứ bám lấy tay của các cô bảo mẫu không buông, như một cách để bày tỏ sự hoảng sợ vẫn còn ẩn sâu đâu đó.

Theo lời chia sẻ, mỗi buổi sáng, các bảo mẫu tại trung tâm đều tận tâm chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hợp với khẩu vị của các bé. Đây được xem như một hành động thương yêu của các cô bảo mẫu và đầu bếp, như một cách xoa dịu và bù đắp cho những em nhỏ kém may mắn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình cùng một em nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình cùng một em nhỏ.

Dù còn nhỏ, các em đã dần biết tự xúc ăn, tự lập giữa không gian mới. Thỉnh thoảng, một vài tiếng cười hồn nhiên vô tư bật ra như tìm lại chút bình yên cho tâm hồn sau những ngày đầy ám ảnh. Những hành động nhỏ như thế đã khiến những người lớn ở đây đều không khỏi xúc động.

Trong không khí rộn ràng của mùa Trung Thu, tại trung tâm bảo trợ, niềm vui càng được nhân đôi khi các tình nguyện viên âm thầm chuẩn bị một ngày hội ấm áp cho các em.

Họ cẩn thận gói từng chiếc bánh trung thu, làm lồng đèn đầy màu sắc, sắp xếp những phần quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Khung cảnh trở nên lung linh hơn khi những chiếc lồng đèn được treo cao, ánh sáng nhẹ nhàng soi rọi nụ cười háo hức của các em.

Những đứa trẻ, với ánh mắt ngây thơ lấp lánh, không giấu nổi sự thích thú khi lần đầu tiên được đón một mùa Trung Thu ấm áp. Tiếng cười, niềm vui xen lẫn sự ngỡ ngàng hiện rõ trên khuôn mặt, tạo nên khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc.

Khung cảnh trở nên lung linh hơn khi những chiếc lồng đèn được treo cao, ánh sáng nhẹ nhàng soi rọi nụ cười háo hức của các em.

Khung cảnh trở nên lung linh hơn khi những chiếc lồng đèn được treo cao, ánh sáng nhẹ nhàng soi rọi nụ cười háo hức của các em.

Bà Châu chia sẻ, 21 ngày cách ly chỉ là giai đoạn ban đầu để ổn định sức khỏe, nhưng hành trình chữa lành vết thương tâm lý sẽ còn dài. Sau thời gian này, Trung tâm sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng để rà soát hồ sơ, giúp các em trở lại trường học, tiếp tục hành trình bị gián đoạn quá lâu, đặc biệt tổ chức nhiều hoạt động cho các bé vui chơi như tết Trung thu.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thận trọng trong việc tiếp nhận các yêu cầu từ phía phụ huynh muốn nhận lại con. Mọi quyết định sẽ cần trải qua quá trình xác minh từ cơ quan Công an và chính quyền địa phương, để đảm bảo các em sẽ không phải chịu thêm bất kỳ tổn thương nào trong tương lai.

Tại trung tâm bảo trợ, niềm vui càng được nhân đôi khi các tình nguyện viên đang âm thầm chuẩn bị một ngày hội ấm áp cho các em.

Tại trung tâm bảo trợ, niềm vui càng được nhân đôi khi các tình nguyện viên đang âm thầm chuẩn bị một ngày hội ấm áp cho các em.

Vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng không chỉ khiến dư luận hoang mang, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về việc giám sát các cơ sở chăm sóc trẻ ngoài công lập. Những hành vi bạo hành, ngược đãi kéo dài suốt thời gian dài đã bị phơi bày nhờ vào sự vào cuộc của báo chí và người dân địa phương.

Sau khi được giải cứu, 86 trẻ em tại mái ấm đã được đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội công lập để được chăm sóc trong môi trường an toàn hơn. Hai bảo mẫu liên quan đã bị bắt giữ, và cơ sở này chính thức bị đình chỉ hoạt động.

Trong số đó, 32 đứa trẻ đã tìm được mái nhà mới tại Trung tâm Tam Bình. Nhưng giữa những ánh mắt ngây thơ ấy, vẫn còn phảng phất nỗi lo âu và những tổn thương chưa kịp lành. Những đứa trẻ này không chỉ chịu đau về thể xác, mà sâu hơn là những vết thương tâm lý khắc sâu trong ký ức nhỏ bé.

Hành trình của các em tại Trung tâm Tam Bình có lẽ mới chỉ bắt đầu. Mỗi em đều mang theo một câu chuyện, một vết thương riêng, không chỉ trên da thịt, mà còn sâu trong tâm hồn. Tôi mong rằng với tình yêu thương từ các bảo mẫu, sự giúp đỡ của cộng đồng, các em sẽ từng bước tìm lại niềm vui, sự bình yên mà các em xứng đáng có được.

Thiên Di

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/trung-thu-am-ap-cua-nhung-dua-tre-duoc-giai-cuu-tu-mai-am-hoa-hong-202409161722134067.html