Trung thu ấm áp ở Bệnh viện Tim

2 giờ chiều ngày 12-9 (14-8 âm lịch) trên tầng 3, khoa Nhi - Bệnh viện Tim Hà Nội đón Tết Trung thu. Những em bé nhỏ xíu vài tháng tuổi nằm trên tay mẹ, một số bé dăm ba tuổi mặc bộ quần áo bệnh viện, da xanh xao dựa vào cha, mắt hướng lên sân khấu.

Tiếng nhạc, tiếng hát và điệu múa của các đoàn thể đến vui chung cùng các bé. Một số bé bệnh nặng, mẹ bồng ra một lúc rồi phải trở vào giường bệnh. Có đoàn học sinh cấp 1 của Trường Tiểu học Vinschool khoảng chục em vào từng giường bệnh trao quà cho các em bé.

Một cậu bé chừng 8 tuổi cầm chiếc đèn lồng bằng bìa giấy hình ngôi nhà xinh xắn đưa cho một người mẹ trẻ đang bồng con ba tháng tuổi bảo: “Tối qua cháu tự tay làm chiếc đèn lồng này, cháu tặng em bé, không biết em có thích chiếc đèn lồng này không ạ?”. Một chút tình ấm áp của những đứa trẻ vui Tết Trung thu.

Đón Tết Trung thu ở khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đón Tết Trung thu ở khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội.

1. Khi mọi người đang còn cho các bé trong căn phòng ấm áp vui với Tết Trung thu, thì chị lẳng lặng bế con ra ngoài. Em bé nhỏ xíu, xanh xao nằm trên tay mẹ, thi thoảng lại cất tiếng khóc ngắn hơi, đứt quãng. Người mẹ vừa bế vừa cho con ti sữa, bé bập vào bầu vú mẹ, nhưng lại nhả ra ngay. Mẹ không có sữa, bé òa khóc, tiếng khóc tủi thân, nghe thật thương cảm. Người mẹ đôi mắt đỏ hoe ru con trên tay, chồng chị bên cạnh luống cuống bảo: “Em dỗ con, để anh đi pha sữa cho con”.

Chị là Khiếu Thị Hiền (33 tuổi), nhà ở đội 8, thôn Nguyễn, xã Yên Phúc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hai vợ chồng chị là người cùng xã lấy nhau đã 10 năm nay, lần lượt sinh ra bé gái 11 tuổi, bé trai 8 tuổi. Họ sống cùng nhau trong ngôi nhà cấp 4, cũ kĩ mái dột nhưng không khí gia đình luôn thuận hòa, con cái ngoan ngoãn.

Mang thai đến hơn 2 tháng chị mới biết và báo cho chồng. Anh bảo vợ: “Để sinh con em ạ, bỏ đi thì tội lắm”. Chị vừa vui vừa lo nói với anh: “Em có thêm con thì mừng lắm, nhưng chỉ sợ nhà mình hai vợ chồng đều làm ruộng nuôi thêm con lại là gánh nặng đổ lên anh...”. Anh trấn an vợ: “Không sao đâu, vì các con, vì em, anh sẽ có động lực để làm”.

Quãng thời gian mang thai, lúc chị bầu bụng to hai đứa con nhỏ thi thoảng lại xoa tay vào bụng mẹ nói: “Yêu em lắm, lớn nhanh còn ra ngoài này chơi với chị và anh nhé”. Cả quá trình mang thai, chị đi siêu âm vài lần, bác sĩ đều nói thai phát triển tốt, anh chị mừng lắm đợi đến tháng 6 sẽ sinh con. Và, ngày ấy đã đến, chồng đưa vợ đi đẻ ở trạm xá, đứng ở bên ngoài cổng, anh nghe thấy con cất tiếng khóc oe oe. Vợ chồng mừng quýnh, đón con - một bé trai đáng yêu đỏ hỏn nặng 3kg.

Đưa con về nhà một tuần, em bé bú mẹ ngày càng ít, lại ho, thở khò khe. Sốt ruột, hai vợ chồng bồng con xuống trạm xá khám. Trạm xá gửi lên bệnh viện huyện, bệnh viện huyện lại gửi lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh gửi lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viên Nhi Trung ương lại sang Bệnh viện Tim Hà Nội. Bác sĩ kết luận, bé bị tim bẩm sinh, thông sàn nhĩ thất.

Bệnh của bé khá nặng và cần phải mổ trước khi quá muộn. Điều kiện để mổ là đóng viện phí khoản tiền 40 triệu đồng, và em bé phải đủ cân nặng 6 kg, trong lúc mổ sức khỏe phải tốt vì đây là một ca đại phẫu. Nhận kết quả, nghe bác sĩ nói, chị ôm con chặt hơn, như sợ tử thần cướp mất con mình. Em bé da trắng, nét nhỏ nhắn xinh xắn chưa đầy tháng tuổi đã đi bao nhiêu bệnh viện.

Bồng con về nhà, hai đứa trẻ lao đến hỏi: “Em thế nào rồi mẹ? Bác sĩ đã chữa khỏi bệnh cho em chưa?”. Chị không nói được gì, hai mắt ngấn nước, đỏ hoe. Chúng lại hỏi: “Ơ thế em không khỏi ạ, vì em khỏi thì mẹ sẽ không khóc thế này”. Chị bảo: “Đợi em tăng cân lên một chút bố mẹ sẽ mổ cho em”. Bị tim bẩm sinh nên bé hay bị viêm phế quản, phổi, thỉnh thoảng hai ba tuần lại nhập viện một lần.

Một chiều đang dỗ con quấy, bé gái lớn đang học lớp 5, tới bên mẹ bảo: “Mẹ ơi, hay con nghỉ ở nhà để trông em và đỡ tiền học cho bố mẹ. Con nghe thấy bố mẹ nói đi vay mọi người để có tiền mổ cho em nhưng vẫn thiếu nhiều”. Nghe thấy con nói vậy, chị thấy xót xa trong lòng, chị vừa thương 3 đứa con, thương hai vợ chồng, thương cái khó, cái nghèo đeo bám.

Tôi gặp anh chị ở đây giữa Tết Trung thu khi bé được gần 3 tháng, nặng 4,1kg. Bác sĩ bảo hai vợ chồng cố chăm làm sao cho bé được 6kg thì mổ. Chị vì vừa thương xót con, lại lo lắng tiền bạc để có mấy chục triệu mổ cho con nên mất sữa. Từ ngày sinh con đến giờ hai vợ chồng dắt díu bồng con đi bệnh viện bao lần, tốn kém không ít. 4 giờ chiều, nắng mùa thu dịu dần, vợ ẵm con, người chồng đi bên cạnh cầm túi bỉm sữa tất tả đón xe về quê.

Bé trai 8 tuổi tự tay làm đèn lồng tặng các em bé ở Khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bé trai 8 tuổi tự tay làm đèn lồng tặng các em bé ở Khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội.

2. Em bé gái nằm trên tay mẹ đôi lúc lại ngó ra phía cuối giường nơi có chiếc đèn ông sao. Chị Lưu Thị Thắc, ở xóm Ao Then, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, 38 tuổi mới lần đầu làm mẹ. Cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, nhưng không có con, chị ở vậy được một thời gian thì gặp anh Chính. Anh làm thợ máy, chị là công nhân, duyên nợ thế nào, họ yêu nhau. Khổ nỗi anh đã có vợ con. Trong phút yếu lòng, chị ngã vào vòng tay anh và mang thai khi vào tuổi không còn trẻ.

Biết tin chị có bầu anh lo lắng lắm, ruột rối như tơ vò, chẳng biết giải quyết làm sao. Vợ anh là người phụ nữ nhạy cảm, chị biết hết. Nhưng, dù sao đây cũng là một đứa trẻ, sinh mạng một con người, chị chấp nhận sự thiệt thòi để chồng sang chăm sóc người phụ nữ đang bụng mang dạ chửa, và đợi ngày lâm bồn.

Chị Thắc, mỗi lần đi siêu âm lại thấy thai nhi ngày một phát triển thì mừng lắm. Chị khát khao tiếng trẻ bi bô trong căn nhà trống vắng. Chị thèm lắm nghe tiếng gọi mẹ, mong mỏi đưa đứa trẻ đi chơi công viên, mơ ước hằng đêm kể chuyện cho con ngủ... Niềm mơ ước nhỏ nhoi, giản dị ấy cứ tròn dần, đầy lên trong tâm hồn chị.

Nhưng, thật không may, tạo hóa như đùa với số phận. Em bé sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ bảo bệnh của bé khá nặng, cần phải mổ thì mới có thể duy trì được sự sống. Đến nay, bé gái đã 24 tháng, vậy mà còn chưa biết ngồi, lại đau ốm liên miên. Hai ba tháng phải nhập viện một lần.

Những lần chị Thắc bế con đi khám, anh Chính thường đi theo hỗ trợ tay xách nách mang lỉnh kỉnh bỉm sữa áo quần. Phận đàn bà cùng cảnh xuất thân từ ruộng lúa, cánh đồng, lại là người rộng lượng, nên vợ anh thông cảm cho hoàn cảnh của chị Thắc. Vợ anh còn khuyên chồng nên chăm lo cho em bé bị bệnh.

Anh Chính vẫn ở nhà anh, nhưng mỗi khi thấy chị Thắc nhắn tin em bé đau yếu, là anh lại lao ngay đến. Tình cha con, máu mủ nên xót lắm, thương lắm. Hôm nào con khỏe, khuôn mặt em bé rạng rỡ hẳn. Lúc con yếu người, đứa trẻ nằm thiêm thiếp, ốm o, trông thật tội.

Trẻ bị tim bẩm sinh thường rất dễ viêm phổi, kể cả cha mẹ có chăm sóc tốt đến cỡ nào. Em bé cứ ra vào viện luôn luôn. Bé mổ tim lúc 2 tuổi, nhưng ba tuần sau kết quả không tốt nên bé phải mổ lại. Mổ xong, họ cho em bé vào trong phòng cách li, phải thở máy.

Suốt cả tháng trời như vậy. Chị thuê nhà trọ sập xệ bên ngoài ngay cạnh nhà ga cho tiện đi lại, hằng ngày vắt sữa vào chai mang tới viện đưa cho cô điều dưỡng để cho bé ăn. Chị và anh cứ đứng ngoài chầu trực, lúc nào cũng kè kè điện thoại bên mình để có gì bác sĩ còn gọi thông báo bệnh tình của con.

Suốt cả mấy tháng trời bé gái nằm phòng cách ly, chị như đứt từng khúc ruột, lòng nóng ran như lửa đốt. Thương con, xót cho phận mình, lắm lúc chị đâm nghĩ quẩn, nhưng rồi chị lại lau nước mắt và nghĩ, mình phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho con.

Mỗi lần nhìn chị Thắc bồng con mím môi đầy quả quyết, anh Chính cảm thấy như mình là người có lỗi, tưởng đâu mang hạnh phúc đến cho chị, nhưng dường như đứa trẻ bị như vậy càng làm chị khổ hơn. Từ ngày sinh bé ra, chị đã khóc tưởng chừng như cạn khô đôi mắt.

Chị đi làm thuê lau dọn nhà cửa cho người ta, em bé ốm đau suốt nên chị chỉ ở nhà trông con không đi làm được nữa, tích cóp được đồng tiền nào cũng đã đổ vào em bé hết cả. Em bé nằm trên tay bố ăn sữa bình rồi lại ngủ ngon lành. Chiều nay họ lại bìu díu nhau về quê. Vết mổ vẫn chưa khô chỉ, bác sĩ hẹn 1 tuần tới viện khám một lần. Mong có một phép nhiệm màu để bé có thể khỏe mạnh, và biết ngồi, biết bi bô cất tiếng gọi mẹ, gọi cha.

Các bệnh nhi vui Tết Trung thu trong tình người ấm áp.

Các bệnh nhi vui Tết Trung thu trong tình người ấm áp.

3. Người mẹ trẻ khuôn mặt hiện lên sự mệt mỏi, đôi mắt quầng thâm của nhiều đêm mất ngủ vì lo cho con. Chị là Mạc Thị Bưởi, nhà ở xóm Bình Long, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1, chị làm nhân viên bán hàng siêu thị. Lập gia đình rồi đến khi biết mình mang thai bé trai và chuẩn bị được làm mẹ, chị vui và hạnh phúc lắm.

Hai vợ chồng cùng nhau đi sắm sửa đồ sơ sinh cho bé, mong từng ngày đứa con yêu thương chào đời. Lúc có bầu đi siêu âm bác sĩ không phát hiện thai nhi bị bệnh, chỉ đến lúc sinh con được hai ngày chị thấy em bé có biểu hiện bất thường, thở khò khè, bú kém, da tím tái, đưa con đi khám, bác sĩ kết luận bé bị tim đảo gốc động mạch chủ, tràn dịch màng phổi cần phải mổ.

Lúc chào đời bé nặng 3kg, đến hôm tròn một tháng đưa con vào phòng mổ bé nặng, 3,9kg. Trước nay, thỉnh thoảng trên báo đài và các phương tiện truyền thông chị vẫn nghe về các trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh, chị không thể ngờ tai họa khủng khiếp ấy lại giáng xuống vợ chồng chị.

Em bé vào phòng mổ, sau ca mổ bé phải nằm trong phòng cách ly tròn hai tháng 10 ngày. Những ngày đó, chị ăn trực nằm chờ ngoài hành lang bệnh viện, đôi lúc người chỉ như muốn lả xuống, cảm tưởng như không thể đứng vững nổi nữa. Thật là ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời của chị.

Khoảng 10 hôm thấy mẹ nhớ con quá, các bác sĩ cho mẹ vào thăm con chừng 5, 7 phút. Nhìn con bé nhỏ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, đôi cánh tay, chân, trán và khắp người của bé không có chỗ nào là không từng châm kim lấy ven để truyền thuốc, nước mắt chị chực trào ra. Hôm nay là 6 hôm bé được ra khỏi phòng cách ly để trao cho mẹ. Em bé đã 3 tháng nhưng chỉ nặng có 3,4kg. Từ lúc sinh đến giờ không có ngày nào là không phải truyền thuốc, thỉnh thoảng lại phải lấy ven lại vì vỡ ven.

Một đứa trẻ lấy ven đã khó lại còn là trẻ sơ sinh đang yếu thì việc lấy ven còn khó hơn nhiều. Có lần hết cả 5 cây kim mà chưa lấy được ven. Những lúc thế, chị đau thắt lòng, mắt đỏ hoe. Ở đây có biết bao em bé phải mổ đi mổ lại đến 2, 3 lần, chị không biết cơ thể con có thể chịu được sự đau đớn ấy một lần nữa hay không?!

Chị cũng không biết những tháng ngày này sẽ trôi qua như thế nào, tương lai em bé sẽ ra sao, chị chỉ mong có phép màu kì diệu để cho con khỏe mạnh. Ngoài kia, tiếng trống Trung thu đón chị Hằng, đang rộn ràng.

Mỹ Trân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trung-thu-am-ap-o-benh-vien-tim-562140/