Trung thu của những đứa trẻ xóm chài trên vịnh Hạ Long

Hoàn tất chuyến đò cuối chở khách lên bờ, Thủy tất tưởi khua mạnh mái chèo hướng về nhà là con thuyền cũ đậu dưới gầm cầu vì biết hôm nay chúng tôi ra chơi và mang theo đèn ông sao.

Nhiều năm nay, những đứa trẻ xóm chài ven bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gần như không được biết đến Tết trung thu. Những gương mặt non thơ phải lăn lộn với từng con sóng để mưu sinh, phụ giúp gia đình chạy ăn từng bữa. Trung thu đối với các em chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày.

Những gương mặt trẻ thơ phải lênh đênh sóng nước mưu sinh trên vịnh Hạ Long.

Những gương mặt trẻ thơ phải lênh đênh sóng nước mưu sinh trên vịnh Hạ Long.

Chiếc thuyền nan của Thủy vừa cập mạn thuyền nơi chúng tôi đang đứng. Miệng nhanh nhảu chào cô chú nhưng tay vẫn thoăn thoắt tát cạn nước trong lòng thuyền trước khi rời đi. "Cô chú mua đèn ông sao cho cháu? Đẹp thế! Buổi tối nó có sáng không ạ?", Thủy hồ hởi khi thấy chiếc đèn ông sao để ở mạn thuyền.

Tết trung thu của những đứa trẻ xóm chài trên vịnh.

Tết trung thu của những đứa trẻ xóm chài trên vịnh.

“Hai chị em tối có đi chơi trung thu không?”. Thủy hơi cúi cúi đầu rồi lắc nhẹ - "Dạ cháu không!"

Gia đình Thủy có 5 người, ngoài bố mẹ, dì, Thủy còn có 1 em gái mới lên 3. Cả 5 người cùng sống trên một chiếc thuyền cũ. Mọi sinh hoạt đều gói gọn trên chiếc thuyền chưa đầy 7 mét vuông này.

Cả 5 người sống chung trên con thuyền cũ chưa đầy 7 mét vuông.

Cả 5 người sống chung trên con thuyền cũ chưa đầy 7 mét vuông.

Từ ngày bến cá Hạ Long được di chuyển đến vị trí mới, cả xóm chài sống chật vật hơn. Ít khách đi thuyền, tôm cá đánh bắt về cũng khó bán hơn trước. Ngày ra lộng, tối lại neo thuyền dưới chân cầu Bài Thơ để tránh mưa, tránh gió.

Xóm chài cư ngụ dưới gầm cầu Bài Thơ.

Xóm chài cư ngụ dưới gầm cầu Bài Thơ.

"Ăn còn chưa đủ thì đâu dám nghĩ đến chuyện cho con đi học hay mua đèn trung thu cho chúng. Vợ chồng tôi có mỗi 2 đứa mà lo còn không nổi. Mấy nhà kia nheo nhóc 4-5 đứa còn cực nữa" - mẹ của bé Thủy ái ngại khi nói đến hoàn cảnh gia đình.

Ánh mắt long lanh của những đứa trẻ khi cầm trên tay chiếc đèn trung thu.

Ánh mắt long lanh của những đứa trẻ khi cầm trên tay chiếc đèn trung thu.

Từ lúc sinh ra, Thủy chỉ biết mình sống ở thuyền, có bố có mẹ và biển là người bạn thân quen. Hàng ngày, Thu cùng bố mẹ ra khơi đánh bắt cá chiều về lại neo đậu dưới gầm cầu. Vào những hôm nước cạn, Thủy cùng bọn trẻ trong xóm vào hang bắt ốc, nước lớn thì ở nhà gỡ lưới, giúp bố mẹ chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi đánh bắt ngày hôm sau.

Mới 7 tuổi nhưng Thủy phải làm đủ mọi việc để phụ giúp gia đình.

Mới 7 tuổi nhưng Thủy phải làm đủ mọi việc để phụ giúp gia đình.

Mân mê cây đèn trong tay, Thủy ngước nhìn rồi hỏi: "Trung thu có vui không chú, cháu thấy trên bờ các bạn cứ dong trống với cả múa lân. Mà sao lại gọi trung thu là Tết?".

Những "mầm non" của di sản vẫn chưa đủ ăn, đủ mặc. Vẫn chưa được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa.

Những "mầm non" của di sản vẫn chưa đủ ăn, đủ mặc. Vẫn chưa được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa.

“Hai đứa nó ít khi lên bờ nên không biết trung thu là ngày gì đâu. Mấy hôm nay chở khách nghe mọi người bảo Tết trung thu nên hôm qua cũng về bảo bố mẹ cho đi nhưng chị không nói gì”, Mẹ của Thủy nhìn hai đứa con chơi cùng chiếc đèn ông sao, nghẹn ngào chia sẻ.

Tết trung thu đối với lũ trẻ xóm chài ven vịnh Hạ Long vẫn là mơ ước xa vời.

Tết trung thu đối với lũ trẻ xóm chài ven vịnh Hạ Long vẫn là mơ ước xa vời.

Mặt trời dần khuất sau những dãy núi phía vịnh, tiếng trống lân to dần hòa lẫn tiếng còi xe náo nhiệt trên phố. Cách một con đường, dưới gầm cầu Bài Thơ, những con thuyền vẫn lặng yên neo đậu, ánh đèn dầu le lói dập dềnh theo từng đợt sóng. Ở đó, những đứa trẻ xóm chài đang mơ về Tết trung thu.

Hoàng Dương - Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/trung-thu-cua-nhung-dua-tre-xom-chai-tren-vinh-ha-long-1729236.tpo