Trung thu - Giữ gìn nét đẹp ngàn đời

Tết Trung thu gắn liền với những nét văn hóa truyền thống, là ngày tết đoàn viên, nhà nhà phá cỗ, vui hội trăng rằm. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, những giá trị truyền thống ấy có còn được các bạn trẻ giữ gìn?

Thưởng thức bánh trung thu, nhâm nhi tách trà nóng đã trở thành thói quen của nhiều người Việt, kể cả các bạn trẻ

Thưởng thức bánh trung thu, nhâm nhi tách trà nóng đã trở thành thói quen của nhiều người Việt, kể cả các bạn trẻ

Tết Trung thu là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần thưởng thức miếng bánh ngọt, uống tách trà thơm, chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa bên nhau. Đặc biệt với thế hệ 8X, 9X, Tết Trung thu là dấu ấn khó phai trong ký ức tuổi thơ, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Những ngày kề cận đêm hội trăng rằm, lũ trẻ háo hức canh gỡ từng tờ lịch, cùng nhau làm những chiếc đèn lồng giấy nhiều màu sắc, vừa làm, vừa hát những bài đồng dao vui nhộn. Trong khi đó, người lớn tất bật chuẩn bị những chiếc bánh trung thu thơm ngon, ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa, lòng ngập tràn hạnh phúc. Mùi thơm của bánh quyện lẫn với hương hoa quả tạo nên không khí ấm áp, đoàn viên.

Hồi tưởng lại những kỷ niệm thú vị về tết đoàn viên, chị Huỳnh Công Hải Nguyên (phường 4, TP.Tân An) chia sẻ: “Hồi đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, tôi thường xếp hàng cùng các bạn nhỏ trong xóm ra nhà văn hóa của cư xá để nhận bánh, đèn lồng. Sau này, dù đã lớn nhưng tôi vẫn dành thời gian đi ăn, đi chơi cùng gia đình trong dịp Tết Trung thu. Tôi hy vọng những nét đẹp mùa Trung thu như phá cỗ, rước đèn,... sẽ được các bạn trẻ gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hiện đại”.

Nhiều bạn trẻ vẫn giữ thói quen mua bánh trung thu biếu, tặng, thưởng thức cùng gia đình

Nhiều bạn trẻ vẫn giữ thói quen mua bánh trung thu biếu, tặng, thưởng thức cùng gia đình

Cùng cảm xúc với chị Hải Nguyên, chị Dương Võ Khánh Vy (phường 6, TP.Tân An) cũng vẹn nguyên ký ức về ngày tết đoàn viên. “Kỷ niệm khó quên nhất với tôi trong dịp Tết Trung thu là cùng các bạn phá cỗ, làm lồng đèn thủ công và bánh dẻo. Lúc đó, bầu không khí nhộn nhịp vô cùng. Tiếng trẻ em hò reo, nối đuôi nhau rước đèn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ dù hiện tại hay tương lai thì Tết Trung thu vẫn là dịp quan trọng, khó thay thế và những giá trị truyền thống sẽ còn mãi, không bị mai một” - chị Vy nói.

Trong thời đại công nghệ số, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính hay mạng xã hội dần “chiếm lĩnh” cuộc sống. Vì vậy, nhiều bạn trẻ lựa chọn cách đón Trung thu mới, sáng tạo như rước đèn online, livestream, check-in với các địa điểm nổi tiếng có trang trí chủ đề Trung thu,... Bên cạnh đó, nhiều người chỉ đơn giản tụ tập bạn bè, đi dạo phố, ăn uống, xem phim, xem trung thu như một dịp để thư giãn, xả stress.

Mỗi năm vào tháng 8 Âm lịch, em Lê Phạm Quốc Vinh (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) vẫn háo hức đón chờ Tết Trung thu. Trong ký ức tuổi thơ, Trung thu của em là niềm vui khi được ba mẹ tặng lồng đèn giấy kiếng hình ngôi sao, con gà, con cá,... Lớn dần, em cùng bạn bè trong xóm mày mò làm lồng đèn giấy rồi vui vẻ dùng thành phẩm của mình để rước đèn.

Những năm gần đây, gia đình có thêm nhiều thành viên mới, Vinh lên chức cậu và có nhiệm vụ chăm sóc, chơi đùa cùng các cháu. Vì vậy, cậu sinh viên trẻ lên kế hoạch tổ chức ngày hội trăng rằm thật nhộn nhịp trong gia đình.

Vinh bộc bạch: “Năm nay, vào ngày Tết Trung thu, em sẽ về nhà sớm để mua sắm các vật dụng làm lồng đèn rồi tụ họp các cháu lại. Em muốn dạy cho các cháu cách làm lồng đèn giấy và các bài hát về Trung thu để rước đèn, sau đó em sẽ dẫn các cháu đi chơi, ăn uống”.

Với chị Nguyễn Phạm Thanh Trúc (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ), Tết Trung thu vẫn còn vẹn nguyên các giá trị truyền thống. Năm nào chị cũng chọn mua bánh trung thu để biếu, tặng người thân và để gia đình thưởng thức. Hiện tại, chị là giáo viên và tham gia các hoạt động Đoàn của trường học. Tiếp xúc nhiều với học sinh, chị hiểu rõ tầm quan trọng của việc truyền đạt ý nghĩa ngày Tết Trung thu đến với trẻ em. Vì vậy sắp tới, chị sẽ phối hợp trường tổ chức một ngày hội vui Trung thu cho các em học sinh.

Chị Trúc tâm sự: “Mình mong muốn các em nhỏ có thể được rước đèn, tìm hiểu về ý nghĩa Tết Trung thu. Bên cạnh đó, mình còn muốn dành thời gian bên gia đình, có thể cùng ba, mẹ, anh hai ngồi ăn bánh, uống trà, trò chuyện, chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời”.

Dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Trung thu vẫn là sợi dây gắn kết các thế hệ, là nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi người trẻ hôm nay cần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp ấy đến mai sau để Trung thu mãi là ngày hội ý nghĩa với từng thế hệ./.

Ngọc Hân - Hoàng Lan - Thiên Di

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trung-thu-giu-gin-net-dep-ngan-doi-a182365.html