Trung thu ở phố

'Hàng năm cứ vào cuối thu, khi quầy bánh đặt nhiều và trên vỉa hè có nhiều người tấp nập mua bán, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của những mùa Trung thu', xin mạn phép 'chế' đoạn trích 'Tôi đi học' của nhà văn Thanh Tịnh để nói về mùa rất đặc biệt trong ký ức của nhiều người: Tết Trung thu.

Tết Trung thu là một ngày Tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết trông trăng

Tết Trung thu là một ngày Tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết trông trăng

Tết Trung thu cũng có nhiều tài liệu khác nhau lý giải về nguồn gốc, nhưng có một nguồn gốc khá thuần Việt chỉ ra rằng: Tết Trung thu là một ngày Tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết trông trăng.

Theo sử cũ, được các nhà khảo cổ học tỉ mỉ liệt kê thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Văn bia chùa Đọi năm 1121 lưu dấu lại, từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Tuy nhiên, dù dựa trên tài liệu và khảo cứu nào thì một điều mặc nhiên được thừa nhận về Trung thu trong tiềm thức người Việt đó là ngày dành cho thiếu nhi. Ngày đó, với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở những vùng nông thôn cũng là ngày háo hức chờ đợi trong năm, chỉ thua Tết Nguyên đán dăm ba bảy phần gì đó. Lũ trẻ ở quê thời vẫn phần nhiều thiếu thốn được bố mẹ làm cho cái đèn ông sao thế là đã tong tong chạy làm huyên náo đường làng ngõ xóm.

Đám bạn lại quần tụ nhau thành từng nhóm, tổ chức rước đèn hay đu bám theo những đám múa lân, múa sư tử. Thời xa xưa thiếu thốn, Tết Trung thu cũng là mùa bội thu bánh kẹo với đám trẻ nhỏ ở nông thôn, bởi vậy đám thiếu nhi thời đó cũng chỉ quan tâm xem trong tay có đồ chơi thức lạ nào chứ cũng chẳng để tâm nhiều trăng sáng tròn ra sao.

“Bây giờ, khi bánh kẹo đã ê hề người ta mới trông nhiều đến trăng Trung thu. Đặc biệt với những người gốc gác làng quê nhưng lại đang cư ngụ thành phố thì càng đắm đuối với ánh trăng hơn. Nhiều người đã lớn vẫn tiếc nuối thở than rằng: Trăng ở thành phố hao gầy và ít sáng hơn trăng ở nông thôn. Suy cho cùng cũng do bối cảnh nhìn, ở quê trăng thỏa thuê tỏa bóng trên những mênh mang đồng ruộng, ở phố trăng đã bị cạnh tranh ánh sáng của ánh đèn đô thị lại còn bị che chắn bởi nhà cao tầng, âu cũng là hợp lý”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Bây giờ, khi bánh kẹo đã ê hề người ta mới trông nhiều đến trăng Trung thu. Đặc biệt với những người gốc gác làng quê nhưng lại đang cư ngụ thành phố thì càng đắm đuối với ánh trăng hơn. Nhiều người đã lớn vẫn tiếc nuối thở than rằng: Trăng ở thành phố hao gầy và ít sáng hơn trăng ở nông thôn. Suy cho cùng cũng do bối cảnh nhìn, ở quê trăng thỏa thuê tỏa bóng trên những mênh mang đồng ruộng, ở phố trăng đã bị cạnh tranh ánh sáng của ánh đèn đô thị lại còn bị che chắn bởi nhà cao tầng, âu cũng là hợp lý.

Nói về Trung thu thời hiện đại, tác giả dân gian đã từng phải thở than rằng: “Trung thu là của thiếu nhi/ Tại sao người lớn lại đi chơi nhiều”. Bằng chứng sinh động trong thực tế là việc trưng diện của bánh Trung thu. Bánh Trung thu bây giờ không chỉ được ăn bằng miệng mà còn được thưởng lãm bằng mắt. Và dĩ nhiên, phần bánh sẽ ưu tiên dành cho con trẻ, còn phần lung linh sặc sỡ tốn tiền hơn thuộc về người lớn.

Trung thu với nhiều người được mặc định là căn cớ để tri ân lẫn nhau của những người trưởng thành. Trẻ em vẫn có thị phần riêng của mình. Bố mẹ vẫn sẽ ưu tiên dành cho những món quà tặng, dù rằng quà tặng bây giờ đã khác ngày xưa, đèn ông sao đã chớp lòa đèn led, thậm chí còn hú hét nhiều âm thanh, bánh trái bây giờ với trẻ em không còn là sự thèm khát, đôi khi còn bị bố mẹ ép phải ăn cho khỏi phí.

Đối với nam thanh nữ tú chưa bận rộn con cái, dịp này là cơ hội để có được những bức ảnh để đời đặng còn “câu like” cho kịp “nóng”. Bởi thế, phố Hàng Mã, con phố tấp nập mùa Trung thu những năm gần đây buộc phải trưng biển với lời lẽ hoặc là thống thiết, hoặc là nghiêm khắc hoặc là van nài du khách đừng biến cửa hàng thành phông nền chụp ảnh.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nói về Trung thu thời hiện đại, tôi ấn tượng hơn với Lễ hội Trung thu ở thành Tuyên (Tuyên Quang). Ở đó, mỗi dịp này từng tổ từng phường lại ê hề quần tụ lại sáng tạo ra các hình thù đèn lồng siêu to, siêu ấn tượng rồi diễu hành qua phố. Ngoài là một ngày để hòa nhịp Trung thu, mua vui phường phố, lễ hội của những đèn lồng siêu to siêu khổng lồ này còn là dịp để đua tranh thứ hạng của nhau giữa các đơn vị.

Lễ hội từ ý nghĩa ban đầu giờ đã trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch và kích cầu tiêu dùng sản vật địa phương. Dù với một số người dân bản địa, họ vẫn thích không khí nhộn nhịp mà đầm ấm ngày xưa hơn tấp nập ồn ào như bây giờ, tuy nhiên Trung thu ở thành Tuyên vẫn là lễ hội dung hòa được niềm vui cho cả người lớn, con trẻ và có khi còn là cơ hội chào đời cho những thế hệ sau.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/trung-thu-o-pho/825016.antd