Trùng tu chưa đến nửa năm, cụm tháp Chăm Khương Mỹ đã bị muối hóa

Mặc dù mới được trùng tu chưa đến nửa năm, nhưng 2 tháp trong cụm 3 tháp Chăm Khương Mỹ (ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã bị muối hóa, rong rêu bám. Khu vực này cũng thưa thớt du khách và không có người trông coi.

Cụm tháp Chăm Khương Mỹ

Cụm tháp Chăm Khương Mỹ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về khảo cổ học, cụm di tích 3 tháp Chăm Khương Mỹ được xây dựng vào cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10, bao gồm ba tháp nằm kề nhau gồm tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam. Cụm tháp được công nhận Di tích quốc gia năm 1989.

Bên cạnh Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Chiên Đàn và Phật viện Đồng Dương thì tháp Khương Mỹ là một trong những di tích văn hóa Champa còn sót lại chứa đựng nhiều điều chưa được khai phá.

Tuy nhiên, sau 1.000 năm tuổi, cụm 3 di tích tháp Chăm Khương Mỹ xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đầu kinh phí để trùng tu, phục hồi hai tháp Bắc và Giữa.

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ có tổng kinh phí là hơn 12,6 tỷ đồng. Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) là nhà thầu thi công; Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích là nhà thầu khảo sát hiện trạng, lập thiết kế dự toán; Công ty TNHH MTV thiết kế và Xây dựng Mỹ Gia là nhà thầu giám sát. Việc trùng tu thực hiện từ năm 2019, cuối năm 2022 hoàn thành.

Tháp Bắc với diện tích khoảng 57 m2, chiều cao tháp là khoảng 16,9 m; tháp Giữa với diện tích khoảng 75m2, chiều cao tháp là khoảng 18,7 m.

Các hạng mục được trùng tu gồm phát quang bụi rậm xung quanh tháp, xử lý diệt cỏ dại trên thân tháp; hạ giải các khối xây sạt lở mất khả năng liên kết; phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái; tu bổ khối xây lõi tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng vữa truyền thống... Ngoài ra, tháp còn được tu bổ các chi tiết chạm khắc soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp; chống mối mọt nền toàn bộ lòng tháp và bên ngoài tháp.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy nửa năm, gạch tại nhiều mảng tường mới được trùng tu xuất hiện những vệt trắng như muối. Hai khu vực hai tháp này, nhiều mảng gạch tường có màu trắng loang lổ, nhất là khu vực tháp Giữa, những vết trắng như muối xuất hiện từ phía ngoài cửa tháp cho đến bên trong tháp. Ngoài ra một số mảng tường của hai tháp trên cũng xuất hiện tình trạng rêu xanh bám quanh trông xấu xí.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho hay các vệt trắng xuất hiện trên 2 thân tháp được trùng tu do bị muối hóa.

Lý giải về hiện tượng này, ông Thành cho hay, nguồn gạch thực hiện dự án được mua từ tỉnh Bình Định, đây là loại gạch đặc biệt để trùng tu tháp. Khi trùng tu đưa vật liệu mới vào thì xuất hiện muối trên bề mặt gạch. Muối có trong đất làm gạch, sau thời gian sử dụng thì lộ ra bên ngoài. Ngoài ra, vị trí tháp Khương Mỹ ở bên trên nguồn nước ngầm hồ Phú Ninh, trời mưa nhiều tạo điều kiện cho rêu mốc phát triển.

Theo ông Thành, hiện tượng muối hóa kia không ảnh hưởng đến kết cấu tháp, chỉ gây mất mỹ quan. Do dự án đang trong thời gian bảo hành, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ xây dựng vào khảo sát, đưa ra cách khắc phục.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng muối hóa là do thành phần đất, bởi gạch làm từ đất.

“Do quá trình chọn lựa đất không đúng chuẩn, trong lòng đất cũng có hàm lượng muối lớn chứ không chỉ dưới biển. Đất chọn làm gạch tu sửa đợt này có tích hợp hàm lượng muối cao nhưng trong quá trình sản xuất gạch có thể không kiểm tra, thí nghiệm cho nên toàn bộ số gạch làm đất chỗ đó bị muối hóa hết”, ông Cẩm nói.

Theo ông Cẩm, để xử lý muối bám trên gạch trước khi trùng tu, các chuyên gia thường đem gạch ngâm nước mát ba ngày, ba đêm. Sau đó, tiến hành chà xát để đẩy muối dính phía ngoài viên gạch rồi đem phơi khô (làm 2 lần). Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp thủ công và xử lý trước khi trùng tu. Còn hiện tượng muối hóa ở cụm tháp Khương Mỹ thì có cách khắc phục khác.

“Trong quá trình làm việc với các chuyên gia của Australia trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn, tôi được các chuyên gia giới thiệu một loại dung dịch tinh thể bột hòa với nước, sau đó trát lên tường. Sau một tháng, lớp hoạt chất trên hút sạch muối và tróc ra. Muốn làm cách này, đơn vị trùng tu phải liên hệ với nước ngoài mua dung dịch, chi phí cũng khá cao”, ông Cẩm nói.

Vũ Vân Anh - Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trung-tu-chua-den-nua-nam-cum-thap-cham-khuong-my-da-bi-muoi-hoa-post475116.html