Trùng tu di tích: Cách nào là tốt nhất?

Nói về việc trùng tu di tích, Kiến trúc sư Lê Thành Vinh từng phát biểu: 'Không thể làm giả để người ta quen mắt'.

Câu chuyện trùng tu Chùa Cầu ở TP Hội An đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận trong những ngày qua.

Một bên cho rằng, việc trùng tu Chùa Cầu là cần thiết và hiện trạng như bây giờ là phù hợp với những tính toán, cân nhắc của những người làm chuyên môn. Phía còn lại nêu ý kiến việc trùng tu đã khiến công trình hàng trăm năm tuổi khoác một "chiếc áo mới" sặc sỡ hơn vốn có.

Trước đây, khi việc trùng tu Ô Quan Chưởng ở Hà Nội kết thúc, dư luận cũng được một phen "nổi sóng". Kiến trúc sư (KTS) Lê Thành Vinh, lúc đó đang là Viện trưởng Viện Bảo tồn di cho đã có những ý kiến cho rằng việc trùng tu công trình này đã làm mất đi vẻ cổ kính, rêu phong của nó.

Theo KTS Lê Thành Vinh, nếu chỉ nhìn Ô Quan Chưởng theo hình ảnh rêu phong thì có làm màu gì cũng sẽ không thể đúng được.

 Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: THANH NHẬT.

Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: THANH NHẬT.

“Có mấy người bạn họa sĩ đã bảo tôi sao không tạo những mảng màu giống rêu mốc, nhưng điều đó trái ngược nguyên tắc trùng tu, không thể làm giả để người ta quen mắt” - ông Vinh trả lời trên báo chí.

Dù vậy, ngay tại thời điểm công trình trùng tu được hoàn thiện với diện mạo mới, nhiều chuyên gia thậm chí cũng có ý kiến khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, Ô Quan Chưởng khi đã trải qua mưa gió của thời gian, dư luận có vẻ cũng dần quen với diện mạo mới của công trình này.

Trùng tu và bảo tồn các công trình, nhất là những công trình có hàng trăm năm tuổi không phải là một chuyện đơn giản.

Họa sĩ - KTS Lý Trực Dũng, người từng tham gia trùng tu nhiều công trình nêu thực tế về việc hạ giải di tích rồi xây lại, ông nói: “Làm như thế, chúng ta có thể biến một công trình văn hóa lịch sử có dấu ấn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm thành một năm tuổi.

Nếu trùng tu di tích đơn giản chỉ là xây mới thì không cần đến những nhà chuyên môn, chỉ cần một anh thợ xây cũng có thể làm được. Đó là cách tiêu diệt di sản, chứ không phải là trùng tu, bảo tồn di sản như cái “mác” chúng ta vẫn treo vào”.

Dù chỉ biết đến công trình Chùa Cầu Hội An thông qua báo chí, tuy nhiên KTS Trần Huy Ánh lại có niềm tin vào con người Hội An và tinh thần của những người Hội An.

“Người Hội An kỹ tính và yêu quý thành phố của họ” - ông Ánh nói.

Để trùng tu di tích thành công cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn PLO, KTS Lý Trực Dũng đã nói: “Tôi cho rằng trong trùng tu di tích, chữ tâm mới là yếu tố quan trọng hàng đầu”.

Dĩ nhiên, tâm thôi chưa đủ, đi cùng với đó cần phải có sự am hiểu với di tích và ứng xử với di tích một cách hài hòa và trách nhiệm. Việc tiếp thu ý kiến của dư luận, điều chỉnh với di tích Chùa Cầu mới đây của chính quyền Hội An đang tiệm cận hơn với việc đó là một tín hiệu vui.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-tu-di-tich-cach-nao-la-tot-nhat-post802697.html