Trùng tu di tích và những câu chuyện gây tranh cãi
Trước sự bào mòn của thời gian, việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử là việc làm cấp thiết. Song, tại nhiều địa phương, hàng loạt công trình sau trùng tu, diện mạo mới của các di tích đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Phản ứng của dư luận về diện mạo mới của Chùa Cầu sau tu bổ
Với 20 tỷ đồng và hơn 1 năm để trùng tu, di tích Chùa Cầu - một biểu tượng hơn 400 năm tuổi của Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang gây tranh cãi vì diện mạo quá mới. Hiện đang có hai luồng ý kiến tranh luận trong dư luận.
Trong đó, một bên tỏ ra gay gắt, phản đối và cho rằng “diện mạo” của chùa Cầu sau khi trùng tu quá mới, “quá trẻ” so với trước đây: một số chi tiết được thay thế, phục dựng trong quá trình trùng tu như hoa văn trên đỉnh mái, màu hoa văn, màu vôi, tường, ngói… quá mới, tạo cảm giác “khập khiễng”, không ăn khớp với phần giữ nguyên cũ; phần đỉnh mái được thay thế bằng vật liệu mới, độ bền cao nhưng cũng được cho là quá hiện đại.
“Cái này gọi là phá chứ trùng tu cái gì. Y như đập đi xây lại. Người ta cần nét cổ kính rêu phong chứ đâu cần vẻ mới mẻ như vậy..."; “Từ chùa cổ 400 năm tuổi, giờ thành chùa 1 tuổi..."; “Mất đi vẻ tự nhiên của chùa rồi. Di tích gì mà nhìn hiện đại quá!"… đó là một vài trong số rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình của cư dân mạng về diện mạo mới của Chùa Cầu.
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại đánh giá cao sự nỗ lực của thành phố Hội An và các chuyên gia trong việc bảo tồn di tích đặc biệt này và cho rằng trước và sau trùng tu không có gì quá khác biệt về mặt kết cấu.
Việc phải thay thế các cấu kiện, chi tiết quá hư hại, không thể sử dụng được nữa trong quá trình tháo dỡ để trùng tu là điều không thể tránh khỏi: “Trùng tu như vậy cũng được chứ sao. Vài năm nó lại rêu phong ngay”; “Mới thì từ từ sẽ cũ, qua thời gian, tác động của khí hậu, nắng, mưa sẽ dần dần cũ và hòa hợp với không gian của phố cổ, di tích. Muốn chùa Cầu “cũ” thì chờ thời gian sẽ cũ, sẽ đẹp như trước thôi”...
Lãnh đạo địa phương và chuyên gia lên tiếng
Những phản ứng của người dân về diện mạo mới của Chùa Cầu cũng là điều dễ hiểu, bởi trước đây chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh chùa Cầu cổ kính rêu phong, nên khi thấy một diện mạo mới, khác với hình dung quen thuộc của mọi người cũng là điều không lạ.
Chùa Cầu là Di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng của quan hệ giao lưu Việt Nam - Nhật Bản. Sau hơn 400 năm tồn tại, di tích này đã qua 7 lần trùng tu.
Trong đó, lần trùng tu gần nhất là vào năm 1986, nhưng lúc bấy giờ trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nên việc trùng tu chưa đảm bảo yếu tố vững bền, vì vậy, gần đây, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng: toàn bộ hệ thống cấu kiện, dầm, sàn bên dưới mục, ruỗng, móng lún nứt; các cấu kiện giữa chùa với cầu không liên kết nhau dẫn đến nguy cơ cao sụp đổ di tích. Vì vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An quyết tâm trùng tu di tích này.
Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận, lãnh đạo địa phương đã ra thông cáo, khẳng định quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý, gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Từ hồ sơ tới thi công thực tế Chùa Cầu luôn đảm bảo các nguyên tắc công khai minh bạch, giữ tối đa các yếu tố gốc, đảm bảo công năng và tính bền vững”.
"Loại vật liệu dùng để thay lớp áo di tích Chùa Cầu sau khi tu bổ là vôi tôi. Vôi này khi mới quét xong nhìn có vẻ mới, nhưng gặp mưa gió và thời tiết ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xuất hiện. Chùa Cầu sẽ sớm trở lại như xưa", ông Sơn khẳng định.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: "Việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện như một cuộc 'giải phẫu - chữa bệnh', đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp kỹ thuật. Chúng tôi đã giữ nguyên màu sắc của các cấu kiện gỗ, không sơn vẽ thêm gì để giữ lại tính nguyên bản của di tích".
GS.TS Trần Văn Biền, người có 66 năm nghiên cứu di sản văn hóa với nhiều công trình nghiên cứu như: Phật giáo và văn hóa dân tộc, Chùa Việt, Đình làng Việt Nam cho rằng: “Chùa Cầu đã trải qua tác động của thời gian và sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên như nắng, mưa, gió và các cơn lũ, di tích vẫn không tránh khỏi những hư hại, vậy nên việc tu bổ cần tìm hiểu về di tích một cách sâu sắc ở cả lĩnh vực vật thể và phi vật thể”.
Những câu chuyện trùng tu di tích gây tranh cãi
Ẩn chứa sau mỗi di tích là văn hóa, lịch sử. Di tích không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy di tích vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài. Thời gian tới tại nhiều địa phương với sự đầu tư tổng lực, việc tu bổ, tôn tạo, di tích sẽ là khối công việc đồ sộ, trách nhiệm nặng nề, khó, đòi hỏi tính khoa học, thận trọng của cả hệ thống chính quyền, các sở, ngành liên quan.
Trên thực tế, việc "giải cứu" các di tích xuống cấp vẫn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi kinh phí để trùng tu, tôn tạo rất lớn, bên cạnh đó là thách thức của công tác trùng tu gắn với yêu cầu bảo vệ tuyệt đối tính độc bản, nguyên gốc.
Không chỉ riêng công trình tu bổ Chùa Cầu (Hội An) vấp phải sự phản ứng trong dư luận mà thực tế đã có rất nhiều công trình di tích vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí là bị lên án gay gắt sau quá trình trùng tu, tôn tạo.
Vào cuối tháng 3/2024, Dinh thự Hoàng A Tưởng (thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau tu bổ cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi khi tường cầu thang lên sảnh chính được sơn màu vàng nhạt, trắng và đỏ hồng. Nhiều người nhận xét màu sơn không tương thích với các mảng màu còn lại của tòa nhà, làm mất vẻ cổ kính của di tích.
Hay như trường hợp đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) được địa phương tôn tạo lại với hai màu sơn: đỏ và vàng gây nhiều tranh cãi. Đây là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia hàng trăm năm tuổi, được xây dựng thời Hậu Lê.
Cố đô Huế là điểm "nóng" của việc trùng tu di tích, bởi quần thể di tích đã được xếp hạng “đặc biệt của quốc gia” và là “di sản thế giới”. Đây là nơi được tập trung cao nhất kinh phí và nhân lực trùng tu của cả nước. Năm 2003, dư luận cũng từng lên tiếng khi nhiều công trình sau trùng tu di tích ở vào tình trạng “mới, trẻ”.
Hay tại Hà Nội, việc sơn lại bề mặt Nhà hát Lớn Hà Nội tưởng như đơn giản, hóa ra lại gây nhiều tranh cãi khi dư luận lên tiếng về việc sơn lại màu cho Nhà hát Lớn không phù hợp.
Gần đây nhất, sau một năm thực hiện công tác trùng tu, ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp ở góc đường Trần Hưng Đạo - Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã hoàn thành cũng vấp phải sự phản ứng của dư luận. Mức độ phản ứng khác nhau tùy vào độ hiểu biết về chuyên môn cũng như dự án này, người gay gắt, người ôn hòa hơn, nhưng đa số đều không thiện cảm màu vôi của công trình đang được hoàn thiện.
Trùng tu di tích: Sự trăn trở của người làm nghề
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc phản ứng đến từ dư luận trước các công trình di tích được trùng tu có một phần xuất phát từ việc do chúng ta chưa có sự công khai khi tiến hành trùng tu di tích.
Khoảng cách giữa người dân và những người làm trùng tu quá lớn, chưa có sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ lẫn nhau, bởi qua sự công khai đó mới có sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của công chúng. Ở nhiều nước, mỗi công trình được trùng tu đều được công khai chi tiết phương án để trưng cầu dân ý; nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều này.
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật trên khắp cả nước bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, cần được tu bổ, sửa chữa. Việc tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2030. Theo đó đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Tuy nhiên, thời gian qua, sau nhiều trường hợp di tích bị biến dạng, thậm chí bị hủy hoại vì trùng tu, tôn tạo, nhiều người cảm thấy dần mất niềm tin, dẫn đến tâm lý có phần cực đoan khi cho rằng: “trùng tu là phải giữ nguyên trạng”; là “không được phép có bất cứ sự thay đổi nào”.
GS.TS.KTS. Doãnh Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cho rằng một trong những vấn đề cốt lõi trong việc bảo tồn là bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Nguyên tắc của trùng tu là phải giữ được tính nguyên bản, tính chân xác của di sản. Muốn vậy, phải nắm bắt rõ lý lịch của di sản cùng sự biến đổi của nó theo thời gian; đồng thời phải xác định được nhiệm vụ của trùng tu làm sao vừa phải đảm bảo được yếu tố kỹ thuật, vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật.
Cũng theo Giáo sư, tiến sĩ, KTS. Doãn Minh Khôi, sở dĩ nhiều người dân phản ứng trước sự thay đổi của các di tích lịch sử sau trùng tu là do họ chưa được thông tin một cách kịp thời, đầy đủ về phương án tôn tạo di tích. Văn hóa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; muốn phát triển thì phải dựa vào cộng đồng và di tích chính là ký ức của cộng đồng.
Các KTS cho rằng, trước những phản ứng từ dư luận, các bên liên quan cần tổ chức những cuộc báo cáo, trưng bày kết quả công khai dự án bảo tồn để mọi người hiểu mới có thể ủng hộ hay phản đối đúng.
Đơn cử như công trình trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (46 phố Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chính thức mở cửa cho khách tham quan từ tháng 1/2024, quá trình trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo từng gây tranh cãi lớn về màu vôi của biệt thự, nhưng khi hoàn thiện, nó được gọi là “phượng hoàng cất cánh từ đống đổ nát”. Việc trùng tu ngôi biệt thự gặp nhiều khó khăn do đây là biệt thự tư nhân nên không có tài liệu lưu trữ, ngoài một bức ảnh duy nhất chụp gia đình chủ nhà đứng trước ngôi biệt thự.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu trùng tu biệt thự đã cố gắng nghiên cứu, phân tích và quyết định thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản, gìn giữ tối đa yếu tố gốc của công trình. Và sau khi được thông tin một cách rõ ràng, người dân đã ủng hộ và hiểu hơn về cách mà các chuyên gia đang làm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ việc tôn tạo trùng tu di tích
Kinh nghiệm bảo tồn, trùng tu từ các nước
Tại một số nước trên thế giới, mọi quyết định về phục hồi cần phải có những căn cứ xác thực, tuyệt đối không được thực hiện trên các giả thiết. Đó là một số những nguyên tắc bảo tồn, trùng tu di sản quan trọng được nhiều thành phố và quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt.
Được coi là một trong những công trình tiếp đón nhiều du khách nhất ở châu Âu Nhà thờ Đức Bà Paris, di sản của UNESCO khiến thế giới bàng hoàng khi ngọn lửa thiêu rụi một phần mái của Nhà thờ vào năm 2019. Và sau 5 năm trùng tu, nhà thờ dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào đầu tháng 12 năm nay.
Để nhà thờ Đức Bà trở lại hình dáng ban đầu, Tổng thống Emmanuel Macron đã gửi đi lời kêu gọi trợ giúp trùng tu và 846 triệu euro được quyên góp từ khắp nơi trên thế giới. Việc trùng tu được bắt đầu từ năm 2021, với sự tham gia của 250 doanh nghiệp và hàng trăm nghệ nhân, kiến trúc sư, thợ mộc…
Nhiều khó khăn về kỹ thuật đã được giải quyết, ví dụ như phục chế theo nguyên bản phần khung của mái ở gian giữa và nơi dành cho ca đoàn, với những cây gỗ có tuổi đời trăm tuổi tại các khu rừng ở Pháp.
Ngoài nhà thờ Đức Bà, Thủ đô Paris Pháp còn là chủ sở hữu của một di sản rất đa dạng. Sự hao mòn của thời gian, ô nhiễm, hỏa hoạn do tai nạn hoặc cố ý làm hư hỏng là một vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn. Kể từ năm 1981, thành phố đã ra quy định về kiểm kê giúp xác định số lượng di sản cần bảo vệ. Nó cũng giúp Paris có thể lập được tình trạng sức khỏe của công trình, một bước thiết yếu trước khi lập kế hoạch khôi phục nguyên trạng các di sản.
Thành phố Venice cổ kính hơn 1500 năm tuổi của Italia cũng có một gia tài di sản kiến trúc đồ sộ với khoảng 120 nhà thờ, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện được xây dựng trải dài nhiều thế kỷ. Venice được nguyên vẹn như ngày nay là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ Italia với những chính sách quản lý xây dựng hiệu quả.
Đơn cử, mỗi ngôi nhà là một di sản, không có nhà nhiều tầng và cao tầng, biển quảng cáo cũng không hề xuất hiện và cũng không có kiến trúc mới đan xen. Những ngôi nhà cổ được duy trì với bề ngoài cũ kỹ, sứt sẹo hầu như không thay đổi qua thời gian nhưng bên trong được tu sửa vơínội thất tiện nghi, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại.
Cũng nổi tiếng trong việc bảo tồn di sản, Vương quốc Anh đã đưa ra chính sách quốc gia về bảo tồn di sản. Theo đó hai đơn vị là Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia và Quỹ Di sản Lưu niệm quốc gia là hai cơ quan lớn nhất hỗ trợ các dự án liên quan đến di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương từ tài trợ từ Chính phủ.
Phạm vi công việc của các quỹ này là hỗ trợ tất cả những tổ chức làm việc liên quan đến di sản, bao gồm các khu di tích lịch sử, công nghiệp và hàng hải, bảo tàng, thư viện và kho lưu trữ, công viên và vườn, cảnh quan và thiên nhiên.
Giá trị của các tổ chức này là tập trung vào việc bảo vệ các di sản mà có thể đóng góp vào cuộc sống của người dân. Trong bốn thập kỷ qua, Quỹ Di sản Lưu niệm Quốc gia đã lưu giữ hơn 1.200 vật thể và địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Vương quốc Anh.
Tại châu Á nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn di sản.
Trung Quốc là đất nước đứng hàng đầu thế giới về số lượng di sản thế giới với 56 di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Từ lâu, quốc gia này đã chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, di tích, đồng thời đề ra quy hoạch phù hợp với từng di sản. Nước này cũng từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và tăng cường quản lý để đảm bảo quy hoạch được thực hiện nghiêm.
Nhờ vậy mà các kinh đô cổ như Bắc Kinh, Lạc Dương, Tây An hay di sản văn hóa thế giới như Tử Cấm Thành vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Các khu phố cổ được giữ gìn, tôn tạo như cách đây hàng trăm năm. Cảnh quan không bị phá vỡ do có quy định trong bán kính nhất định không được xây dựng kiến trúc cao tầng.
Trung Quốc chủ trương kết hợp bảo vệ di sản với phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, mang lại lợi ích cho người dân thông qua nhượng quyền, chia sẻ lợi ích, và các hình thức khác tùy vào đặc điểm của địa phương. Để đảm bảo giữ gìn di sản mà không làm xáo trộn cuộc sống người dân, nhiều địa phương đã chọn mô hình giữ nguyên vẹn khu di tích và cải tạo để người dân chung sống.
Các cổ trấn mang đậm nét đặc trưng về lịch sử văn hóa truyền thống đã trở thành những điểm đến hàng đầu trong các tour du lịch. Còn các hộ dân tại cổ trấn thì được hưởng lợi từ việc được ưu tiên thuê chỗ buôn bán, hay bán hàng ngay tại nhà mình cho khách du lịch.
Nhật Bản có những quy định nghiêm ngặt về các lĩnh vực cần bảo tồn, được chia thành: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa dân gian, tài sản văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng và danh thắng tự nhiên, di sản văn hóa là quần thể kiến trúc.
Hoạt động bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của đất nước này đã bắt đầu từ rất sớm. Ví dụ như Nhật Bản thành lập Cục Điều tra và Bảo tồn Bảo vật quốc gia lâm thời vào năm 1888, tiến hành điều tra bảo vật quốc gia trên cả nước vào năm 1897.
Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên năm 1911. Và ban hành bộ luật bảo tồn di sản hoàn chỉnh vào năm 1950. Những năm gần đây, chính phủ tiếp tục sửa đổi các đạo luật bảo vệ di sản; Ban hành Luật Phát triển các điểm đến du lịch; Gia tăng ngân sách dành cho phát triển văn hóa và du lịch.