Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - bậc thầy nghi binh không quân Mỹ
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có trận chiến nào như chiến trường Trường Sơn của Việt Nam. Nước Mỹ đã huy động nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, công ty, xí nghiệp… tham gia nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại, để ngăn chặn tuyến đường chi viện chiến lược. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) được xem là bậc thầy nghi binh không quân và các khí tài hiện đại của địch, làm cho Mỹ thất bại hoàn toàn ở chiến trường Trường Sơn.
Bài 1: Tìm cách “nhử” máy bay đến đánh
Thời kỳ đầu, Mỹ sử dụng không quân đánh phá hệ thống đường Trường Sơn và miền Bắc Việt Nam, kiến thức hiểu biết phương thức đánh phá của bộ đội ta còn ít. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên thường xuyên đến “mai phục” ở các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ để nghiên cứu, tìm cách trị nó.
Tìm quy luật ném bom ở “tọa độ lửa”
Bến phà Long Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, được ví như “tọa độ lửa” của không quân Mỹ. Máy bay ném bom quá nhiều, bộ đội hành quân qua đây đặt cho cái tên “bến phà long đầu”. Năm 1966, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phụ trách Tổng cục Tiền phương (Bộ Quốc phòng) đã vào bến phà Long Đại khảo sát phương thức hoạt động của không quân Mỹ.
“Tôi ở hầm công sự bến phà để quan sát máy bay đến ném bom vào ban đêm. Thấy phà ra giữa sông, máy bay địch thả pháo sáng, sáng trưng cả vùng rộng lớn. Nếu phát hiện có phà, xe đang đi, thì nó gọi máy bay mang bom đến đánh phá dữ dội, toàn bộ bến phà bị tắc luôn, xe ô tô phải chạy đi trốn cách bến phà với khoảng cách an toàn” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi còn sống trả lời phỏng vấn với tôi tại nhà riêng.
Trung tướng Nguyên cùng bộ đội bến phà giải đáp mấy câu hỏi lớn: Tính thời gian địch thả pháo sáng đến lúc máy bay phản lực đến ném bom, thời gian bao nhiêu? Mỗi lần đánh có mấy chiếc máy bay? Bắn chỗ nào? Tốc độ phà vượt sông hết bao nhiêu thời gian?...
Từ thực tiễn và nhãn quan quân sự của vị tướng tài ba Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kết luận và giải pháp chạy phà hiệu quả: “Phà chạy ra giữa sông thì máy bay đến bắn pháo sáng, sau 30-35 phút, máy bay ra ném bom. Máy bay Mỹ thường ném bom vào những giờ nhất định: 19 giờ 30 phút, 20 giờ, 20 giờ 30 phút... Mình tránh 20-30 phút sau khi máy bay trút hết bom, thì cho phà chở xe qua sông ngay. Đi theo kiểu này vừa “nhử” nó và “lừa” nó tạo sự hiểu lầm, mỗi đêm sang sông 40-50 xe, nhiều thì 60 xe”.
Trung tướng Nguyên yêu cầu bộ đội lấy chiếc xe hỏng làm trận địa nghi binh tại bến phà như đang hoạt động qua lại bình thường. Mục đích để xem máy bay đến đánh như thế nào? Đồng thời, ở hai bờ sông bố trí 2 đại đội pháo 37 ly “mai phục” sẵn, chờ bắn máy bay. Đúng như dự đoán, tốp 3 chiếc đến bổ nhào ném bom dữ dội, pháo mặt đất đã bắn cháy rơi tại chỗ 1 chiếc, bị thương 1 chiếc. Đêm thứ hai không thấy máy bay đến nữa.
“Máy bay không đến đánh là để nó tính toán, xem xét: Tại sao bị pháo mặt đất bắn rơi? Tôi nói với anh em bến phà, cứ “nhử nó”, nghi binh suốt, để bắn máy bay. Chỉ một tuần, pháo cao xạ Long Đại đã bắn rơi được 4 chiếc máy bay ném bom. Mất chừng ấy máy bay nó cũng “đau” lắm chứ, Mỹ dừng ném bom được một thời gian, rồi quay lại phá tiếp…” - Trung tướng Nguyên kể chi tiết.
Sử dụng binh chủng hợp thành
Địch sử dụng không quân đánh rất cơ động, muốn đánh chỗ nào cũng được. Nhưng đường Trường Sơn là một chiến trường rộng lớn. Lúc đầu, một số đồng chí quân sự của ta chưa hiểu hết tình hình chiến sự, báo cáo lên Bộ Chính trị: “Địch đánh liên tục, ác liệt, mọi lúc mọi mọi”. Từ đó mới có chủ trương “lấy phòng tránh là chính”, xe ô tô không dám chạy, trong khi các chiến trường miền Nam rất cần hậu cần, vũ khí từ miền Bắc chuyển vào.
Năm 1967, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên giữ chức Tư lệnh Đoàn 559 (tiền thân Bộ đội Trường Sơn) đã đi kiểm tra thực tế ở các trọng điểm đánh phá: “Tôi đi khảo sát thực địa trên đường Trường Sơn không đi xe riêng, mà cứ nhảy lên ngồi trong ca bin với lái xe vận tải vượt qua trọng điểm ác liệt. Tôi hỏi anh lái xe: “Tại sao các anh lái xe cứ nghe tiếng máy bay là cho xe rúc vào bụi cây?”. Anh ta giải thích: “Trên đường vận tải, máy bay đánh cháy xe, cháy hàng… Hàng hóa, vũ khí vẫn không vào được chiến trường, bộ đội bị đói, thiếu vũ khí thì thật là vô nghĩa. Vì vô nghĩa đó nên chúng tôi mới cho xe rúc vào bụi cây ẩn nấp”. Tôi về họp và nói các lãnh đạo Bộ Tư lệnh, một chiến sĩ lái xe giải thích rất chí lý. Đừng có báo cáo anh em dao động tinh thần cho xe rúc bụi cây”.
Từ thực tiễn tại các trọng điểm đánh phá và cả tuyến chi viện, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã sửa lại đánh giá: “Địch sử dụng không quân rất hiện đại, nó đánh cả đêm, cả ngày liên tục, rất dữ dội. Nhưng liên tục không có nghĩa 24/24 giờ. Cao nhất trong một ngày đêm chỉ đánh được một nửa thời gian là 12 giờ. Không phải một lúc nó đánh toàn tuyến. Đánh điểm này, thì điểm khác không đánh. Đánh ban ngày nhiều thì ban đêm ít lại. Địch nó chỉ làm chủ nhất định trên không. Còn ta mới chủ động và làm chủ hoàn toàn ở mặt đất”.
Để người lái xe Trường Sơn không còn “đơn độc” trên đường hành quân, dưới làn mưa bom của không quân Mỹ, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên sử dụng binh chủng hợp thành, bố trí các đơn vị pháo phòng không, tên lửa bảo vệ ở những trọng điểm địch thường xuyên bắn phá.
“Thời gian sau, tôi lại đi lên xe vận tải khác vượt qua trọng điểm và nói với anh lái xe: “Lần trước, các anh qua trọng điểm nghe tiếng máy bay là rúc vào bụi cây. Tại sao hôm nay, thấy các đồng chí chạy vui vẻ, hớn hở thế?”. Anh ta cười nói: “Mời thủ trưởng nhìn trên đầu thấy giống như pháo hoa bắn ở hồ Hoàn Kiếm. Pháo ta bắn máy bay đấy. Bắn “đẹp” như thế sao mà không đi được. Dù có hy sinh cũng xứng đáng”. Người chỉ huy không đi thực tế, chỉ ở nhà “nghe” báo cáo thì chết, không đánh đấm gì được” - Trung tướng Nguyên chia sẻ.