Trung tướng Lê Quang Đạo, người mẫu mực về làm công tác tư tưởng văn hóa

Sinh thời, Trung tướng Phạm Hồng Cư (1926-2021), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từng kể với chúng tôi nhiều kỷ niệm về đồng chí Lê Quang Đạo (1921-1999). Ông khẳng định, Trung tướng Lê Quang Đạo là một con người mẫu mực để làm công tác tư tưởng văn hóa. Đó là chiến sĩ cộng sản tâm huyết với một trí tuệ sắc sảo không khuôn sáo, luôn tìm tòi, phát hiện và đổi mới.

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp đến giờ nổ súng thì đồng chí Song Hào, Chính ủy Đại đoàn 308 bị ốm, cấp trên phái Cục trưởng Cục Tuyên huấn Lê Quang Đạo về thay trong bối cảnh tình hình đang vô cùng khẩn trương. Bấy giờ, đồng chí Phạm Hồng Cư là Phó chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Theo kế hoạch ban đầu, Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ đánh vào trung tâm Mường Thanh. Cuối tháng 1-1954, Đại tướng, Tổng tư lệnh kiêm chỉ huy trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương thức tác chiến thì Đại đoàn 308 được lệnh cấp tốc tiến quân về hướng Luông Pha Băng (Lào) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, thu hút không quân của chúng, tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra, xúc tiến mọi việc chuẩn bị để thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc.

Trung tướng Phạm Hồng Cư trò chuyện với phóng viên, năm 2019.

Trung tướng Phạm Hồng Cư trò chuyện với phóng viên, năm 2019.

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể: “Người mà anh Đạo cộng tác lần này không phải ai xa lạ, chính là Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ. Hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, bấy giờ anh Lê Quang Đạo 25 tuổi, anh Vương Thừa Vũ 36 tuổi, hai người đã tham gia trong Đảng ủy Mặt trận Hà Nội. Anh Đạo là Phó bí thư, anh Vũ là Phó Chủ tịch kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Lần này hai người lại gặp nhau và cùng chỉ huy mũi tiến quân về Luông Pha Băng. Nhận nhiệm vụ trên giao, hai anh tiến hành hội ý Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn 308, nhận đinh và hạ quyết tâm phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để đưa quân lên đường ngay lập tức.

Đại đoàn chia làm hai cánh quân khẩn trương xuất phát, tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần tại chỗ. Sau hơn 10 ngày, chúng tôi đã cơ bản giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Pha Băng. Cuộc tiến quân đến Luông Pha Băng đã trở thành “đòn chiến lược thứ năm” buộc Navarre (Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương) một lần nữa phải phân tán khối cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung tiêu diệt quân Pháp và lính lê dương ở Điện Biên Phủ. Khi có lệnh trở về, anh Lê Quang Đạo đã sát cánh với anh Vương Thừa Vũ lãnh đạo chỉ huy đại đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ cho đến khi toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

 Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ảnh tư liệu

Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ảnh tư liệu

Sau thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, anh Đạo về Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Phó chủ nhiệm phụ trách công tác tuyên huấn. Một thời gian sau, tôi cũng được điều lên Tổng cục làm Trưởng phòng Tuyên truyền rồi Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, trực tiếp làm việc hằng ngày với anh Đạo. Điều may mắn là mỗi khi anh Đạo ra trận, thường là làm Chính ủy các mặt trận nóng bỏng nhất, tôi đều được đi cùng để làm công tác tuyên huấn mặt trận. Tôi nhớ, riêng có chiến dịch Khe Sanh, tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị đi công tác Khu 5 chưa về kịp nên không được tháp tùng anh.

Nói về những chuyến ra trận với anh Đạo, phải kể trước hết cuộc “đụng đầu” với không quân Mỹ ngay từ trận đầu 5-8-1964. khi đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ dùng không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng cứu vãn thế sa lầy của chúng ở miền Nam. Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị liên tiếp cử cán bộ đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Anh Đạo đi kiểm tra Quân khu 4. Sau khi nghe anh Nam Long-Tư lệnh quân khu báo cáo, anh Đạo đi thẳng từ sở chỉ huy đang đón tại Núi Quyết xuống căn cứ hải quân ở sông Gianh.

Cách căn cứ vài trăm mét, vừa lúc đó, trưa ngày 5-8-1964, từng đoàn máy bay phản lực Mỹ xuất hiện trên bầu trời, gầm rú, bổ nhào, ồ ạt ném bom bắn phá cửa sông Gianh. Các tàu hải quân ta bắn trả quyết liệt. Tôi vội đưa anh Đạo tạm lánh vào một cái cống bên đường, đồng chí lái xe nhanh trí lái chiếc ô tô hiệu Pobedamàu nâu sữa vọt lên nấp dưới một lùm cây. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, anh Đạo vẫn ghé sát tôi nói: “Theo dõi diễn biến, nhanh chóng đưa tin chiến sự!”. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai câu nói đó nhưmột mệnh lệnh tác chiến của ngành tuyên huấn chúng tôi.

Đồng chí Lê Quang Đạo (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Quang Đạo (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh tư liệu

Sau đợt oanh tạc, tôi cấp tốc trở về Sở chỉ huy Quân khu 4. Qua điện thoại với Cục Tác chiến, tôi được biết là địch đã sử dụng tới 64 lần chiếc máy bay đánh phá các căn cứ hải quân của ta ở sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường, Bãi Cháy và kho dầu ở Vinh. Ta bắn rơi 8 máy bay phản lực và cánh quạt, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Phi công Mỹ Alvarez nhảy dù và đã bị ta bắt sống ở Quảng Ninh. Từ thông tin do Thông tấn xã Việt Nam và Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát, Cục Tuyên huấn cũng chủ động thu thập các nguồn từ địa phương báo về, nhanh chóng loan tin đánh thắng trận đầu trên miền Bắc.

Qua quá trình công tác, từ góc độ cá nhân, tôi khẳng định Trung tướng Lê Quang Đạo là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc. Anh có tâm và tài. Anh có tính nguyên tắc rất cao, rất chặt chẽ về quan điểm đường lối, rất kỹ lưỡng về chữ nghĩa, cực kỳ khó tính khi thông qua các văn kiện, nhưng tấm lòng anh rộng mở, trái tim thật nhân hậu. Anh sống trung thực, không thành kiến, không áp đặt mà cuốn hút, thuyết phục mọi người bởi trí tuệ và tâm hồn anh. Anh luôn luôn tìm tòi, luôn luôn phát hiện cái mới. Anh chú trọng “xây để chống”. Mục đích ý nghĩa công việc anh làm không ngoài việc góp phần xây dựng con người của lực lượng vũ trang sao cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Trong lò lửa của kháng chiến toàn dân, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tôi anh thành một nhân sĩ tài năng và đáng quý. Anh Đạo thường nhắc chúng tôi: “Đi sâu vào bản chất con người, đi sâu vào các khái niệm đức-tài, ta thấy trong đó vừa mang yếu tố lý trí vừa mang yếu tố tình cảm. Mà con người thì có lý trí và tình cảm, trí tuệ và tâm hồn, kết hợp hài hòa thành một chỉnh thể con người có đạo đức và tài năng theo yêu cầu phát triển của cách mạng.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Quang Đạo trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh tư liệu gia đình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Quang Đạo trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh tư liệu gia đình.

Sau 28 năm phục vụ trong quân đội, anh Lê Quang Đạo chuyển sang làm công tác dân sự và cũng đã để lại những dấu ấn đặc biệt trên các cương vị: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Nhớ về Trung tướng Lê Quang Đạo là nhớ về một người đồng chí đã sống và cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Anh đã để lại cho đời một tấm tấm gương cao đẹp về nhân cách người cộng sản Việt Nam mẫu, sống giản dị trong sáng - một cán bộ lãnh đạo hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân”.

HUY ĐỖ - BẢO LINH ghi theo lời kể của Trung tướng Phạm Hồng Cư

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-le-quang-dao-nguoi-mau-muc-ve-lam-cong-tac-tu-tuong-van-hoa-749254