Trung tướng Lư Giang - Trọn cuộc đời theo cách mạng: Kỳ 2 - Những lần gặp Bác

Trong những năm chiến đấu tại chiến trường Khu V, từ năm 1946 đến 1953, lời Bác dặn dò Lư Giang ghi mãi trong lòng cùng anh em chiến đấu và xây dựng đơn vị. Chiến trường miền Nam thời kỳ chống Pháp vô cùng gian khổ, vũ khí ít ỏi, thô sơ. Chi đội Nam tiến đã cùng nhân dân liên tục đẩy lùi quân địch, đơn vị vững mạnh, hậu phương ngày được củng cố. Bác Hồ cử đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ vào Liên khu V trực tiếp theo dõi và chỉ đạo.

Thời kỳ đó, Việt Bắc - Khu V, Thanh - Nghệ Tĩnh nối liền thành một hậu phương vững mạnh sau chiến thắng Biên giới, nước ta được khai thông với các nước bè bạn trên thế giới. Các trung đoàn, sư đoàn hình thành lớn mạnh cùng với bộ đội địa phương. Có thể đánh công kiên, đánh vận động trong chiến dịch lớn, bộ đội ta tiến bộ vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược cũng như chiến thuật. Trên khắp chiến trường thời kỳ cầm cự, phòng ngự của ta đã qua, kháng chiến đã chuyển sang giai đoạn mới.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung tướng Lư Giang tại Cam Rang năm 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung tướng Lư Giang tại Cam Rang năm 1975.

Khu V lúc này đã có đủ sức mạnh cùng cả nước tung ra quả đấm thép đánh vào các đơn vị tinh nhuệ thiện chiến của Pháp.

Giữa lúc mặt trận khu V đang chuẩn bị chiến dịch lớn, Lư Giang trên cương vị Trung đoàn trưởng 108 Khu V được lệnh Trung ương gấp rút ra Bắc.

Trông Hồi ký, Trung tướng Lư Giang kể lại: “Ra Bắc lần này tôi có linh tính được gặp Bác Hồ, sẽ nói với Bác những gì mà quân dân Khu V gởi gắm cho tôi. Chắc Bác vui khi biết Khu V trưởng thành, luôn vâng lời Bác dạy, luôn hướng về Người và Trung ương Đảng.

Ngày lên đường thật gấp rút, cùng đi với tôi có nhiều đồng chí. Trong đó có cả đồng chí Sơn Ngọc Minh, lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng của Campuchia, tuyệt đối giữ bí mật, đoàn chúng tôi hành quân vượt núi băng rừng.

Sau 45 ngày chúng tôi đã đến đích. Việt Bắc đây rồi, đường vào khu an toàn. Hình ảnh thân thương hiện ra trước mắt tôi, nỗi nhớ quê hương, gia đình trong 7 năm xa cách. Không một tin tức, không một cánh thư của Nhã Nam, Bố Hạ, Yên Thế”.

Bối cảnh tình hình thời gian đó, địch liên tiếp thất bại khắp nơi. Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp để thông qua đề án tác chiến do Tổng Quân ủy đệ trình. Sau chiến dịch Nà Sản, bộ đội ta tiến bộ nhiều mặt, phương hướng chiến lược của ta là tìm chỗ yếu của địch mà đánh, buộc địch phải phân tán lực lượng. Do đó, ta chủ trương phản công địch trên nhiều chiến trường, nhiều hướng, tạo nên những chuyển biến quan trọng trong cuộc kháng chiến của ta.

Lần đầu tiên, hai trăm cán bộ cao cấp khắp chiến trường hội tụ về Việt Bắc. Từ nơi đây, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cứu quốc quân, phân đội, chi đội về đây. Ai mất, ai còn, nhìn nhau không nói nhiều nhưng ai cũng thấy chính mình đã trưởng thành và cùng mang theo điều lo lắng của người chỉ huy tạm rời tuyến lửa. Hy vọng lớn lao của mọi người lúc này là được gặp Bác Hồ, được gặp đồng chí Tổng Tư lệnh.

Lớp tập huấn này, nhiệm vụ chính là biên soạn và tổng kết kinh nghiệm, học tập trao đổi những chặng đường chiến đấu ở các chiến trường và cách đánh khác nhau, phong phú nhiều mặt, giữ vững căn cứ chống càn, xây dựng và củng cố hậu phương, rút ra những bài học kinh nghiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh.

Thấm thoắt đã trong một tháng, lớp tập huấn kết thúc. Lớp bình bầu được 7 đồng chí xuất sắc, Lư Giang được vinh dự đứng trong số đó. Buổi lễ tổng kết long trọng diễn ra, các đồng chí lãnh đạo lớp học đã có mặt. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Bác đến! Mọi người reo ầm lên. Bác bước vào hội trường vừa tươi cười, vừa giơ tay vẫy ra hiệu mọi người trật tự. Lư Giang nhìn thật kỹ Bác, cố nhớ thật sâu hình dáng của Người để khi trở về khu V nói với anh em, với đồng chí, đồng bào về vị cha già kính yêu.

Bác giản dị và nhanh nhẹn, với bộ quần áo như ngày nào đi khảo sát biên giới đầu chiến dịch, chòm râu đã điểm bạc, đôi mắt sáng ngời trìu mến nhìn khắp lượt chúng tôi chẳng khác gì người cha đầy tình thương yêu đối với các con đi xa về.

 Trung tướng Lư Giang tại triển lãm Sư đoàn 301 năm 1988.

Trung tướng Lư Giang tại triển lãm Sư đoàn 301 năm 1988.

Bác được mời lên hàng ghế Chủ tịch đoàn với các đồng chí Trường Trinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái.

Trung tướng Lư Giang kể lại trong Hồi ký “Tôi và 6 đồng chí có thành tích xuất sắc vinh dự được Bác gắn huy hiệu Mác - Lê nin. Bác hỏi tôi: “Chú tên là gì?”. Tôi bồi hồi xúc động không nói lên lời (thường ngày trong công việc tôi là người nói năng lưu loát), trời mùa thu mà sao lúc này mồ hôi tôi toát ra, lưỡi cứng lại, mặt đỏ lên. Với bao lời định nói, định thưa với Bác mà lúc này cứ lúng túng mãi. Mấy phút sau, tôi cố nói với Bác: “Thưa Bác, cháu là Lư Giang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108, Khu V”.

Thấy tôi nói giọng Bắc mà lại ở Khu V, Bác lại hỏi: “Chú quê ở đâu?”. Lẽ ra tôi phải thưa với Bác: Cháu quê ở Bắc Giang, chỉ huy bộ đội Nam tiến những ngày đầu cách mạng, nhưng tôi chỉ nói được với Bác một câu: “Cháu quê ở Bắc”. Bác thông cảm và cười đôn hậu. Tôi thấy mạnh dạn hơn, với cái nhìn trìu mến, thân thương của người cha.

Bác lại hỏi: “Đồng bào trong đó có khổ lắm không?”. “Thưa bác! Đồng bào vùng tự do không khổ lắm, đời sống mỗi ngày có dễ chịu hơn”. “Thế anh em chiến sĩ có đoàn kết không? Đồng bào các dân tộc có đoàn kết không? Bộ đội và đồng bào thế nào?”. “Thưa bác! Đoàn kết tốt ạ. Đồng bào miền Nam gởi cháu lời thăm Bác”. Bác nói tiếp: “Bác nghe ban lãnh đạo lớp học báo cáo chú học tốt nên Bác tặng chiếc huy hiệu”.

Lư Giang đứng nghiêm vô cùng xúc động khi được Bác Hồ gắn huy hiệu Mác - Lê nin.

Lớp học bế mạc, Lư Giang chia tay đồng đội về đơn vị. Ông nhận công tác là phái viên của Bộ Quốc phòng. Lúc đó do tình hình chung, phát triển ở các chiến trường rất khẩn trương, ông chưa kịp về thăm gia đình. Nhớ lời Bác dặn dò, quân và dân Khu V đã đập tan chiến dịch Át Lăng của Nava, đập tan 22 tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ của địch.

 Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Tuy Hòa - Phú Khánh.

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Tuy Hòa - Phú Khánh.

Hội nghị Giơnevơ kết thúc, một nửa đất nước sạch bóng quân thù, Lư Giang cùng anh em chiến sĩ tập kết ra Bắc, ông về Binh chủng Pháo binh.

Ở Binh chủng Pháo binh, Lư Giang vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nhưng có một lần đã in rất sâu trong trái tim ông cũng không ngờ rằng lần này là lần cuối cùng gặp Bác.

Năm 1964, ở miền Nam, sau khi quân ta đã lần lượt bẻ gãy chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, Bộ Quốc phòng cử một đoàn cán bộ Quân đội cấp cao vào Nam. Trước khi lên đường, Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức một bữa cơm thân mật.

Trước bữa ăn năm phút thì Bác đến, vừa bước vào Nhà khách Quân đội (33 Phạm Ngũ Lão), Bác nói luôn: Thôi ta đi ăn rồi mới nói chuyện. Bác rất tiết kiệm thời gian. Dừng lại, Bác nói tiếp: Các chú được Trung ương cử vào tăng cường cho đồng bào miền Nam. Từ 10 năm nay, đồng bào miền Nam rất vất vả và anh dũng đấu tranh, đã đánh thắng chiến tranh đặc biệt, bây giờ các chú được tăng cường cùng đồng bào miền Nam đánh thắng chiến tranh cục bộ, để thực hiện Hiệp định Giơnevơ, thống nhất đất nước. Trước đây, ta đánh bại thực dân Pháp, bây giờ đánh Mỹ khác và khó hơn nên cần khiêm tốn học tập đồng bào miền Nam.

Mọi người đều hiểu lời căn dặn này có ý nghĩa là từ thực tiễn sinh động ở chiến trường nhân dân miền Nam luôn sáng tạo. Cần ra sức học tập và khiêm tốn vận dụng cho linh hoạt chớ tự kiêu, tự mãn.

Trong Hồi ký, Lư Giang kể lại: “Bác hỏi tôi, người ngồi bên cạnh và cũng là hỏi chung anh em. Bác hỏi: “Các chú đã chụp ảnh với các cô chưa?”. Im lặng không ai dám trả lời. Tôi bạo phổi trả lời: “Dạ thưa Bác, cũng đã chụp chung rồi ạ!”. “Thế chú có mặc quân phục không?”. “Dạ thưa Bác! Cháu mặc thường phục”. “Ừ. Thế đúng rồi, nếu mặc quân phục thì để ảnh ở nhà”. Bác lại hỏi tiếp: “Thế các chú có định viết nhật ký không?”. “Thưa Bác! Anh em có nghĩ tới hoặc định viết”. “Cấm không được viết gì đấy, thế các chú có định mang theo tài liệu gì không?”. Mọi người, kể cả tôi chưa kịp trả lời thì Bác lại nói luôn: “Không được mang theo cái gì nhé! Tất cả đều ghi nhớ ở trong lòng”.

 Trung tướng Lư Giang và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước thềm Quốc hội năm 1983.

Trung tướng Lư Giang và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước thềm Quốc hội năm 1983.

Bác quay sang đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Bây giờ giao cho đồng chí Giáp, Tư lệnh kiểm tra. Tất cả không được mang theo tài liệu, không được chụp ảnh, không được viết nhật ký. Kiểm tra như vậy không phải là không tin các chú. Tin nhưng phải kiểm tra”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Đã kiểm tra anh em trước đó rồi ạ?”.

Sau cùng Bác rưng rưng nói: “Các chú vào miền Nam cùng đồng bào và Đảng bộ miền Nam, xây dựng và chiến đấu cho tốt để Bác sớm vào Nam thăm đồng bào, các chú phải tích cực giúp Bác gửi lời thăm đồng bào trong đó”.

Cuộc chiến đấu ở hai miền Bắc - Nam ngày một khốc liệt, mỗi khi gặp khó khăn gian khổ, Lư Giang và đồng đội luôn nhắc nhở lời Bác và nguyện vọng thiêng liêng của Bác, sức mạnh của chúng tôi nhân lên gấp bội.

Trong lễ truy điệu Người tại chiến trường năm 1969 và cho đến mãi về sau, trong lòng Trung tướng Lư Giang và đồng đội của ông luôn trĩu nặng vì chưa làm Bác thỏa lòng, được sớm vào thăm đồng bào miền Nam.

Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Bác ra đi, hình ảnh Bác vẫn còn vang vọng mãi trong núi sông Việt Nam. Các lớp con cháu nguyện theo con đường độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả cuộc đời của Bác đã chiến đấu và xây dựng lên cho dân tộc Việt Nam, cho loài người tiến bộ.

Nhà văn Phùng Văn Khai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trung-tuong-lu-giang-tron-cuoc-doi-theo-cach-mang-ky-2-nhung-lan-gap-bac-postid409529.bbg