Trung tướng Nguyễn Bình - nhà quân sự tài năng, đức độ

Sáng 21/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Trung tướng Nguyễn Bình - nhà quân sự tài năng, đức độ' nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông (30/7/1908 - 30/7/2023). Ông cũng là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng đặc biệt, có phẩm chất một thủ lĩnh, cốt cách can trường, nghĩa hiệp.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhấn mạnh, lịch sử cách mạng hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ mãi khắc ghi tên tuổi của những chiến sỹ cộng sản, những người lãnh đạo, nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh, trong đó có Trung tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30/7/1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Trung tướng Nguyễn Bình hoạt động cách mạng từ năm 1925 (khi mới 17 tuổi). Nhiều lần bị địch bắt, đày ra Côn Đảo nhưng ý chí chống giặc ngoại xâm của ông không bao giờ lung lay. Ông được Bác Hồ cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ năm 1945 và từ đây, bản Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ đã ra đời, nêu rõ tình hình đất nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, kêu gọi nhân dân đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với khẳng định “Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”.

Ông đã tập hợp và thống nhất tên các đơn vị lực lượng vũ trang ở Nam Bộ, thống nhất chi đội, phân đội vũ trang nội thành, lấy tên là Ban Công tác thành, có nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch vừa tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến ở nội thành... Đây chính là tiền thân của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải nhấn mạnh, trong quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ những đóng góp của ông đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và cuộc kháng chiến. Về đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình đối với Nam Bộ, Người viết: "Đã góp phần lớn vào việc chỉnh đốn, xây dựng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất Nam Bộ".

Dưới góc độ là nhà quân sự, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhìn nhận, Trung tướng Nguyễn Bình là Tư lệnh chiến khu do dân tôn vinh, Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, người cộng sản chân chính từ khi chưa là đảng viên. Tuy không có điều kiện học hành bài bản, chưa từng học qua trường quân sự nào nhưng qua các trận đánh ông thể hiện một tài năng quân sự thiên bẩm bằng tư duy, thực tiễn gắn bó với phong trào cách mạng, gắn bó với nhân dân. Ông cũng đã sáng tạo những ra cách đánh độc đáo.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Việt, Trung tướng Nguyễn Bình đã làm cho quân thù thán phục, nể sợ và để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo quân sự của mình, làm giàu thêm truyền thống quân sự Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận phương Tây đã từng đánh giá: “Nguyễn Bình, nhờ sức kiên trì đã thống nhất các lực lượng du kích và có những lối đánh táo bạo làm cho đối thủ kinh hoàng” (Fréderic Chemit). “Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các bộ đội kém tổ chức, thiếu súng đạn gặp nhiều khó khăn trở ngại, dần dần trưởng thành, trở nên hữu hiệu và đáng sợ. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam với sự ra đời của “Nước Nam Kỳ tự trị” vào mùa thu năm 1946 của Pháp đã hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình” (nữ Tiến sỹ Mỹ Ellen Hammer).

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt, vẻ vang của Đảng và nhân dân, đặc biệt trên chiến trường Miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bằng tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và khí chất, tinh thần dũng cảm, Trung tướng Nguyễn Bình đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, góp phần làm nền tảng đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Với uy tín, tài năng mưu lược, Trung tướng Nguyễn Bình đã có quyết định sáng tạo, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản ở chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng kiêm Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng kiêm Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá sâu sắc, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn, phẩm chất cách mạng cao đẹp của Trung tướng Nguyễn Bình. Bài học kinh nghiệm quý báu của Trung tướng Nguyễn Bình là công tác tổ chức, thống nhất lực lượng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với các lực lượng vũ trang, đó là chỉ huy chiến đấu, xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành thế trận vững chắc tại Hải Phòng, chiến khu Đông Triều, chiến khu Duyên Hải - Bắc Bộ... Đó còn là bài học về tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu nội thành (tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định) với cách đánh nổi tiếng “nở hoa trong lòng địch”; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự, xây dựng hậu phương, căn cứ kháng chiến lâu dài, góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Những năm tháng hoạt động cách mạng, cống hiến xuất sắc của Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam, với Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi còn in đậm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, công lao của ông đối với Tổ quốc và nhân dân ta mãi còn đó…

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/trung-tuong-nguyen-binh-nha-quan-su-tai-nang-duc-do-20230721155156277.htm