Trung tướng Nguyễn Kim Khoa: Từ chiến trường đến nghị viện

Tròn 43 năm tuổi quân, trưởng thành từ chiến sĩ tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, Trung tướng Nguyễn Kim Khoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tại Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông được bầu giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Lập nhiều chiến công trên chiến trường

Theo giới thiệu của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, chúng tôi tìm đến nhà riêng của Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, ở số 12, phố Thọ Mai, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng việc thông tin đang viết tư liệu về những ngày ông cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tháng 3-1975 và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Trung tướng Nguyễn Kim Khoa tại nhà riêng

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa tại nhà riêng

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa nhập ngũ tháng 9-1974. Chỉ một tháng sau đó, ông cùng đồng đội hành quân vào Mặt trận Tây Nguyên, bổ sung cho Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Nhớ về những năm đầu quân ngũ, ông kể: “Tôi sinh vào tháng 3-1955. Năm 1974, tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đại học và trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc ấy, phong trào tòng quân vào chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở quê tôi, xã Sơn Dương (nay là xã Phùng Nguyên), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, rất sôi nổi. Tôi quyết định gác bút nghiên lên đường nhập ngũ và cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên.

Tháng 3-1975, tôi là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm, thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi ta tiến công, giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975), địch rút chạy theo Đường 21 về phía Nam Trung Bộ. Đơn vị tôi nhận lệnh phối hợp với các đơn vị bạn truy kích địch trên Đường 21 (nay là Quốc lộ 26). Trong trận đánh địch ở đèo Phượng Hoàng trên Đường 21, khẩu đội cối 82mm chúng tôi cùng với các đơn vị bạn đánh các trận địa pháo 105mm của địch. Khẩu đội chúng tôi lập công xuất sắc, tiêu diệt nhiều trận địa pháo của địch. Đêm 31-3-1975, tôi cùng với đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Phó trung đội trưởng của Đại đội 8 đi cùng khẩu đội chúng tôi đã mưu trí đánh địch, bảo vệ trận địa, bắt sống nhiều tên địch. Trong trận đánh địch ở đèo Phượng Hoàng, lập công xuất sắc, tôi được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị tại Bộ tư lệnh Quân khu 2 năm 2005. Ảnh: Báo Phú Thọ

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị tại Bộ tư lệnh Quân khu 2 năm 2005. Ảnh: Báo Phú Thọ

Từ đầu tháng 4-1975, khẩu đội cối 82mm chúng tôi cùng đơn vị tiến đánh địch đồn trú trong các căn cứ Dục Mỹ ở Ninh Hòa (Ninh Thuận), Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa). Sau khi Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, đơn vị tôi (lúc này là Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, thuộc đội hình Quân đoàn 3) hành quân tiến xuống Tây Ninh, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với các đơn vị bạn và quần chúng nhân dân nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Nguyễn Kim Khoa được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ở trường, học viên Nguyễn Kim Khoa tích cực học tập, rèn luyện, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động của trường. Năm 1977, học viên Nguyễn Kim Khoa vinh dự được kết nạp vào Đảng. Sắp đến ngày tốt nghiệp, thì xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1979, toàn bộ sĩ quan, học viên của khóa học được lệnh bổ sung về các đơn vị chiến đấu.

Cuối năm, Nguyễn Kim Khoa cùng các học viên trở về trường để hoàn thành khóa học. Bằng những thành tích trong chiến đấu và học tập, Nguyễn Kim Khoa được công nhận tốt nghiệp và phong quân hàm trung úy. Năm 1985, khi tròn 30 tuổi, Nguyễn Kim Khoa được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Trong hai năm 1985-1986, Trung đoàn trưởng Nguyễn Kim Khoa chỉ huy trung đoàn chiến đấu và trụ vững ở Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang).

Năm 1987, Trung đoàn trưởng Nguyễn Kim Khoa cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 cùng đội hình Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên, làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Chủ động xây dựng “thế trận lòng dân”

Công tác ở Tây Nguyên đến năm 1989, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Nguyễn Kim Khoa được trên điều động về công tác ở Quân khu 2 và bổ nhiệm chức vụ Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 326. Ở cương vị mới, Nguyễn Kim Khoa tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban chỉ huy sư đoàn, cùng với tập thể Phòng Tham mưu Sư đoàn 326 xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy của sư đoàn.

Năm 1991, Phó tham mưu trưởng Nguyễn Kim Khoa được điều động làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Hòa. Ít lâu sau Nguyễn Kim Khoa được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1994, Nguyễn Kim Khoa được bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi tái lập hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, năm 2000, Nguyễn Kim Khoa được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ. Năm 2004, ông là Phó tư lệnh Quân khu 2 và năm 2005 được thăng quân hàm thiếu tướng; trung tướng năm 2013. Từ tháng 5-2002, ông dự bầu Đại biểu Quốc hội khóa XI và trúng cử. Từ đây, vừa là cán bộ chỉ huy của quân đội, Nguyễn Kim Khoa vừa tích cực hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân - Đại biểu Quốc hội.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tháng 1-2018. Ảnh: Báo Quân khu 2

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tháng 1-2018. Ảnh: Báo Quân khu 2

Nhớ về những ngày làm nhiệm vụ ở cơ quan quân sự địa phương, Trung tướng Nguyễn Kim Khoa kể: “Năm 1991, tôi được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Hòa (Vĩnh Phú), trong lòng cũng có nhiều trăn trở. Lúc này, Liên Xô và hàng loạt nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nên ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị ở nước ta. Tỉnh Vĩnh Phú khi đó đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự phức tạp. Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ 7 (tháng 6-1991) của Đảng đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000... đã xác định rõ con đường cách mạng và mục tiêu của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới. Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, tôi đã chỉ đạo cơ quan làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương; tích cực xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Hòa, thành phố Việt Trì; Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phú (từ năm 1994), tôi đã bám sát và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 30-7-1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) về nhiệm vụ quốc phòng, để tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc…”.

Khi được hỏi trong những năm trên cương vị chỉ huy các cơ quan quân sự địa phương, kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của mình là gì, ông cho biết có rất nhiều. Đó là những lần ông đi cơ sở, bám sát cơ sở, vận động nhân dân, dựa vào dân để triển khai công tác quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. "Nhớ năm 1997, trên cương vị Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phú, tôi đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo huyện Phong Châu xử lý hiệu quả vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra ở xã Bản Nguyên, huyện Phong Châu (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Hồi ấy, xã thu hồi đất bãi của dân đang trồng hoa màu, song người dân quyết giữ. Người dân ở đây còn đào hào, ngăn chặn chính quyền đến giải tỏa. Công an của tỉnh còn đề nghị Bộ Công an điều động lực lượng cảnh sát đến giúp đỡ giải tỏa. Chủ tịch UBND huyện Phong Châu còn chỉ đạo Ban CHQS huyện điều động 1 đại đội tự vệ tham gia giải tỏa. Tôi chỉ đạo Ban CHQS huyện dừng ngay việc đưa lực lượng tự vệ đến xã Bản Nguyên, đồng thời tham mưu với tỉnh không nhất trí để công an tăng cường lực lượng đến xã Bản Nguyên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với đề nghị của Bộ CHQS tỉnh chúng tôi. Sau đó, tôi trực tiếp cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện Phong Châu đến gặp đại diện nhân dân, vận động, tuyên truyền, giải quyết những đề nghị của người dân. Vụ việc được giải quyết ổn thỏa, ổn định được an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở xã Bản Nguyên", Trung tướng Nguyễn Kim Khoa nhớ lại.

Góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh

Quốc hội khóa XII (2007-2012), Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa, Phó tư lệnh Quân khu 2 được cử giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đến Quốc hội khóa XIII (2012-2016), ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Là người đại biểu nhân dân, Trung tướng Nguyễn Kim Khoa tích cực hoạt động, tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của cán bộ, các tầng lớp nhân dân, để phản ánh với Quốc hội và chỉ đạo cơ quan nghiên cứu, xây dựng các bộ luật, nhất là về quốc phòng, an ninh, bảo đảm đồng bộ, phù hợp thực tiễn và lâu dài, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thăm một đơn vị quân đội.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thăm một đơn vị quân đội.

“Trong thời gian công tác ở Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tôi đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đề xuất xây dựng, trình Quốc hội thông qua, ban hành được hệ thống luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh bảo đảm cơ bản, hoàn thiện và đồng bộ, làm cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc”, Trung tướng Nguyễn Kim Khoa cho biết.

Từ năm 2007 đến năm 2016, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì trình Quốc hội và Thường vụ Quốc hội; đề xuất và tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến xây dựng các luật, pháp lệnh và được Quốc hội thông qua, ban hành nhiều luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trung tướng Nguyễn Kim Khoa nhớ lại: “Năm 2014, khi Quốc hội thông qua, ban hành Luật Công an nhân dân, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận được ý kiến cần có Luật Quân đội nhân dân. Tôi tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, có nhiều lực lượng, nên không thể điều chỉnh trong một luật, mà cần có luật riêng cho từng lực lượng, để tổ hợp thành bộ luật về quốc phòng. Quân đội đã có Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, nên tiếp tục xây dựng các luật về giáo dục quốc phòng và an ninh, lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, dự bị động viên, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, biên phòng, công nghiệp quốc phòng, phòng không nhân dân… Đề xuất của tôi được Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chấp thuận, chỉ đạo tổ chức xây dựng. Vì vậy, ngoài các luật về lĩnh vực quốc phòng được thông qua tại các Quốc hội khóa XII, XIII, nhiều luật đã được xây dựng, Quốc hội khóa XIV thông qua, ban hành, như các Luật: Lực lượng Dự bị động viên, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển Việt Nam, Biên phòng Việt Nam...”.

Khi tôi hỏi Trung tướng Nguyễn Kim Khoa về những đóng góp và kỷ niệm của mình khi là Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa XIII, chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ông trả lời: "Tôi nhớ nhất là khi chỉ đạo cơ quan tham mưu với Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội về xây dựng, hội thảo, lấy ý kiến và trình Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam. Quá trình xây dựng, thảo luận về luật này rất căng thẳng, nhất là việc khẳng định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở; việc tàu thuyền quân sự đi trong lãnh hải nước ta. Khi họp bàn, tôi luôn giữ quan điểm xây dựng luật bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, lãnh hải Tổ quốc. Với sự kiên trì, lập luận chặt chẽ, khoa học, ý kiến của tôi, cùng các đồng chí ở Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhất trí, trình Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012 và ban hành Luật Biển Việt Nam”.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa trưởng thành từ chiến sĩ, trở thành tướng lĩnh quân đội, Đại biểu Quốc hội; người đại biểu nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên từng cương vị công tác của mình. Nghỉ hưu, ông vẫn duy trì thói quen đọc sách, nghiên cứu, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, là tấm gương sáng cho thế hệ cán bộ trẻ noi theo.

ĐÌNH XUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-kim-khoa-tu-chien-truong-den-nghi-vien-725080