Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung và hành trình 40 năm đào tạo Công an nhân dân
Tham gia giảng dạy từ năm 1984, đến nay, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung có 40 năm đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ học viên Công an nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Lực lượng Công an nhân dân ra đời trong khí thế sục sôi của ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc.
Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. [1] Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. [2]
Nhân dịp 79 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024), Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Trung - nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trò chuyện về hành trình 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ học viên Công an nhân dân.
40 năm gắn bó với công tác đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
Trao đổi với phóng viên, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Trung cho biết, trong suốt thời gian công tác trong ngành công an, bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ, ông đã có quá trình gắn bó lâu dài với hoạt động giảng dạy, đào tạo.
“Trong những năm đầu khi vừa tốt nghiệp Đại học Công an (nay là Học viện An ninh nhân dân), năm 1984, tôi được phân công về làm giảng viên của trường Trung cấp An ninh thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988 do thay đổi mô hình tổ chức của các trường, tôi được phân công về thực hiện các công tác nghiệp vụ, chuyên môn thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi chuyển về công tác tại một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an.
Trong suốt quá trình ấy, tôi thường có các buổi báo cáo thực tế, trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt từ đầu những năm 2000, tôi thường xuyên tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học An ninh nhân dân với tư cách giáo viên kiêm báo cáo thực tế tình hình, chuyên đề nghiệp vụ.
Qua quá trình gắn bó với công tác giảng dạy, tôi ngày càng trân trọng yêu quý nghề giáo, đặc biệt là nhà giáo Công an nhân dân”.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung, là một nhà giáo trong lực lượng Công an nhân dân, bên cạnh việc nắm vững kiến thức, đạo đức tác phong của một người thầy, cần phải có những đặc điểm riêng của ngành Công an như: kinh nghiệm công tác trong ngành, quá trình kết hợp giữa lý luận và thực tiễn công tác, cách xử lý các tình huống trong thực tế… để đào tạo cho cán bộ chiến sĩ công an những vấn đề vừa có tính lý luận chung vừa gắn với thực tiễn và có thể áp dụng trong thực tiễn.
“Qua quá trình công tác chiến đấu trong lực lượng công tác từ người cán bộ, đến lãnh đạo, chỉ huy, tôi nhận thấy có cán bộ, chiến sĩ dù đã được đào tạo qua nhiều cấp nhưng do thiếu tính thực tiễn nên hiệu quả công tác chưa cao, hoặc chưa phát huy được sở trường. Do vậy, tôi càng muốn gắn bó với nghề giáo để truyền đạt kiến thức của mình đến với học viên để trao đổi kinh nghiệm với các em”.
Thầy Trung bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về bài duyệt giảng đầu tiên khi bắt đầu gắn bó với vai trò thầy giáo.
“Khi ấy tôi hồi hộp, chuẩn bị và chờ đợi được các thầy đánh giá, góp ý. Nhờ vậy, tôi hiểu hơn về nghề giáo, cần phải đọc, chuẩn bị, tổng hợp rất nhiều kiến thức, kỹ năng cho một bài giảng. Tôi còn nhớ, khi hoàn thành xong bài duyệt giảng, sau các nhận xét, thầy trong hội đồng đã vỗ vai tôi và nói tôi có khả năng trình bày như một “linh mục”. Qua đó tôi nhận thấy, ngoài kiến thức, muốn dạy tốt phải rèn luyện nhiều hơn về khả năng truyền đạt các tư tưởng, tình cảm với học viên”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung nhớ lại.
Những dấu ấn không bao giờ quên
Trải qua các vị trí công tác từ Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị IV đến Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (2018), Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung thường xuyên tham gia báo cáo thực tế, chuyên đề bảo đảm an ninh, chuyên đề công tác kỹ thuật nghiệp vụ, hội thảo khoa học tại Trường Đại học An ninh nhân dân cho các khóa đào tạo đại học, sau đại học.
Từ tháng 4/2022 đến nay, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học An ninh nhân dân theo Quyết định số 1138/QĐ-X02 ngày 28/4/2022 của Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Được biết, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung thường xuyên tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề bảo đảm an ninh tôn giáo, dân tộc vùng Tây Nam Bộ, công tác kỹ thuật nghiệp vụ; tham gia các hội thảo, hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tại Trường Đại học An ninh nhân dân; biên soạn và xuất bản 1 sách chuyên khảo “Bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo ở vùng dân tộc Khmer Tây Nam Bộ”.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung cho biết, qua những năm tháng công tác, làm lãnh đạo ở các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, từ công tác bảo vệ an ninh vùng Tây Nam Bộ ở Cục An ninh Tây Nam Bộ, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II, Cục Bảo vệ Chính trị IV và sau này là Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an đã để lại cho ông rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên.
“Mỗi cương vị, mỗi đơn vị công tác đều để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp khác nhau. Tôi được công tác cùng với những đơn vị, đồng đội hết sức tuyệt vời, cho tôi nhiều trải nghiệm. Qua đó giúp tôi trau dồi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm công tác trong từng lĩnh vực. Tôi càng trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, rất thuận lợi cho công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ví dụ, khi ở Cục An ninh Tây Nam Bộ cho tôi kỷ niệm khó quên về tinh thần đấu tranh với các đối tượng cực đoan lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đòi hỏi phải làm tốt công tác dân vận, công tác quần chúng, gần gũi và dựa vào dân. Tôi thấm nhuần tư tưởng về đại đoàn kết của Bác Hồ, đến với họ một cách chân thành, với triết lý "không gì là không thể lay chuyển".
Với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, tôi phải tự học hỏi rất nhiều và tham gia với đồng chí, đồng đội phối hợp giải quyết nhiều vụ án quan trọng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tôi rất tâm đắc câu nói của một đồng chí Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về ma túy rằng: "Kỹ thuật nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ chiến sỹ bớt hy sinh, đổ máu..".
Đến khi là Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị IV, dấu ấn khiến tôi không bao giờ quên là những đợt triển khai công tác nghiệp vụ rất thú vị khi vừa phải đảm bảo an ninh quốc gia, hoàn thành yêu cầu nghiệp vụ vừa phải đáp ứng tốt các yêu cầu chính trị, ngoại giao thể hiện tốt quan điểm “đối tác, đối tượng”, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quan hệ với cơ quan an ninh, tình báo các nước", thầy Trung kể.
Khi chia sẻ về quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo ở vùng dân tộc Khmer Tây Nam Bộ”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung cho hay, đây là cuốn sách dựa trên đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông.
Thông qua cuốn sách này, Trung tướng mong muốn độc giả, các học viên trường công an nhân hiểu thêm và mến yêu vùng đất Tây Nam Bộ của đất nước ta từ lịch sử hình thành, văn hóa, tình hình dân tộc, tôn giáo, công lao mở mang bờ cõi của cha ông và công cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những đóng góp của mình, năm 2023, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Trung đã được Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (nay là Bộ trưởng Bộ Công an), thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với các cá nhân trong lực lượng Công an "đã có thành tích xuất sắc trong quá trình huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
“Với hơn 44 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, khi được nhận Huân chương, tôi rất vinh dự, tự hào với những năm tháng phấn đấu, rèn luyện, chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, có đóng góp cho sự nghiệp đào tạo của ngành công an”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung tự hào nói.
Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công an chính quy, tinh nhuệ
Qua quá trình nhiều năm công tác thực tiễn, cũng như giảng dạy trong lực lượng công an nhân dân, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Trung nhận định: Việc xây dựng, đào tạo đội ngũ công an chính quy, tinh nhuệ luôn được lãnh đạo Bộ Công an, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, ngày 6/3/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về "đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết về xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghị quyết 12 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân. Trong đó đã chỉ rõ việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công an chính quy, tinh nhuệ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn lực lượng Công an nhân dân.
Trong Nghị quyết 12 và các văn bản, kế hoạch, chỉ đạo cụ thể của Ban Bí thư, của Đảng ủy Công an trung ương, các ban ngành đã chi tiết hóa, xác định mục tiêu, yêu cầu, giải pháp cụ thể.
“Chúng ta cần bám sát để triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, theo tôi cần chú ý việc gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, cũng như bắt kịp yêu cầu công tác trong tình hình khoa học công nghệ, thông tin, viễn thông, internet phát triển hàng ngày, hàng giờ”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung nhấn mạnh.
Nguyên là Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung khẳng định, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ có lịch sử truyền thống oai hùng đã tròn 70 năm phát triển, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với rất nhiều chiến công oanh liệt, cũng như thầm lặng. Được trực tiếp cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thành lập, chỉ đạo. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ luôn quan tâm và tin tưởng tuyệt đối lực lượng này. Đây là một tập thể có truyền thống đoàn kết, tuyệt đối trung thành với Đảng. Đáp ứng, hoàn thành xuất sắc các yêu cầu Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó.
Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung, trong tình hình hiện nay và thời gian tới, vai trò khoa học công nghệ ngày càng quan trọng trong đời sống, xã hội.
“Các đối tượng trên các lĩnh vực xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự xã hội luôn tận dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tôi luôn kỳ vọng và tin tưởng, với truyền thống của mình, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ sẽ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, đi trước, đón đầu để chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại đối tượng; xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Từ đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành Công an giao phó”.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024), Trung tướng Nguyễn Mạnh Trung tâm sự: “Tôi luôn tự hào bản thân đã từng là học viên được đào tạo tại các học viện, đại học của Công an nhân dân, tôi luôn trân trọng với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, biết ơn thầy cô và các thế hệ lãnh đạo.
Trước yêu cầu, môi trường công tác, học tập, lao động, làm việc đang có nhiều biến đối, khoa học kỹ thuật phát triển, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), đòi hỏi công tác học tập nghiên cứu của các học viện, trường đại học thuộc khối ngành Công an nhân dân cũng phải thay đổi nhanh chóng. Các học viện, nhà trường cần đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, gắn lý luận với thực tiễn. Từ đó, bắt kịp các đòi hỏi của công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc trong tình hình hiện nay”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=5824
[2] https://dhcsnd.edu.vn/ngay-truyen-thong-ve-vang-cua-cand-viet-nam-198&p=47