Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc: Tỏa sáng những quyết sách vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Nhắc đến Trung tướng Đồng Đại Lộc là nhắc đến một vị tướng cảnh sát 'CIO' (CIO - tên giải thưởng thường niên cho những nhà lãnh đạo về công nghệ thông tin) với những chiến công xuất sắc trên trận tuyến bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng Công an tỉnh Thanh Hóa trở thành đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang thời kỳ đổi mới. Nay khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến trí và lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và còn là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam.
Vì sự bình yên của Nhân dân
Tướng Đồng Đại Lộc sinh năm 1958 tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong gia đình có đông anh em, bố mẹ đều là những người lao động bình thường. Bản thân ông là người có ý chí nỗ lực phấn đấu, vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để trưởng thành.
Trung tướng Đồng Đại Lộc kể: Năm 1975 là học sinh chuyên toán xuất sắc của Trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), ước mơ lớn nhất khi ấy là sẽ học đến tiến sĩ. Nhưng rồi, như một duyên nợ, ông trở thành sinh viên khóa I Trường Đại học Cảnh sát nhân dân rồi gắn bó với nghề cảnh sát từ đấy.
Năm 1980, tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, ông Đồng Đại Lộc được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1987 đến khi nghỉ hưu, ông kinh qua các chức vụ: Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự; Phó Trưởng Phòng, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế; Phó Giám đốc, kiêm Thủ trưởng CQCSĐT, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục CSND, Phó Thủ trưởng CQCSĐT Bộ Công an.
Dấu ấn đậm nét trong đời làm nghề công an với Trung tướng Đồng Đại Lộc cũng là quãng thời gian ông làm việc ở Công an Thanh Hóa, như một phần đóng góp cho quê hương. Từ việc đưa ra những sáng kiến trong cải cách hành chính phục vụ nhân dân, xây dựng mô hình: “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự (ANTT)” tại cơ sở, đến việc điều tra các vụ trọng án... mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Với cương vị Giám đốc Công an tỉnh, Tướng Đồng Đại Lộc đã chủ động đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp để ổn định ANTT tại cơ sở, nhất là an ninh tôn giáo, an ninh biên giới, an ninh nông thôn. Điển hình là tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án 375 và Chỉ thị số 10 về xây dụng mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT”. Từ đó đã tạo ra thế trận mới, xây dựng được lực lượng nòng cốt tại cơ sở tham gia công tác ANTT với hơn 600 Ban Chỉ đạo ANTT cấp xã, phường, thị trấn; hơn 35 ngàn Tổ An ninh xã hội, hàng ngàn Tổ Bảo vệ thôn, bản, khu phố với gần 18 ngàn thành viên tham gia.
Nhờ mô hình này đã góp phần làm giảm tội phạm hình sự nhỏ trong khu dân cư từ 30 đến 40%, tạo thành thế trận an ninh vững chắc. Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án, Bộ trưởng Bộ Công an đã biểu dương Công an tỉnh Thanh Hóa: “Đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, đổi mới tư duy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những quyết sách đúng... xây dựng thế trận lòng dân trong thế trận ANND nhằm bảo đảm ANTT mang tính bền vững, chiến lược”, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong Bộ Công an nghiên cứu nhân rộng ra toàn quốc.
Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí luôn mưu trí, dũng cảm, có nhiều sáng kiến; trực tiếp chỉ đạo điều tra khám phá nhanh hàng trăm vụ án đặc biệt nghiêm trọng; triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; góp phần nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án, hàng năm trung bình đạt 78% trở lên; trọng án đạt 98%, phạm pháp hình sự 10 năm đồng chí phụ trách giảm từ 3,6 đến 5,2%.
Điển hình là: Trong 15 ngày đã chỉ đạo điều tra khám phá 2 vụ sử dụng vũ khí cướp tiệm vàng tại huyện Thọ Xuân và Tĩnh Gia, thu 3 súng ngắn, 43 viên đạn, 4 lựu đạn và nhiều tang vật, tài sản khác. Đặc biệt, trong thời gian 1 tháng đã trực tiếp chỉ đạo phá Chuyên án 7708, bắt Lê Khắc Cường và đồng bọn sử dụng vũ khí bắn chết 1 người, bị thương 3 người trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu hoạt động kiểu “xã hội đen”; đối tượng có quan hệ với cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Mở rộng vụ án đã triệt phá 4 ổ nhóm tội phạm khác, bắt 28 đối tượng, góp phần ổn định ANTT trên địa bàn.
Ông đã chỉ đạo triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây mua bán ma túy lớn như: Phối hợp với Bộ Công an triệt phá Chuyên án 9980 do Phạm Bá Dần cầm đầu, thu hàng chục bánh heroin; Chuyên án 407, tiêu diệt Thao Văn Sung, bắt 10 đối tượng, thu 3 súng ngắn, hàng trăm viên đạn, 5 lựu đạn. Bắt vụ đối tượng Vũ Gia Bình và Vũ Đình Trường (quê Bắc Ninh) vận chuyển 10 bánh heroin, bắt đối tượng người Lào vận chuyển 462.000 viên ma túy tổng hợp (tương đương 42kg)…
Vị Tướng của những đổi mới và tận tâm với nghiên cứu khoa học, giảng dạy
Trong những năm từ 2004 - 2010, dưới sự lãnh đạo của Tướng Đồng Đại Lộc, Công an Thanh Hóa đã có hàng loạt cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Đồng chí đã trực tiếp đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, đổi mới toàn diện các mặt công tác công an đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như: Quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ công tác cải cách hành chính; mạnh dạn đề xuất Bộ Công an phân cấp cho Công an cấp huyện nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ thuộc thẩm quyền cấp tỉnh như: Phân cấp cho Công an huyện phân loại công thức vân tay, tháo gỡ được ách tắc, tồn đọng hồ sơ CMND; Phân cấp việc cấp tờ khai hộ chiếu phổ thông tại cơ sở; Phân cấp quản lý cơ sở PCCC và kinh doanh có điều kiện về ANTT; Phân cấp cho công an cấp xã tuần tra, xử lý vi phạm về ATGT...
Đáng kể nhất, đồng chí đã mạnh dạn chỉ đạo đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác công an, đã tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và chiến đấu trong CAND. Tiêu biểu là chỉ đạo xây dựng và đưa vào sử dụng 19 phần mềm trong công tác nghiệp vụ, đưa Công an Thanh Hóa trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng trang tin điện tử (Website); đường dây nóng; hộp thư thoại; phần mềm đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy tự động trên máy vi tính; phần mềm thông báo lưu trú qua Internet và văn phòng điện tử. Là đơn vị đầu tiên xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh; Hệ thống giám sát an ninh công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa và Hệ thống hội nghị truyền hình đến 14 điểm cầu tại Công an cấp huyện.
Những kết quả về cải cách hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ của Công an tỉnh đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao, được Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương là đơn vị đi đầu trong Công an cả nước trên lĩnh vực cải cách hành chính. Kết quả cải cách hành chính trong Công an Thanh Hóa đã thực hiện tốt phương châm: đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực và mang lại giá trị tinh thần to lớn, tiết kiệm nhiều tiền của cho nhân dân.
Với những thành tựu đạt được, năm 2008 Trung tướng Đồng Đại Lộc (lúc đó giữ quân hàm Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) là một trong 9 người được nhận giải thưởng “CIO - nhà lãnh đạo công nghệ thông tin tiêu biểu” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức.
Năm 2012, ông được Bộ trưởng Bộ Công an phong quân hàm Trung tướng; năm 2015 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Những năm làm việc tại Tổng cục Cảnh sát, ông đã từng phụ trách nhiều lĩnh vực công tác: Lĩnh vực Tham mưu; Quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư; Phòng, chống tội phạm buôn lậu; Phòng, chống tội phạm công nghệ cao; nhiều năm phụ trách Phòng, chống tội phạm ma túy và là Trưởng Ban Chỉ đạo nhiều chuyên án lớn về ma túy thời kì 2015 - 2018 như: Chuyên án xóa tụ điểm ở Loóng Luông (Sơn La), các vụ vận chuyển 600, 300, 400 bánh heroin ở Hà Nội, Cao Bằng, TP Hồ chí Minh. Chuyên án 128Y, một chuyên án liên quan đến ma túy lớn tại khu vực phía Nam và biên giới Tây Nam. Tổ chức tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, với nhiều đối tượng như: Vũ Thị Oanh (tức Oanh Hà); Nguyễn Thị Huệ, Trần Văn Tình,...
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông được Bộ Công an phân công làm giảng viên cao cấp Học viện Cảnh sát. Hiện nay, ông là giảng viên cơ hữu Học viện khoa học xã hội. Ông không chỉ giỏi trong chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn đam mê tận hiến, đạt nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, viết nhiều cuốn sách chuyên khảo, giáo trình và hướng dẫn cho hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ.
Có thể nói, Trung tướng Đồng Đại Lộc đã khắc họa rõ nét chân dung một con người đặc biệt - một tướng “trận mạc” nhưng lại say mê khoa học, giảng dạy. Ông dành cả đời cống hiến cho pháp luật, vừa trực tiếp chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, vừa phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và sự cống hiến đến nay vẫn chưa từng ngơi nghỉ.
Trên chặng đường công tác, Tướng Đồng Đại Lộc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Hai Huân chương Hữu nghị Việt Nam - Lào. Chính phủ tặng 4 Bằng khen; được vinh danh Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, được Bộ Công an và các Bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen và kỷ niệm chương.