Trung tướng Phạm Kiệt - Người anh hùng từ vùng đất Ba Tơ
Anh lính vệ quốc Tê Đơ, thủ lĩnh du kích Ba Tơ, chú Mười Quảng Ngãi hay Trung tướng Phạm Kiệt... - những cái tên đó đều dành để nói về người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đầy bản lĩnh, một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... đã được lịch sử ghi nhận như một danh tướng của cách mạng Việt Nam. Từ vùng đất Ba Tơ anh hùng, Trung tướng Phạm Kiệt đã cống hiến xứng đáng cho Tổ quốc, để hôm nay, CANDVT, BĐBP ngày nay vẫn luôn ghi nhớ những câu chuyện về vị Tư lệnh tài đức và trung hậu ấy. Tại quê hương núi Ấn, sông Trà - Quảng Ngãi của ông, đến nay đã có 3 ngôi trường mang tên Phạm Kiệt.
Chàng thanh niên Phạm Quang Khanh tham gia tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” khi chưa đầy 15 tuổi và mang mật danh “Tê Đơ - Phạm Kiệt”. Bị kết án tử hình rồi hạ xuống chung thân, những trận đòn tù dã man tại các nhà lao như Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Ba Tơ... dường như chỉ là ngọn lửa lò tôi rèn thêm bản lĩnh và lí tưởng của người cộng sản trẻ, tạo nên một ngọn đuốc sáng trong những ngày cả nước vùng lên giành độc lập. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bằng sự nhạy bén của mình, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân Ba Tơ. Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được Tỉnh ủy lâm thời giao cho “Tê Đơ - Phạm Kiệt”. Suốt một đêm dài giằng co, đấu trí với địch, quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sĩ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn.
Sáng 13/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập, có tổ chức mít tinh trước đông đảo quần chúng nhân dân. “Tê Đơ - Phạm Kiệt” được Tỉnh ủy giao làm Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ. Tại đây, Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Khởi nghĩa Ba Tơ đã mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu, tạo nên tinh thần “quyết chiến - quyết thắng” của quân đội ta, của lực lượng vũ trang nhân dân ta. Từ thắng lợi vẻ vang đó, Đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp các miền quê Quảng Ngãi, tạo lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng 8 sớm nhất cả nước.
Sau Cách mạng Tháng 8, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp Liên khu V và Nam Bộ, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tiền thân của lực lượng vũ trang Việt Nam. Năm 1946, với quân số áp đảo và trang bị súng ống tối tân, thực dân Pháp nhanh chóng đánh chiếm Nam Bộ và tấn công vào miền Trung hòng thần tốc tiến về Hà Nội, giành lại thế thượng phong, đồng thời, bóp chết Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ. Nhưng các đoàn quân Nam tiến và quân dân Nam Trung Bộ dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ Chỉ huy Nam Trung Bộ, mà đứng đầu là Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tạo nên một huyền thoại của Khu V. Chiến dịch 101 ngày phòng thủ Nha Trang đã xé nhỏ lực lượng quân viễn chinh Pháp, đánh đắm nhiều tàu chở quân, vũ khí, đạn dược, cầm chân và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải dừng chân tại nơi này.
Trong suy nghĩ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Trung tướng Phạm Kiệt thì: “Ngay từ lần gặp đầu tiên cuối những năm 20, tôi đã nhìn thấy ở anh một con người chân thành, chân thật, dễ gần và dễ mến. Sau này, những ngày sống và làm việc trên đất Bắc, tôi càng hiểu, càng quý anh hơn. Quý một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng nói thẳng, nói thật, không úp mở, rào chắn... Nhiều người nói anh khá nóng tính, nhưng tôi nghĩ, anh Kiệt là người có trách nhiệm phụng sự nhân dân, Tổ quốc rất cao”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giữa lúc khí thế sục sôi, đồng chí Phạm Kiệt đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cân nhắc chuyển từ kế hoạch “đánh nhanh” sang “đánh chắc”. Qua 56 ngày đêm, kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc” đã dệt nên trang sử vàng cho dân tộc Việt Nam. Trong bức thư gửi Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Đại tướng cũng nói rõ: “Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt: Ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”. Tôi càng thấy rõ, anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính và bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.
Bác Hồ lúc sinh thời cũng dành nhiều tình cảm đối với Trung tướng Phạm Kiệt. Khẩu cacbin số hiệu 585440, khẩu súng lục hiệu mô-de số 707271, chiếc radio mà tướng Đờ Cát đã dùng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ... Đó là những món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng chí Phạm Kiệt, thể hiện tình cảm và niềm tin đặc biệt của Người. Khi Bác ở chiến khu, có người cận vệ Phạm Kiệt luôn theo sát bên Người. Ngày Bác về thăm quê hương Nam Đàn, có sự tháp tùng tận tụy của người học trò ấy. Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm CANDVT, không thể thiếu Tướng Phạm Kiệt trong hàng quân danh dự nghiêm trang chào đón.
Năm 1960, khi ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh CANDVT thay Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, cũng là lúc cuộc chiến đấu chống gián điệp biệt kích của Mỹ - Diệm bắt đầu quyết liệt ở miền Bắc. Vốn là người chỉ huy sâu sát đến từng trận đánh, ông trực tiếp tham gia nghiên cứu đối tượng và chỉ đạo các đơn vị công an, CANDVT phối hợp hành động. Công tác phản gián như tạo giả cung cấp tin tức, tài liệu để hướng hoạt động của địch theo yêu cầu, kế hoạch, mục đích của ta, đảm bảo vừa giữ được bí mật với địch, vừa bảo vệ được những mục tiêu quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đồng thời, ta cũng “câu nhử” bắt thêm nhiều toán gián điệp biệt kích khác, thu nhiều vũ khí, chất nổ..., góp phần đánh bại cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy.
Năm 1963, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh, Tướng Phạm Kiệt nhận thấy địa tầng ở đây có thể đào được địa đạo như địa đạo Củ Chi, nên chỉ đạo cho đồng chí Lê Xuân Vi, Đồn trưởng Đồn CANDVT Vĩnh Mốc trực tiếp nghiên cứu thi công. Từ thành công ở Vĩnh Thạch, ông chỉ đạo phổ biến rộng rãi trong toàn dân, các địa đạo được bà con đào mở rộng từ Vĩnh Mốc sang Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... Tướng Phạm Kiệt cũng là người chủ trương xây dựng “Mỗi đồn CANDVT là một trận địa phòng không”, là tiêu chí thi đua đánh Mỹ của các đơn vị CANDVT thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ-ngụy.
Đúng như dự kiến, CANDVT đã đánh thắng máy bay Mỹ ngay từ trận đầu bằng súng bộ binh. Chiến công nối tiếp chiến công, các đơn vị như Phân đội 3 CANDVT Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Cha Lo, Đồn Biên phòng Roòn, Đồn Biên phòng Cửa Lò, Đồn Biên phòng Sốp Cộp, Đồn Biên phòng Trà Lí... liên tiếp báo tin thắng trận. Đến cuối năm 1972, bằng ý chí quyết chiến-quyết thắng, chiến đấu dũng cảm ngoan cường, vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo, CANDVT đã độc lập bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bắn hạ 225 chiếc, bắn bị thương 118 chiếc khác, bắt nhiều giặc lái, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Một lòng thương nhớ miền Nam, Tướng Phạm Kiệt tình nguyện trở về để có thể trực tiếp chiến đấu để giải phóng quê hương. Khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Cuba Fidel Castro đi thăm Vĩnh Linh, ông đã đứng rất lâu nơi đầu cầu bờ Bắc để nhìn về quê hương miền Nam. Vậy mà cái ngày được chứng kiến non sông liền một dải, ngày được về thăm lại núi Ấn, sông Trà đã đến thật gần thì ông lại vội ra đi. Ngày tang lễ của ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an... tổ chức long trọng, xứng đáng với công lao, tầm vóc và những cống hiến to lớn của ông.
Sách “Danh nhân lịch sử Việt Nam” cũng đánh giá về Trung tướng Phạm Kiệt như sau: “Từ năm 1960-1975, ông đã lãnh đạo ngành công an, ra sức xây dựng lực lượng công an lớn mạnh để đảm nhiệm trọng trách giữ gìn an ninh chính trị và đảm bảo an toàn trật tự xã hội”. Ghi nhận công lao to lớn của ông, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho người chiến sĩ cách mạng ưu tú của dân tộc.