Trungnam Group và sân chơi năng lượng
Nắm bắt cơ hội, kiên định vượt qua những khó khăn từ chính sách, Trungnam Group đã trở thành nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư thành công vào truyền tải điện. Đằng sau những thành công đó là phương châm 'Đầu tư bền vững – Xây dựng tương lai' luôn được bám sát trong quá trình vận hành hệ sinh thái Trungnam Group.
>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam để hiểu rõ hơn tâm thế và bản lĩnh tiên phong của doanh nghiệp này.
Trungnam Group vốn chủ yếu xoay quanh mảng hạ tầng – xây dựng, bất động sản, vì sao tập đoàn quyết định bước vào mảng năng lượng tái tạo?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Trungnam Group đã trải qua 18 năm hoạt động trong các lĩnh vực hạ tầng – năng lượng – công nghiệp điện tử - bất động sản và đã có được các dự án chất lượng, uy tín. Thời điểm tập đoàn quyết định đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) là lúc thị trường này vừa mới chớm nở ở Việt Nam, đây là lĩnh vực rất mới mẻ với các doanh nghiệp trong nước.
Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã nắm bắt cơ hội đầu tư. Cùng với việc nhìn thấy được tiềm năng cực kỳ lớn của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió là hai thế mạnh của khí hậu nhiệt đới, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện những công trình đầu tiên.
Ngoài ra khi quyết định đầu tư vào NLTT, chúng tôi đã dự báo đây là tương lai của ngành năng lượng do tính chất - được xem như là vô hạn – của nắng và gió, không gây ô nhiễm môi trường do phát thải khí CO2. Quá trình thực hiện các dự án này chúng tôi cũng đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, toàn bộ các trang thiết bị cho ngành năng lượng gần như được nhập khẩu và phải được vận chuyển bằng các thiết bị chuyên dụng siêu trường siêu trọng riêng, điều đó tạo ra một áp lực tài chính, nhân lực vô cùng lớn cho đội ngũ.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, hướng dẫn từ Chính phủ, các bộ ban ngành cũng còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thi công cũng như vận hành các dự án. Vượt qua những khó khăn đó, chúng tôi đã đi được những bước dài khi trở thành nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam với công suất sở hữu lên tới 1,63GW.
Sau bốn năm kể từ khi bước chân vào phát triển các dự án NLTT, tập đoàn đã xây dựng định hướng quản trị doanh nghiệp, quản trị hệ sinh thái đa ngành của mình ra sao? Đặc biệt, mảng năng lượng tái tạo là hoạt động còn sơ khởi tại thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Hiện tại năng lượng chính là mảng phát triển xương sống của Trungnam Group, chúng tôi tập trung phát triển các dự án lớn trên các tỉnh thành cả nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu đảm bảo an năng lượng quốc gia, đưa phát thải ròng Carbon về 0 vào năm 2050.
Trungnam Group đã phát triển ngành năng lượng từ những dự án thủy điện nhỏ tại Đắk Nông, Lâm Đồng, tiếp đó là các dự án điện mặt trời và điện gió với công nghệ và kỹ thuật cao. Hiện chúng tôi nắm trong tay hơn 14 dự án năng lượng đang hoạt động và có được nhiều kinh nghiệm từ việc đón đầu, xây dựng và phát triển các dự án trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Trungnam Group còn có 1 hệ sinh thái với các lĩnh vực Hạ tầng – Xây dựng - Bất động sản – Công nghiệp điện tử phát triển ở các địa phương. Ngay từ ngày đầu, Trung Nam đã được phát triển theo phương châm “Đầu tư bền vững – Xây dựng tương lai”, tập trung vào giá trị cốt lõi và đưa doanh nghiệp đi lên.
Dựa trên tiến trình phát triển riêng của doanh nghiệp và tình hình kinh tế chung của quốc gia, chúng tôi đã thiết lập những mục tiêu kinh doanh phù hợp, vừa mang tính chiến lược vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; tạo tiền đề cũng như mục tiêu để doanh nghiệp đảm bảo mục tiêu “Phát triển bền vững” trong 05 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, năng lực triển khai các dự án tầm cỡ - có qui mô lớn luôn được xem là thế mạnh, là năng lực cốt lõi của Trungnam Group thông qua việc không những hoàn thành vượt tiến độ đề ra mà còn đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như công trình Trạm biến áp và đường dây 500kv Thuận Nam, Trung Nam chỉ thực hiện trong 102 ngày đêm và là công trình tư nhân đầu tiên tham gia vào công tác truyền tải điện. Ngoài ra, riêng trong năm 2021, Trung Nam đã đưa vào hoạt động 3 dự án NLTT, nổi bật nhất là hai dự án điện gió EaNam ở Daklak – dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tới thời điểm hiện tại và dự án điện gió trên biển Đông Hải 1 ở Trà Vinh.
Bên cạnh đó, việc bắt tay với các đối tác có thực lực trong lĩnh vực năng lượng, nắm giữ các thiết bị tiên tiến, giải pháp đối mới công nghệ hiện đại như Enercon hay Siemens Gamesa, Trungnam Group hoàn toàn tự chủ trong toàn bộ các công tác kỹ thuật, từ khảo sát, nghiên cứu, xây dựng lắp đặt và vận hành đem lại hiệu quả kinh tế cao rút ngắn thời gian đầu tư - hoàn vốn, mà còn cải thiện được thông số môi trường (giảm độ ồn, bụi, chất thải rắn...), giúp bảo vệ môi trường xung quanh.
Đến nay, chỉ duy nhất Trungnam Group là trường hợp đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện. Ông hãy đánh giá về hoạt động này tại thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Có thể nói đến thời điểm hiện tại, Trungnam Group là doanh nghiệp tư nhân duy nhất tham gia vào quá trình truyền tải điện thông qua Trạm biến áp và đường dây 500kV, 220KV tại Thuận Nam - Ninh Thuận. Dự án này hiện có đóng góp rất lớn vào việc giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo quan tại tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt góp phần vào thành công của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân vừa được đi vào vận hành mới đây.
Tính đến nay, sau gần 2 năm vận hành ổn định, trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 4 tỷ kWh, con số này cho thấy tầm quan trọng của dự án trong thành công đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và là dự án truyền tải có quy mô và chất lượng do tư nhân đầu tư xây dựng. Trạm biến áp này được xây dựng cùng với nhà máy điện mặt trời Thuận Nam, là một dự án có điều kiện và sẽ được bàn giao lại cho EVN trong thời gian tới.
Đối với chúng tôi đây là một dự án tâm huyết và được chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để thực hiện trong vòng 102 ngày đêm, là một công trình độc nhất vô nhị của Trungnam Group nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng nói chung.
Chúng tôi nhận thấy đây là mảng cực kỳ tiềm năng và tư nhân hoàn toàn có thể làm được, phát triển hoạt động này sẽ gia tăng khả năng điều phối được nguồn điện và giải tỏa công suất cho toàn bộ các dự án hiện đã và đang xây dựng.
Tuy nhiên, do còn nhiều chính sách và cơ chế chưa rõ ràng nên hiện có khá nhiều vướng mắc đối với công trình Trạm biến áp và đường dây này, đặc biệt là cơ chế bàn giao lại cho nhà nước quản lý và vận hành. Có lẽ thời gian tới cần nhiều chính sách cởi mở hơn nữa để doanh nghiệp có thể tiếp cận được mảng hoạt động này.
Trungnam Group đang gặp khó tại chính thành công của mình (khi đầu tư, vận hành thành công dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam cùng đường dây truyền tải điện). Ông nhìn nhận như thế nào về khó khăn này? Phải chăng đây là thuốc thử cho bản lĩnh tiên phong của nhà phát triển điện NLTT hàng đầu tại Việt Nam như Trungnam Group?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Đối với một lĩnh vực còn khá mới như năng lượng tái tạo thì chúng tôi hiểu rằng cả doanh nghiệp và nhà nước đều cần khoảng thời gian để vừa làm vừa hiệu chỉnh. Tuy nhiên, là doanh nghiệp thì chúng tôi kỳ vọng vào những quyết định nhanh chóng và giải quyết vấn đề rõ ràng, tránh kéo dài thời gian gây thiệt hại kinh tế lớn về tài chính cho doanh nghiệp.
Với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện tại thì việc xử lý đình trệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều hệ lụy, gây tổn thất về tài chính lâu dài cho chúng tôi. Với dự án Nhà máy điện mặt trời và Trạm biến áp, đường dây 500kV Thuận Nam – Ninh Thuận, hơn 40% công suất nhà máy đã bị dừng khai thác từ cuối tháng 8/2022, chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc nói chuyện với EVN tuy nhiên cả hai vẫn chưa có tiếng nói chung. Đây không phải là khó khăn hay liều thuốc thử gì cả, vấn đề khai thác và công suất đều đã có trong hợp đồng mua bán điện (PPA) với đầy đủ các điều khoản.
Dự thảo Quy hoạch điện 8 đang cho thấy cơ hội rất lớn với điện gió ngoài khơi (tới 2030 và 2050). Với hàng rào về chính sách, thủ tục (điển hình là quy định giao biển nghiên cứu khảo sát điện gió ngoài khơi ĐGNK), cùng với việc giá ĐGNK sẽ giảm mạnh từ sau 2030, Tập đoàn sẽ định hướng đầu tư vào mảng này ra sao trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Hiện tại trong định hướng phát triển, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án gió, LNG và phát triển Hydro xanh tại các địa phương. Quy hoạch điện 8 hiện vẫn đang được tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, các dự án điện gió và ngoài khơi đang được đẩy ra sau 2030, thời gian tới sẽ tập trung vào LNG, khí Hydro xanh. Do đó chúng tôi cũng sẽ có những thay đổi nhất định để có thể tiếp tục thực hiện các dự án của mình.
Về những hàng rào về chính sách, thủ tục thì tôi tin rằng sẽ sớm được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như kêu gọi thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rõ ràng rằng đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi sẽ cần nguồn lực về vốn vô cùng lớn, do đó cũng cần những chính sách cởi mở và thông thoáng, những quyết định đúng đắn để các dự án có thể sớm được triển khai.
Xincảm ơn ông!
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/trungnam-group-va-san-choi-nang-luong-1673953369287.htm