Trước biến thể Delta hung dữ, Trung Quốc 'đau đầu' - Vaccine Covid-19 có còn là 'vũ khí chiến lược'?
Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về kiểm soát đại dịch Covid-19, bao gồm chuyển trọng tâm khỏi việc loại bỏ hoàn toàn virus và các ca bệnh vì việc xóa sổ hoàn toàn SARS-CoV-2 dường như là không thể.
Theo các tác giả một bài báo trên Nikkei Asia xuất bản ngày 10/8, sau 20 tháng bình yên trước Covid-19, chiến lược “không ca bệnh" (zero-case) của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất: Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm chóng mặt với độc lực mạnh.
Tính đến ngày 5/8, Trung Quốc có 533 trường hợp mắc Covid-19 ở 18/31 tỉnh và thành phố, tất cả đều do biến thể Delta gây ra.
Sự lây lan nhanh chóng khiến các biện pháp kiểm soát phòng dịch của Trung Quốc trở nên tốn kém hơn và đang gây tranh cãi về việc liệu chính phủ có cần điều chỉnh lại chiến lược hay không.
Ông Zeng Guang, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết, biến thể Delta khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với virus gốc, đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược “zero-case” của Trung Quốc. Chiến lược phòng chống dịch của nước này vốn dựa vào xét nghiệm hàng loạt, truy vết thần tốc và phong tỏa cộng đồng.
Mặc dù số ca nhiễm ở Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp so với Mỹ và các nơi khác, khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến cho cả những người đã được tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng có thể mắc bệnh, làm tăng mức độ khó khăn cho việc ngăn chặn dịch.
Chuyên gia Zeng nói, Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về kiểm soát đại dịch, bao gồm chuyển trọng tâm khỏi việc loại bỏ hoàn toàn virus và các ca bệnh vì việc xóa sổ hoàn toàn SARS-CoV-2 hiện nay dường như là không thể - và các biện pháp kiểm soát thông thường nên được áp dụng.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn kiên định với mục tiêu “zero-case” và đang đổ nguồn lực khổng lồ vào việc xét nghiệm, truy vết và kiểm dịch.
Tại cuộc họp báo hôm 5/8 về Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát chung của Quốc vụ viện, ông He Qinghua, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ chiến lược "ngăn chặn các ca bệnh nhập khẩu và kiểm soát trong nước bởi các biện pháp rõ ràng, cụ thể đó đã cho thấy sự hiệu quả".
Ông He Qinghua cho rằng, có thể kiểm soát sự bùng phát dịch trong vòng vài tuần miễn là chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa kiểm dịch theo quy định.
Chiến dịch xét nghiệm hàng loạt tốn kém
Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đồng nghĩa với việc nhu cầu về xét nghiệm nhanh tăng lên, điều này làm tăng chi phí kiểm soát dịch bệnh.
Ông Cai Weiping, chuyên gia trưởng về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhân dân số 8, Quảng Châu, cho biết: Có thể xác định các trường hợp tiếp xúc gần thông qua điều tra dịch tễ, nhưng phạm vi của các tiếp xúc này có thể rất lớn.
Chuyên gia Cai nói: “Nếu chúng tôi bỏ lỡ thời điểm truy vết sớm, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là kiểm tra hàng loạt trên toàn thành phố”.
Đó chính xác là những gì mà một số thành phố ở tỉnh Quảng Đông với tổng số gần 30 triệu người dân đã làm trong hai tháng qua sau khi phát hiện hơn 100 trường hợp mắc biến thể Delta.
Trong đợt bùng phát này, các thành phố bao gồm Nam Kinh, Trương Gia Giới, Trịnh Châu, Vũ Hán và Dương Châu đều đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ người dân.
Theo hướng dẫn do Cơ chế chung phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ban hành, các thành phố có dân số dưới 5 triệu người cần hoàn thành xét nghiệm axit nucleic trong vòng 2 ngày, trong khi các thành phố có hơn 5 triệu người cần hoàn thành việc này trong vòng 3 đến 5 ngày.
Xét nghiệm axit nucleic hàng loạt rất tốn kém. Hiện tại, bộ dụng cụ xét nghiệm có giá từ 5,38 đến 12,16 Nhân dân tệ (83 Cent đến 1,88 USD) và phí dịch vụ xét nghiệm rơi vào khoảng 80 Nhân dân tệ cho mỗi người.
Như vậy, sẽ cần ít nhất 100 triệu Nhân dân tệ để tiến hành xét nghiệm toàn bộ 18,7 triệu người dân của Quảng Châu. Để đảm bảo độ chính xác cao hơn, nhiều thành phố tiến hành vài lần xét nghiệm.
Ví dụ, thành phố phía Đông Nam Kinh, với 9,3 triệu dân, nơi bùng phát đợt dịch mới nhất với hơn 200 trường hợp, đã thực hiện 4 đợt xét nghiệm trong toàn thành phố trong vòng 2 tuần.
Một số chuyên gia cho rằng việc xét nghiệm hàng loạt là cần thiết để tránh tình trạng phải phong tỏa kéo dài, có thể gây thiệt hại lớn hơn về kinh tế.
Ông Zhao Dahai, Giám đốc điều hành Trung tâm liên kết về Chính sách Y tế, Đại học Giao thông Thượng Hải - Đại học Yale cho biết: “Để đo lường chi phí theo nghĩa hẹp, việc xét nghiệm hàng loạt đòi hỏi một lượng lớn nhân lực và tiền bạc, nhưng nó là cần thiết”.
Còn Giáo sư luật Wang Chenguang tại Đại học Thanh Hoa khẳng định: Để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân ở mức độ cao nhất, các nhà hoạch định chính sách phải tiến hành xét nghiệm càng rộng càng tốt để loại bỏ tất cả các nguy cơ có thể tiếp tục gây lây lan virus.
Có cần tiêm vaccine nhắc lại không?
Vaccine từng được coi là vũ khí hứa hẹn để chấm dứt đại dịch, nhưng giờ đây, biến thể Delta có thể lây nhiễm cho cả những người đã được tiêm chủng, và những người này có thể lây nhiễm thêm cho nhiều người khác khiến kỳ vọng trên trở nên xa vời hơn.
Khi 9 công nhân đầu tiên tại sân bay quốc tế Nam Kinh Lukou có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 7/2021, hơn 90% nhân viên sân bay này đã được tiêm phòng.
Tại Ruili, một thành phố ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar, nơi phát hiện 5 trường hợp mắc bệnh trong đợt bùng phát gần đây nhất, cũng đã có gần 97% dân số được tiêm phòng đầy đủ.
Trung Quốc đã bắt đầu tiêm chủng mở rộng Covid-19 cho toàn bộ người dân vào tháng 12/2020. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tính đến ngày 3/8/2021, hơn 1,7 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở nước này.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước bởi CDC Giang Tô, Đại học Phúc Đán và nhà sản xuất vaccine Sinovac Life Sciences, khoảng 6 tháng sau khi được tiêm liều vaccine thứ 2, kháng thể ở những người này giảm xuống dưới ngưỡng cho phép.
Dữ liệu toàn cầu cũng cho thấy, kháng thể ở những người đã được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và các loại vaccine khác đều giảm theo thời gian, khiến một số quốc gia đang lên kế hoạch tiêm các mũi vaccine nhắc lại.
Shao Yiming, một nhà nghiên cứu tại CDC Trung Quốc, cho biết nước này đang xem xét sử dụng các mũi tiêm thứ 3 để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại Covid-19. Vị chuyên gia này cũng khẳng định, Trung Quốc có "nguy cơ cực kỳ thấp" bùng phát một đợt dịch quy mô lớn.
Nghiên cứu của Đại học Phúc Đán cho thấy, mũi thứ ba vaccine do Sinovac sản xuất đã làm tăng đáng kể mức độ kháng thể, nhưng vẫn chưa rõ liệu một liều tăng cường có hiệu quả với các biến thể hay không.
Một số quốc gia khác như Israel, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, đã bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại sau khi gia tăng các ca nhiễm mới. Nhưng nhiều nước, bao gồm cả Mỹ, đã trì hoãn việc đưa ra quyết định về việc tiêm bổ sung do thiếu sự đồng thuận khoa học về việc liệu tiêm mũi thứ 3 có cần thiết để duy trì khả năng miễn dịch hay không.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng kế hoạch tiêm mũi thứ 3 để tránh nguy cơ bất bình đẳng về vaccine trên toàn thế giới.
Virus sẽ không biến mất, cần học cách chung sống
Ông Lu Mengji, một nhà virus học tại Đại học Duisburg-Essen, Đức, cho biết, một quốc gia có nên từ bỏ chiến lược “zero-case’ và mở cửa biên giới trong bối cảnh đại dịch hay không không chỉ phụ thuộc vào khả năng tiêm chủng mà còn phụ thuộc vào năng lực y tế của quốc gia đó.
Chuyên gia Lu nói: “Chống lại đại dịch là đẩy đường cong dịch bệnh xuống mức mà năng lực y tế có thể chịu đựng được”.
Khi dịch bùng phát ở Vũ Hán vào năm 2020, nơi vốn đã có nguồn nhân lực y tế tương đối cao, nhưng ngành y tế của thành phố đã trở nên quá tải và phải nhờ đến sự hỗ trợ từ cả nước. Trong làn sóng dịch mới nhất do biến thể Delta gây ra, các thành phố như Trương Gia Giới và Dương Châu với nguồn lực y tế yếu kém phải dựa vào viện trợ từ các tỉnh khác.
Ông Lu nhận định: Năng lực y tế của Trung Quốc và khoảng cách về nguồn lực y tế tại các địa phương dưới áp lực của đại dịch cần được đo lường chính xác hơn. Một số nguồn lực y tế nên được dành để chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh khác ngoài Covid-19, chẳng hạn như bệnh về máu và tim.
Việc thiếu giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) là mối quan tâm hàng đầu. Số giường ICU tại các bệnh viện đa khoa của Trung Quốc chiếm khoảng 3% tổng số giường, thấp hơn nhiều so với 15% ở Mỹ.
Trung Quốc chỉ có 3,6 giường ICU trên 100.000 dân. Theo một bài báo được xuất bản bởi Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia, tại Mỹ, con số này là 34,2 vào năm 2015. Và theo thông tin từ một tạp chí về y khoa, con số trên ở Đức là 29,2 vào năm 2012.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các giường ICU ở hầu hết các bệnh viện của Trung Quốc thường đã đầy hoặc thậm chí quá tải, gây khó khăn cho việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, hơn 10% nhân viên y tế chuyên làm việc tại các phòng ICU trên cả nước đã được điều động để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch của thành phố. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nguồn lực y tế công cộng của Trung Quốc.
Ngoài ra, thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là sự phân bổ nguồn lực y tế không đồng đều.
Ông Lu nói: Các thành phố lớn có thể điều trị tốt hơn cho bệnh nhân Covid-19, nhưng ở những vùng có nguồn lực y tế yếu, năng lực điều trị có thể không đủ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các bệnh viện dã chiến.
Chuyên gia này nhận định, được trang bị máy thở và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, các bệnh viện dã chiến như vậy có thể giảm thiểu áp lực của các ca bệnh mới đối với hệ thống y tế.
Ngày càng có nhiều niềm tin rằng Covid-19 có khả năng tồn tại lâu dài. Hầu hết các nhà virus học trên toàn thế giới đều đồng ý nó đã trở thành một loại virus thường trú và thế giới sẽ phải học cách chung sống. Do đó, theo ông Liu Guoen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Y tế Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh, cần phải lập một kế hoạch dài hạn để phân bổ hợp lý các nguồn lực y tế và sức khỏe.
Ông Liu nói: “Sự phức tạp chưa từng có của đại dịch Covid-19 là một lời cảnh tỉnh rằng mọi người nên tôn trọng tự nhiên hơn, nên bắt đầu phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh một cách lâu dài, khoa học, hợp lý và có hệ thống hơn”.