Trước cuộc họp 'nóng' về bất động sản: Bơm tiền vào đâu, phá băng chỗ nào?

'Bất động sản ách tắc ở đây gồm pháp lý và nguồn lực hỗ trợ về tài chính. Dòng chảy tài chính không thông được sẽ ảnh hưởng đến bất động sản. Pháp lý bị ảnh hưởng khiến dự án đầu tư không thể ra hàng. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tháo gỡ cả 2 mặt này' - ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - nói.

Sáng mai (14/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản. Thành phần tham dự là nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản và chuyên gia tham dự cuộc họp đã đưa ra kiến nghị, giải pháp để khơi thông thị trường trước giờ "G".

Cần khơi thông pháp lý và dòng vốn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho biết, đã nhận được lời mời tham dự cuộc họp của Thủ tướng về thị trường bất động sản vào ngày mai.

Ông Cường khẳng định: “Chúng ta không nên dùng từ giải cứu bất động sản. Bất động sản là cấu phần của nền kinh tế và khi một cấu phần bị ách tắc cần được khơi thông, đặc biệt là những khu vực có tính chất lan tỏa và ảnh hưởng mạnh”.

Thị trường bất động sản cần khơi thông vốn và pháp lý (Ảnh: Như Ý).

Thị trường bất động sản cần khơi thông vốn và pháp lý (Ảnh: Như Ý).

Theo ông Cường, đất nước đang cần phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng của thế giới. Những khu vực nào của nền kinh tế đang bị ách tắc và nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng nói chung cần tập trung vào tháo gỡ ngay, trong đó bất động sản đang là khu vực bị ách tắc, khó khăn. Khi bất động sản khó khăn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy liên quan hàng loạt các ngành kinh tế khác, kể cả lĩnh vực tài chính và dòng chảy tài chính. Vì vậy, ta cần khơi thông, khơi thông chung cho nền kinh tế chứ không chỉ riêng bất động sản.

“Bất động sản ách tắc ở đây gồm pháp lý và nguồn lực hỗ trợ về tài chính. Dòng chảy tài chính không thông được sẽ ảnh hưởng đến bất động sản. Pháp lý bị ảnh hưởng khiến dự án đầu tư không thể ra hàng. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tháo gỡ cả 2 mặt này”, ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng, hiện thị trường vốn bao gồm cả ngân hàng, trái phiếu với những gì thuộc về quy định cứng, có tính nguyên tắc. Nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, vĩ mô và toàn xã hội. Để gỡ tình hình hiện nay, phải linh hoạt từng tình huống, hoàn cảnh để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ưu tiên phát triển nhà xã hội, vốn cho nhà giá rẻ

Ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang - cũng xác nhận có tham dự trực tuyến cuộc họp ngày mai. Ông Nghĩa cho rằng, tỉnh Bắc Giang với nhiều khu công nghiệp trong đó có đối tượng công nhân nên đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Theo ông Nghĩa, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. “Chúng tôi kiến nghị cho phép tổ chức được mua nhà ở xã hội bên cạnh cá nhân. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp có thể mua nhà ở xã hội sau đó cho công nhân thuê”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng kiến nghị nên mở rộng điều kiện cho đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, bởi hiện nay công nhân tại Bắc Giang có người ở vùng núi trong tỉnh có đất ở quê nhưng khi xuống thành phố làm công nhân thì lại vướng quy định không đủ điều kiện xét được mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, thị trường bất động sản gặp khó khăn chung trên cả nước không riêng gì Bắc Giang. Theo đó, nguồn vốn cho bất động sản phải được khơi thông nhưng phải xem xét cụ thể từng dự án bởi nếu vay vốn “bừa bãi” sẽ khiến thị trường “ảo” và người dân khó cơ hội mua nhà.

“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho vay mới với những dự án dưới 20 triệu đồng/m2. Điều này giúp người dân có cơ hội mua nhà phù hợp với khả năng tài chính của gia đình”, ông Nghĩa nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trên thị trường bất động sản xin được giấu tên cho biết: “Bản thân doanh nghiệp tôi đến thời điểm này không còn dư nợ tín dụng vay ngân hàng nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đóng băng hiện nay”.

Vị này cho biết, những khó khăn về thủ tục pháp lý đang làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cụ thể, với doanh nghiệp của ông vẫn chưa xong được thủ tục “giao đất” tại một dự án nhà ở xã hội trên đường vành đai 3 Hà Nội.

“Chúng tôi kiến nghị Hà Nội đẩy nhanh thủ tục để dự án đủ điều kiện ra hàng, bởi nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn rất thiếu. Nhìn lại thị trường bất động sản 10 năm trước cũng khủng hoảng, chỉ có nhà ở xã hội mới khôi phục được thị trường” vị này nói.

Nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, vị này cho rằng, thị trường đã bị đẩy giá lên quá cao. “Dù khó khăn nhưng hiện nay ít chủ đầu tư giảm giá bởi khi giá lên cao rồi giảm rất khó, Chủ đầu tư cũng không giải quyết được với những trường hợp mua trước đó”, vị này cho hay.

Theo vị này, Nhà nước cần vào cuộc ngay bởi thị trường bất động sản không thông được pháp lý và vốn sẽ khó khăn kéo dài đến hết năm 2024, sau đó sẽ không ai biết được tình hình sẽ ra sao.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truoc-cuoc-hop-nong-ve-bat-dong-san-bom-tien-vao-dau-pha-bang-cho-nao-post1509630.tpo