Trước diễn biến khó lường của La Nina: Hành động sớm, giảm rủi ro

Gần đây, liên tiếp nhiều đợt mưa lớn xảy ra ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Ngay trong tuần qua, do chịu ảnh hưởng của cơn bão Prapiroon, nhiều tỉnh, thành phố đã chịu thiệt hại về người và tài sản, nhiều nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá... Dự báo từ nay đến cuối năm thiên tai sẽ còn nghiêm trọng và cực đoan hơn khi chịu tác động của hiện tượng La Nina.

Trận lũ quét tràn qua bản Mường Pồn 1 (Điện Biên).

Trận lũ quét tràn qua bản Mường Pồn 1 (Điện Biên).

Vì vậy, cảnh báo sớm, hành động sớm sẽ là điều vô cùng quan trọng để giảm nhẹ rủi ro. Người dân cũng như các địa phương cần sớm có sự chuẩn bị sẵn sàng để phòng tránh, ứng phó với mùa mưa - bão - lũ cực đoan.

Hậu quả không thể lường trước

Bước vào thời điểm mưa bão trong năm, từ đầu tháng 6 đến nay, liên tiếp nhiều đợt mưa lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đầu tuần qua, cơn bão số 2 (Prapiroon) mạnh cấp 8 đổ bộ tỉnh Quảng Ninh vào sáng ngày 23/7 gây mưa diện rộng ở miền Bắc. Trung du và miền núi Tây Bắc liên tiếp có mưa kéo dài trong 3 ngày, lượng mưa phổ biến 100 mm, nhiều nơi 200-300 mm.

Mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều địa phương xảy ra tình trạng ngập lụt, nước lũ xối xả gây ảnh hưởng tới giao thông và an toàn của người dân.

Tại tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trong đêm ngày 24/7 đến rạng sáng 25/7 trên địa bàn xã Mường Pồn xảy ra mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn. Theo thông tin ban đầu đã có 2 người thiệt mạng, 5 người mất tích, 4 người bị thương; nhiều ngôi nhà bị đổ sập và khoảng 100 ngôi nhà khác bị hư hỏng gần 50ha đất lúa bị vùi lấp, ngập úng.

Tại Sơn La, mưa lớn trong nhiều giờ đã gây thiệt hại lớn. Tính đến ngày 24/7, mưa lũ đã làm 5 người tử vong, 4 người mất tích và 1 người bị thương do sạt lở đất vùi lấp. Số nhà dân bị thiệt hại là 389 căn, trong đó 28 nhà phải di dời khẩn cấp, nhiều nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 6 điểm trường trung học và trường mầm non bị nước ngập. Mưa lũ cũng gây ra 126 điểm sạt lở tại nhiều tuyến đường như: QL6, QL279D, tỉnh lộ 408… làm gần 35.000 khối đất đá trôi xuống mặt đường gây ách tắc giao thông.

Thủ đô Hà Nội, dù không nằm trên đường đi của bão nhưng cũng đón mưa rất to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Cơn mưa dai dẳng kéo dài từ ngày 23/7 đến rạng sáng ngày 24/7 đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Tại quận Cầu Giấy, các tuyến đường Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ ngập sâu 40-50 cm. Ở quận Thanh Xuân, phố Triều Khúc ngập sâu khoảng 15 cm. Còn tại quận Hà Đông, khu vực Phùng Hưng (Yên Xá) ngập 20-25 cm... Trong ngày 23/7, 1 người đàn ông bị nước cuốn tử vong tại ngầm tràn Vai Trại, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.

Những cơn bão không chỉ gây ra những đợt mưa lớn, lũ quét mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất, nhất là ở các tỉnh miền núi. Như tại Hà Giang, sau thời gian mưa dài ngày đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở trên quốc lộ 34, tỉnh lộ 178 và các đường liên xã, nhiều nơi phương tiện không thể qua lại. Sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ nên khó tránh khỏi việc bị động.

Câu chuyện đáng tiếc nhất gần đây là tai nạn của xe khách 16 chỗ bị đất đá từ trên đồi sạt xuống vùi lấp khiến 11 người tử vong khi lưu thông vào đêm ngày 14/7 trên tuyến Hà Giang đi Bảo Lâm của hợp tác xã vận tải Ngọc Hạnh.

Theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12. Nhưng mùa mưa bão năm 2024 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định là diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của La Nina.

Phân tích về La Nina, ông Nguyễn Duy Chinh - Viện phó Viện Khí tượng thủy văn, chỉ ra rằng: La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm Thái Bình Dương và khi đó, mưa sẽ nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa và lũ nhiều hơn bình thường. Theo ông Chinh, La Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão, nhưng vấn đề này phải có nghiên cứu cụ thể mới có thể kết luận một cách chính xác.

Người dân tại làng Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sơ tán do nước lũ ảnh hưởng từ hoàn lưu bão Prapiroon. Ảnh: Gia Chính.

Người dân tại làng Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sơ tán do nước lũ ảnh hưởng từ hoàn lưu bão Prapiroon. Ảnh: Gia Chính.

Tăng cường thích ứng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo khoảng tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm khi thời gian này thường có 6-7 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 3 cơn vào đất liền nước ta.

ENSO là một hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu trên toàn cầu. ENSO bao gồm hai pha trái ngược nhau là El Nino và La Nina, sự chuyển đổi giữa hai pha này xảy ra định kỳ từ 2 - 7 năm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ENSO đang có những biểu hiện dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện, gây ra ảnh hưởng đến lượng mưa, hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ.
Trong đó, El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Còn La Nina (ngược với El Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Chu kỳ của La Nina thường kéo dài và gây ra hình thái thời tiết đối lập với El Nino.

Ngoài ra, khoảng tháng 7-8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30%. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này. Lượng mưa cao sẽ làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cục bộ, ngập úng đô thị.

Đưa ra các cảnh báo có thể xảy ra do hiện tượng La Nina, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chỉ ra rằng, hiện trạng thái ENSO (bao gồm hiện tượng EL Nino và La Nina) đang ở giai đoạn trung tính. Từ cuối tháng 7 đến tháng 9, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Từ tháng 10 đến tháng 12, La Nina xuất hiện với xác suất khoảng 70-90%. Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

"Từ nay đến cuối năm xuất hiện 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện sẽ diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó cho công tác phòng, chống bão", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.

Nhìn nhận về vấn đề này, Th.S Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn khuyến cáo: Những cơn bão hình thành trên Biển Đông thường nguy hiểm hơn do chúng ta ít có thời gian chuẩn bị. Chính vì vậy việc cảnh báo sớm là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Năm nay, do có sự xuất hiện của La Nina nên mùa mưa bão có thể kéo dài đến các tháng cuối năm. Trong lịch sử, những cơn bão gây ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam cũng thường xảy ra vào giai đoạn cuối năm và đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ. Khu vực này cũng ít có kinh nghiệm ứng phó bão nên cần đặc biệt chú ý.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; các Quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên phạm vi cả nước; các quy trình, quy định, quyết định phân cấp do Tổng cục Khí tượng thủy văn ban hành.

Trước những diễn biến khó lường của La Nina trong giai đoạn chuyển giao và trong thời gian tới là những ảnh hưởng trực tiếp từ hình thái thời tiết này, càng đòi hỏi sự chủ động của các địa phương trong việc chủ động nắm bắt thông tin, ứng phó tình huống cấp bách theo phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ đầu.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: Rút bài học kinh nghiệm sau mỗi thiên tai

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện.

Đối với góc độ người làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương thì thiệt hại giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất lớn sẽ suất hiện nhiều hơn có thể gây ra tình trạng ngập úng đô thị, các khu công nghiệp, vùng núi có khả năng xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát các điểm nghẽn trên các sông, suối để cảnh báo kịp thời cho người dân và hệ thống thoát nước đô thị nhằm giảm tác động khi xảy ra thiên tai.

Ông Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Giai đoạn cao điểm của La Nina là từ tháng 10 đến tháng 12, sẽ có lượng mưa trung bình chung cao hơn so với các năm trước.

Cụ thể là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sẽ là những nơi mưa rất lớn trong năm nay. Khi nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực biển Đông và đất liền của Việt Nam.

Ở góc nhìn của tôi, điều cấp bách nhất là mỗi người và mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Người ta vẫn thường nói “nước nổi thì bèo nổi”, người Việt Nam thấy nước lên thì kê cao đồ đạc, be bờ.

Nhưng đó là những thích ứng tự phát mang tính “nước đến chân mới nhảy”. Hầu hết những thích ứng tự phát của người Việt sẽ không có hiệu quả lâu dài. Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy vai trò của chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau trong việc thích ứng rất quan trọng, cần phải định hướng quá trình đó chứ không nên để người dân thích ứng tự phát.

Nhà nước cần có vai trò định hướng chính sách và hoạch định con đường nhưng thực hiện phải là toàn dân, từng người một. Vì thế, phải thay đổi cả nhận thức và hành động của người dân - đó mới là điều cốt lõi để tạo ra những thành quả cụ thể.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/truoc-dien-bien-kho-luong-cua-la-nina-hanh-dong-som-giam-rui-ro-10286672.html