Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

Theo đánh giá, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Bão và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; gây mưa lớn cho Bắc Bộ và thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản; mất điện diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Tính đến sáng 8/9 đã có trên 3.270 nhà ở bị hư hỏng; trên 400 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; trên 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại….

Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cho biết: Với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống cơn bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã thành lập 6 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó với bão số 3 tại các địa phương và trọng điểm phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo các địa phương chủ động di dời người dân tại khu vực có nguy cơ cao về thiên tai đến nơi an toàn. Đến sáng 8/9, tại huyện Đà Bắc đã xảy ra vụ sạt lở đất vào nhà 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương. Đây là hộ không thuộc trong điểm sạt lở phải di dời, nhà ở kiên cố và cách taluy gần 30 m. Tuy nhiên, do trước đó trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa lớn, kéo dài, đất ngậm nước nên đã bị sạt lở. Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương khẩn trương có mặt và kịp thời thực hiện các biện pháp cứu hộ.

Trong 2 ngày diễn ra mưa bão, toàn tỉnh Hòa Bình có 1.228 hộ phải sơ tán; 146 hộ nhà bị ảnh hưởng và 1.488,9 ha hoa màu bị thiệt hại. Tỉnh đã chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động đông người, dọn dẹp cơ sở giáo dục, khắc phục các tuyến đường giao thông, hạ tầng lưới điện. Đồng thời, tập trung chỉ đạo ứng phó hoàn lưu bão, đặc biệt là xử lý các điểm sạt lở. Tiếp tục cho lưu trú các hộ dân đã di dời khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa trong thời điểm bão lũ và hoàn lưu bão. Khắc phục sự cố điện, viễn thông nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tập trung phòng, chống hoàn lưu bão, sạt lở, sụt lún đối với các tỉnh vùng núi, vùng cao. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ứng trực kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả sau bão. Công tác dự báo, truyền thông phải tiếp tục duy trì cho đến khi kết thúc cơn bão, trong đó tập trung hướng dẫn kỹ năng, cách phòng chống, cách khắc phục thiên tai, mưa lũ. Chính quyền địa phương dự trữ phương tiện, vật tư để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi người dân, doanh nghiệp, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, địa phương bị thiệt hại trên tinh thần tương thân tương ái.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải bám sát, chỉ đạo quyết liệt và cương quyết, dứt điểm công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và phải chủ động công tác phòng, chống thiên tai, huy động ngay lực lượng tại chỗ phòng, chống thiên tai, diễn tập thường xuyên các tình huống để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra…

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/193150/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-chi-dao-cap-bach-khac-phuc-hau-qua-con-bao-so-3.htm