Trước giờ G bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump muốn phá rào cản quân sự với đồng minh châu Á
Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tại Seoul vào tuần tới về việc chia sẻ chi phí du trì sự hiện diện quân đội Mỹ tại nước này.
Hãng tin Yonhap dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết hôm thứ Sáu.
Seoul và Washington có thể sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về việc trú đóng của Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc (USFK), khoảng 28.500 người vào thứ ba và thứ tư tuần tới, nguồn tin trên nói với hãng thông tấn Yonhap với điều kiện giấu tên.
Nhà ngoại giao James DeHart của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này, nguồn tin này cho hay.
Hàn Quốc vẫn đang tiến hành các thủ tục nội bộ để chọn nhà đàm phán trưởng cho các cuộc đàm phán sắp tới, các quan chức Seoul cho biết. Nhưng Jeong Eun-bo, một cựu quan chức cấp cao của bộ tài chính, đã được đề cập là ứng cử viên có khả năng nhất.
Tháng 2 năm nay Mỹ và Hàn Quốc đã kí Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về chia sẻ chi phí quốc phòng. Thỏa thuận này chỉ có hiệu lực cho tới cuối năm nay.
Các cuộc đàm phán về SMA mới được dự báo sẽ là một trận chiến khó khăn, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như đang gây áp lực lên đồng minh châu Á quan trọng của mình nhằm tăng cường đóng góp tài chính cho USFK, đặc biệt là trước chiến dịch tái tranh cử toàn diện của ông.
Hai đồng minh này cũng có thể phải đối mặt với một loạt các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm số tiền thanh toán của Seoul, thời hạn của thỏa thuận SMA mới và các vấn đề cụ thể khác mà thỏa thuận chia sẻ chi phí này chi trả.
Theo bản thỏa thuận SMA lần thứ 10 cho năm nay, Seoul đã đồng ý trả 1,04 nghìn tỷ won (873 triệu USD), tăng 8,2% so với năm trước.
Từ năm 1991, Seoul đã chi trả một phần chi phí theo SMA - cho những người dân thường Hàn Quốc được USFK thuê, cho hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của đồng minh và một số hình thức hỗ trợ khác.