Trước khi bị bắt, nguyên Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam đã 'ủ mưu' gì?

Ông Phạm Văn Tam nổi tiếng với thương hiệu tivi Asanzo. Sau khi thương hiệu vướng cáo buộc nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trốn thuế… ông Tam bất ngờ rẽ hướng sang đầu tư tài chính, gắn tên mình với thương hiệu Winsan.

Ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật, Tổng giám đốc công ty Asanzo về tội trốn thuế.

Trước đó, hai bị can này bị cơ quan điều tra khởi tố nhưng cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo cơ quan điều tra, trong thời gian làm giám đốc, ông Tình đã làm theo chỉ đạo của ông Tam, ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.

Sau đó Asanzo mang linh kiện về lắp ráp thành thành phẩm máy điều hòa nhiệt độ, đem bán mặt hàng này, nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, Asanzo còn mua linh kiện điều hòa về thuê doanh nghiệp khác gia công một phần, phần còn lại tự lắp ráp thành phẩm mặt hàng điều hòa nhiệt độ, có dán tem và bao bì in nhãn hiệu Asanzo.

Sau đó, công ty này xuất bán hàng thành phẩm mặt hàng cho Công ty điện lạnh Asanzo vào tháng 4/2019 (10.990 bộ) và tháng 6/2019 (15.518 bộ), nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng và để ngoài sổ sách kế toán (linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ), không khai thuế tiêu thụ đặc biệt.

Kết luận giám định của cơ quan thuế xác định, từ năm 2017 đến quý II/2019, Công ty Asanzo có hành vi trốn thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là gần 4,2 tỷ đồng và thuế tiêu thụ đặc biệt là 11,5 tỷ đồng).

Từ doanh nhân khởi nghiệp đầy tham vọng

Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Trước khi bị khởi tố, ông Tam được biết tới là một doanh nhân trẻ đầy tham vọng, với danh xưng "ông vua hàng điện máy giá rẻ".

Ông Phạm Văn Tam mới đây công bố đã thoái vốn khỏi CTCP Tập đoàn Asanzo và hoàn toàn chuyển giao cho lãnh đạo mới từ 2017.

Ông Phạm Văn Tam mới đây công bố đã thoái vốn khỏi CTCP Tập đoàn Asanzo và hoàn toàn chuyển giao cho lãnh đạo mới từ 2017.

Năm 2013, ông Phạm Văn Tam thành lập CTCP Tập đoàn Asanzo với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông góp 90 tỷ đồng. Thời gian sau đó, Asanzo đã trở thành một trong những thương hiệu điện máy lớn nhất Việt Nam, hiện diện tại hơn 200 điểm bán.

Nhắm đến phân khúc khách hàng ở nông thôn với sản phẩm tivi phân khúc tầm trung, chỉ sau một năm thành lập, hơn 100.000 chiếc tivi mang thương hiệu Asanzo đã được bán ra. Đến năm 2015, con số này đã tăng gấp ba. Năm 2016, lượng tivi bán ra của Asanzo đạt 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng.

Đỉnh điểm năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm điện máy các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng. Với hơn 70 dòng sản phẩm, Asanzo lọt vào top 3 thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.

Cùng với thương hiệu, tên tuổi doanh nhân Phạm Văn Tam cũng không ngừng đi lên. Ông Tam được mời ngồi ghế nóng chương trình truyền hình với vai trò nhà đầu tư (Shark - cá mập) trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Tuy nhiên, đến năm 2019, Asanzo bị cáo buộc nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, trốn thuế, sử dụng các chiêu trò marketing gây tranh cãi. Vụ việc khiến Asanzo lao đao, buộc phải thu hẹp hoạt động và tổ chức hàng loạt các buổi họp báo nhằm cứu vớt tên tuổi thương hiệu.

Đến lấn sân mảng tài chính

Tháng 9/2020, ông Phạm Văn Tam thành lập CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan, giữ chức vụ Chủ tịch. Winsan được thành lập với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó ông Tam góp 95% vốn, là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc.

Theo giới thiệu, doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện máy, gia dụng; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển; cung cấp các giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp.

Trong bài phỏng vấn gần nhất với báo chí vào tháng 6/2024, ông Phạm Văn Tam cho biết đã rút vốn, rút khỏi ban điều hành CTCP Tập đoàn Asanzo từ 2017.

Chia sẻ về Winsan, ông Tam cho biết mong muốn xây dựng một tập đoàn đầu tư tài chính, hỗ trợ các startup và doanh nghiệp nhỏ. Đây là sứ mệnh và tầm nhìn mới mà ông đã vạch ra cho bản thân mình kể từ COVID-19.

“Thời điểm đó, tôi nhìn lại hành trình tôi khởi nghiệp, phát triển Asanzo, tôi nhận ra rằng nếu không may mắn, Asanzo cũng đã rất nhiều lần đứng trước khó khăn đến mức tưởng chừng như phải dừng lại. Đó là lý do vì sao tôi xây dựng nên Winsan”

Theo ông Tam giới thiệu, Winsan hỗ trợ các startup không chỉ bằng vốn đầu tư mà còn bằng kinh nghiệm và mạng lưới rộng lớn của mình.

Công ty đầu tư vào các công ty có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, tập trung vào các dự án cung cấp vốn xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ áp dụng công nghệ sạch và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

“Đây là điều tôi đã từng hành động với thương hiệu Ba Con Bò và hoạt động hỗ trợ nông dân có kế sinh nhai từ nuôi bò. Khi nông dân giàu lên, họ sẽ là người tiêu dùng cho các sản phẩm khác thuộc hệ sinh thái Winsan…

Tôi hy vọng rằng Winsan không chỉ là một cái tên trong ngành tài chính mà còn trở thành một biểu tượng của sự đổi mới và phát triển bền vững. Chúng tôi muốn góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng và rộng hơn là môi trường sống của chúng ta”, ông Tam cho biết.

Trước đó, đầu năm 2021, tại sự kiện ra mắt thương hiệu “3 Con Bò” của T&T 159, ông Tam được giới thiệu là Chủ tịch thương hiệu phân bón hữu cơ “3 Con Bò”, Chủ tịch HĐQT của CTCP Phân bón T&T 159 Miền Nam.

Doanh nghiệp được thành lập với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan (Winsan Group) sở hữu 40% vốn. Ông Tam tuyên bố cùng các nhà đầu tư vừa rót 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con.

Lượng thịt bò từ 5 trang trại này dự kiến phân phối ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày. Lượng chất thải từ bò hơn 400 tấn mỗi ngày sẽ được doanh nghiệp xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Tam tuyên bố trên truyền thông về khoản đầu tư này, phía T&T 159 đã phản bác, cho biết chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào của ông.

Lãnh đạo T&T 159 thời điểm đó khẳng định thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót nghìn tỷ vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An là không chính xác mà chỉ là phân phối độc quyền phân bón 3 Con Bò vào thị trường miền Nam do T&T 159 sản xuất.

Từ đó đến nay không có thông tin về khoản đầu tư mới nào của Winsan. Trên website chính thức của doanh nghiệp, mục “Đầu tư” cũng chưa có khoản đầu tư nào được công bố.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/truoc-khi-bi-bat-nguyen-chu-tich-asanzo-pham-van-tam-da-u-muu-gi-1100583.html