Trước khi hướng đến CLC, trường công phải đảm bảo công bằng trong tiếp cận GD

Trước khi tính đến xây dựng trường chất lượng cao, các trường công phải ưu tiên tính công bằng, tính bình đẳng trong quyền tiếp cận GD, đảm bảo đủ chỗ học cho HS.

Sĩ số lớp đông gây nhiều ảnh hưởng, phụ huynh bức xúc vì bất bình đẳng giữa các trường công

Vừa qua, hàng trăm phụ huynh đã đến Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), yêu cầu nhà trường công khai vấn đề tuyển sinh. Trong số đó, nhiều người bức xúc vì ở ngay sát trường, có hộ khẩu, nhưng con không được nhận, không biết thông tin tuyển sinh.

Được biết, một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh trăn trở mong cho con được chuyển về Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, chính là vì tại trường tiểu học mà các con đang học hiện đang quá tải, có trường sĩ số lên đến hơn 50 học sinh/lớp.

 Phụ huynh bức xúc về vấn đề quá tải sĩ số ở trường các con đang theo học, mà không xin chuyển về Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, vì trường này dự kiến sĩ số 36 học sinh/lớp. Ảnh: Thái Vân.

Phụ huynh bức xúc về vấn đề quá tải sĩ số ở trường các con đang theo học, mà không xin chuyển về Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, vì trường này dự kiến sĩ số 36 học sinh/lớp. Ảnh: Thái Vân.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị V.A. - một phụ huynh trên địa bàn phường Tây Mỗ chia sẻ: “Trong buổi trao đổi ngày 23/8 vừa qua, lãnh đạo quận đã thông tin về việc định hướng Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 theo mô hình chất lượng cao với sĩ số lớp 36 học sinh/lớp. Với tình hình như thế, phụ huynh chúng tôi hiểu rằng, sẽ khó có thể tiếp nhận hơn 500 học sinh trên địa bàn phường chuyển về Trường Tiểu học Tây Mỗ 3”.

Anh Vũ Quốc Thành - một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lý Nam Đế cũng bày tỏ: “Chúng tôi nhận được thông tin trong đề án xây Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 để giảm tải cho Trường Tiểu học Tây Mỗ và Trường Tiểu học Lý Nam Đế.

Đều là trường công lập trên cùng một địa bàn, tại sao Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 “chốt” danh sách với sĩ số 36 học sinh/lớp, còn chúng tôi phải chấp nhận cho con học ở lớp đến 50 học sinh/lớp”.

 Không gian lớp học chật chội, học sinh phải kê bàn lên sát bục giảng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Không gian lớp học chật chội, học sinh phải kê bàn lên sát bục giảng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Anh Vũ Quốc Thành cũng chia sẻ thêm về khó khăn khi con theo học với sĩ số lớp gần 50 học sinh: “Phụ huynh chúng tôi hiểu được, vì quá tải nên chấp nhận để con học lớp đông như thế. Chúng tôi cứ đinh ninh đến khi Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 xây xong, con sẽ được chuyển về, nên vẫn cố gắng để con đi học cách nhà 4-5km... Có những phụ huynh còn cho con học ở xa hơn, tận Thanh Xuân, Mỹ Đình, đường đi rất nguy hiểm, nhiều xe container, phải qua cầu vượt, qua đường tàu, thường xuyên gặp cảnh tắc đường, ngập úng khi trời mưa... Các con phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị đi học mỗi sáng.

Có lần, con trai tôi tâm sự, vì lớp con có đông bạn, nhiều lúc bị ồn, khiến con nghe không rõ cô giảng, mất tập trung nên học và viết bài chậm. Giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể luân phiên chia chỗ ngồi trong lớp, mỗi tuần lại xếp một bàn ngồi lên trên, tuần khác lại chuyển bạn đó xuống dưới ngồi”.

Cũng trăn trở về vấn đề sĩ số lớp gây nên những khó khăn, một phụ huynh năm học 2023-2024 có con học lớp 2 Trường Tiểu học Lý Nam Đế cho biết: “Tôi và nhiều phụ huynh mong muốn các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương tạo điều kiện khắc phục môi trường học tập cho các con.

Sĩ số lớp con tôi năm học 2023-2024 vừa qua là 50 học sinh. Các con phải ngồi trong không gian chật hẹp, bàn trên cùng thì kê sát bục giảng, bàn dưới kê sát tường, thêm cả những bàn được kê tận dụng từng khoảng trống sát tường.

Mặc dù các cô giáo cũng cho học sinh đổi chỗ ngồi liên tục, nhưng vẫn khó tránh khỏi sự mất tâm trung. Cũng có trẻ vì thế mà bị ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Bên cạnh đó, phòng học cũng là không gian nghỉ trưa, các con sẽ nằm ngủ trưa trên chính những chiếc bàn học, có nhiều trẻ ngồi kẹp giữa khoảng trống sát tường, vậy không biết sẽ nằm ngủ như thế nào... Tôi và các phụ huynh khác rất thương con, nhưng cũng đành phải chấp nhận”.

 Quá tải sĩ số khiến lớp học phải tận dụng khoảng trống sát tường để kê thêm bàn ghế cho học sinh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Quá tải sĩ số khiến lớp học phải tận dụng khoảng trống sát tường để kê thêm bàn ghế cho học sinh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Chị Hạnh - một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lý Nam Đế cũng chia sẻ: “Lớp con tôi có 51 học sinh. Mỗi lần đến lớp, tôi thấy các con phải kê bàn kín lối đi. Do sĩ số đông nên các con phải ngồi từ gần bục giảng đến tận cuối lớp, khi di chuyển ra vào chỗ ngồi, phải lách qua nhau để đi. Tôi thắc mắc, nếu cô giáo muốn đến tận chỗ để kiểm tra con học tập thì sẽ thế nào?

Chưa kể, với một lớp học quá đông học sinh, giáo viên cũng khó nắm bắt được hết tình hình học tập của các con để trao đổi với phụ huynh. Có lẽ, khó khăn này sẽ làm mất thời gian và công sức của cả cô và trò”.

Trường công cần ưu tiên giáo dục đại trà

Trong Công văn số 3898/BGDĐT-GDTH ngày 30/7/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, yêu cầu các trường tiểu học đảm bảo sĩ số 35 em/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Không thể để tình trạng một trường 50-60 học sinh, một trường lại chỉ có 35-36 học sinh, ngay trên cùng một địa bàn tuyển sinh. Ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương cần phải xem xét, điều chỉnh lại, không thể để sự chênh lệch như vậy. Ít nhất, phải có sự san sẻ, giảm tải cho các trường lân cận, chí ít cũng nên là một trường sĩ số 45 học sinh/lớp và một trường là 40 học sinh/lớp chẳng hạn.

Như thế mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và vẫn đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cần tính toán, cân nhắc.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho các nhà trường, để “rút ngắn” khoảng cách về điều kiện giữa các trường, đảm bảo công bằng, bình đẳng cho người học.

Mặt khác, tăng cường huy động xã hội hóa giáo dục, giảm chi phí giáo dục tư thục để góp phần giảm tải áp lực trường công...”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net.vn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net.vn.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chuyên gia Giáo dục học, giáo dục tiểu học vừa phải đáp ứng nhu cầu “mũi nhọn”, vừa đáp ứng nhu cầu đại trà. Tức là, không thể tập trung cho giáo dục chất lượng cao mà “bỏ quên” chất lượng giáo dục đại trà.

“Đây là “bài toán” giữa số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc đặt mục tiêu phổ cập bậc học, phải đảm bảo cơ sở vật chất cho bậc học đó. Trong điều kiện không thể bảo đảm được điều kiện cơ sở vật chất, rõ ràng chưa thực hiện được mục tiêu về phổ cập giáo dục” - Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng nêu quan điểm: “Nói về giáo dục chất lượng cao, cũng có rất nhiều tích cực mà địa phương nào cũng muốn hướng đến. Tuy nhiên, đối với bậc tiểu học, theo tôi, phải ưu tiên tính công bằng, tính bình đẳng trong quyền tiếp cận giáo dục.

Ngành giáo dục và chính quyền địa phương có trách nhiệm điều phối lại để sĩ số lớp giữa các trường cùng địa bàn hợp lý hơn. Đồng thời, phải có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét và đáp ứng các nguyện vọng cần thiết của người học và phụ huynh. Ngay cả khi muốn xây dựng trường chất lượng cao, thì cũng phải cân đối, không thể có sự bất bình đẳng giữa một trường sĩ số 50-60 học sinh/lớp với một trường sĩ số chỉ hơn 30 học sinh/lớp”.

 Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu Quốc hội cũng đề cập: “Để giải quyết “bài toán” quá tải sĩ số, trước hết, các thành phố lớn cần phải quy hoạch lại mạng lưới trường công lập trên địa bàn. Căn cứ theo thực tiễn số liệu dân cư để quy hoạch mạng lưới với tinh thần mỗi đứa trẻ đều phải được đến trường, nhất là đối với giáo dục tiểu học.

Thay vì tập trung xây dựng nhiều trường công chất lượng cao, chúng ta cần quan tâm, tạo cơ chế, đẩy mạnh thu hút giáo dục tư thục, nâng cao chất lượng, để đáp ứng những môi trường học tập được đầu tư bài bản, hiện đại...

Còn đối với các trường công lập, trước tiên phải phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số các gia đình, đáp ứng cho mọi đứa trẻ, nhất là trẻ đặc biệt khó khăn, sinh ra trong gia đình lao động vất vả..., phải đảm bảo chỗ học để các em có cơ hội để hội nhập, hòa nhập với sự phát triển của đất nước”.

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truoc-khi-huong-den-clc-truong-cong-phai-dam-bao-cong-bang-trong-tiep-can-gd-post245141.gd