Trước khi nổi tiếng, các nhà văn từng làm gì?

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới, Charles Dickens, Colleen McCullough hay Margaret Mitchell từng làm nhiều công việc khác nhau để nuôi dưỡng ước mơ văn chương của mình.

Agatha Christie - trợ lý bào chế thuốc: Năm 1917, sau 2 năm làm việc không công cho Đội cứu trợ tình nguyện, Christie đủ tiêu chuẩn trở thành trợ lý của một hiệu thuốc. Có lẽ kiến thức về dược phẩm của bà đã giúp ích cho những vụ án giết người bằng thuốc độc trong các cuốn sách của mình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà, Vụ án bí ẩn ở Styles, được xuất bản ở Mỹ vào năm 1920 và ở Anh vào năm 1921. Ảnh: Novelsuspects.

Charles Dickens - công nhân nhà máy: Năm 12 tuổi, Charles Dickens đã làm việc trong một nhà máy rượu với công việc dán nhãn lên các chai rượu. Sau đó, trước khi trở thành nhà văn, ông còn từng làm nhà báo tự do và thư ký pháp lý tại một văn phòng luật ở London. Công việc này sau đó truyền cảm hứng cho vụ án không thể giải quyết được trong cuốn Bleak House (tạm dịch là Ngôi nhà ảm đạm). Ảnh: CNN.

Margaret Mitchell - phóng viên: Margaret Mitchell sinh ra trong một gia đình trí thức tại Atlanta. Cha bà là chủ tịch Hội sử học Atlanta. Năm 1922, bà kết hôn với Berrien Kinnard Upshaw và làm phóng viên cho tờ Atlanta Journal với bút danh Peggy Mitchell. Từ năm 1922 tới 1926, Mitchell viết tiểu sử về một số vị tướng quan trọng của Georgia trong cuộc nội chiến. Một số học giả cho rằng việc nghiên cứu tiểu sử về những người này đã thúc đẩy bà viết nên quyển Cuốn theo chiều gió. Ảnh: New York Post.

Colleen McCullough - nhân viên y tế: Trước khi nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough chỉ là nhân viên y tế bình thường. Bà sinh ở bang New South Wales (Australia) trong gia đình công nhân xây dựng. Từ khi còn nhỏ, Colleen luôn mơ ước trở thành bác sĩ nhưng không có điều kiện để theo học trường y. Bà đã thử làm một số nghề như thư viện, làm báo, công tác thư viện, dạy dỗ để tìm kiếm cơ hội trở lại nghề y. Sự nghiệp sáng tác của Colleen McCullough bắt đầu với tiểu thuyết Tim, tiếp theo là Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Ảnh: Britannica.

Harper Lee - nhân viên bán vé máy bay: Sau khi bỏ bằng luật tại Đại học Alabama, Harper Lee, 23 tuổi, chuyển đến New York vào năm 1949 với hy vọng theo đuổi sự nghiệp nhà văn. Để kiếm sống, bà làm nhân viên bán vé cho Eastern Airlines và BOAC (tiền thân của British Airways), viết nhiều bài báo và truyện ngắn trong thời gian rảnh rỗi. Năm 1956, nhà soạn nhạc và viết lời nhạc Broadway Michael Brown, người mà Lee đã gặp qua người bạn thời thơ ấu, đã tặng cô một năm lương làm quà Giáng sinh và lời động viên có thể làm bất cứ thứ gì bà muốn. Một năm sau, bà cho ra đời bản thảo đầu tiên của Giết con chim nhại. Ảnh: Parade.

John Steinbeck - sản xuất ma-nơ-canh: Khi John Steinbeck đang làm hướng dẫn viên du lịch và người trông coi tại một trại sản xuất giống cá ở Lake Tahoe, ông gặp người vợ đầu tiên của mình, Carol Henning, vào năm 1928. Hai người sớm kết hôn và bắt đầu kinh doanh sản xuất ma-nơ-canh bằng thạch cao. Khi công việc kinh doanh thất bại, cha mẹ của Steinbeck đã hỗ trợ tài chính cho ông hết mức có thể trong khi ông cố gắng trở thành một nhà văn. Of Mice And Men, cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông, được xuất bản năm 1937. Ảnh: Timelife.

Stephen King - bảo vệ ở trường học: Là tác giả nổi tiếng của hơn 50 cuốn tiểu thuyết, nhưng Stephen King không phải lúc nào cũng là một nhà văn toàn thời gian. Khoảng thời gian ông làm bảo vệ của trường trung học đã giúp truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Carrie. Ban đầu King đã ném bản thảo đầu tiên của câu chuyện vào thùng rác, nhưng vợ ông đã nhặt lại và khuyên ông hãy tiếp tục viết vì bà muốn biết nó sẽ kết thúc như thế nào. Ảnh: Washingtonpost.

Ernest Hemingway - nhà báo: Sau khi học trung học, Ernest Hemingway không muốn tiếp tục lên đại học. Thay vào đó, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình với tư cách là phóng viên cho tờ The Kansat City Star. Mặc dù chỉ làm việc cho tờ báo này 6 tháng, ông đã tạo được phong cách viết cho riêng mình. Đó là sử dụng những câu văn ngắn, đoạn mở đầu ngắn, sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn... Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được yêu thích như Giã từ vũ khí, Ông già và Biển cả, Chuông nguyện hồn ai. Ảnh:

Nationalarchives.

Ngọc Hân

Nguồn Znews: https://znews.vn/truoc-khi-noi-tieng-cac-nha-van-tung-lam-gi-post1495745.html