Trước khi tới Mỹ, nhà lãnh đạo Đài Loan cảnh báo mối đe dọa 'từ bên ngoài'
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn trước khi rời Đài Loan để lên máy bay tới Mỹ, hôm 11.7, đã cảnh báo rằng hòn đảo này đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ 'lực lượng hải ngoại', tuyên bố được cho là ám chỉ Trung Quốc.
Phát biểu tại sân bay quốc tế Đài Bắc trước khi lên đường, bà Thái cho biết bà sẽ chia sẻ các giá trị tự do và minh bạch với các đồng minh của Đài Loan, đồng thời mong muốn tìm thêm không gian quốc tế cho Đài Loan.
“Nền dân chủ của chúng tôi vốn không đến dễ dàng, và hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa và xâm nhập từ các lực lượng ở nước ngoài”, bà Thái nói nhưng không nêu đích danh mối đe dọa nào và nhấn mạnh thêm rằng: “Những thách thức này cũng là những thách thức chung của các nền dân chủ trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia có chung chí hướng để đảm bảo sự ổn định của hệ thống dân chủ”.
Nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ thăm các đồng minh ngoại giao của mình tại khu vực Caribbean (Trung Mỹ) bao gồm đảo quốc Saint Vincent và Grenadines, Saint Lucia, Liên bang Saint Kitts và Nevis, và Haiti trong chuyến đi từ ngày 11 đến 22.7. Trong thời gian đó, bà Thái sẽ có 4 ngày ở Mỹ trong khoảng thời gian từ 11 đến 13.7 và 19 đến 21.7.
Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ 7 mà bà Thái đã thực hiện kể từ khi nhậm chức vào năm 2016. Thời gian bà Thái ở Mỹ kéo dài một cách bất thường, vì thông thường, bà chỉ dành một đêm tại một trong các điểm dừng quá cảnh.
Theo hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA, bà Thái dự kiến sẽ quá cảnh tại New York và Denver. Việc bà Thái dừng chân ở Denver sẽ là lần đầu tiên đối với một nhà lãnh đạo Đài Loan. Điểm dừng chân New York City cho thấy sự khác biệt về những hạn chế đối với những người tiền nhiệm của bà, thể hiện phương thức tiếp cận thân thiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Đài Loan.
Trung Quốc – nước từ lâu vẫn luôn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thu hồi hòn đảo tự trị “bướng bỉnh” này, đã kêu gọi Mỹ không cho phép nhà lãnh đạo Thái Anh Văn quá cảnh trong khuôn khổ chuyến thăm nói trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng cho biết không có thay đổi nào của Mỹ trong chính sách “Một Trung Quốc”, theo đó Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc.
Hiện nay Đài Loan chỉ có quan hệ chính thức với chỉ 17 quốc gia, hầu hết tất cả những nước nhỏ, kém phát triển ở khu vực Trung Mỹ và Thái Bình Dương, như Belize và Nauru. 5 quốc gia khác đã chuyển sang quan hệ với Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Một số quốc gia, như quần đảo Solomon, đang cân nhắc lợi ích của quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Tuy Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, song Washington vẫn là đối tác thân cận nhất và là nhà cung cấp vũ khí duy nhất cho hòn đảo tự trị này.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán lô vũ khí và trang thiết bị quân sự trị giá 2,2 tỉ USD cho Đài Loan, trong đó có 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger.
Kể hoạch này sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ để xem xét trong 30 ngày. Nếu được thông qua, đây sẽ là hợp đồng quân sự lớn đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan trong hàng chục năm qua.
Trước động thái đó, Trung Quốc hôm 9.7 thông báo rằng đã gửi công hàm ngoại giao để bày tỏ phản dối mạnh mẽ hành động của Mỹ. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc Mỹ “can thiệp vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc” đồng thời “vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh yêu cầu Mỹ hủy bỏ ngay lập tức thương vụ này.
Ông Cảnh cũng cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan để không làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương Trung - Mỹ cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định thương vụ trên không ảnh hưởng tới nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
“Mối quan tâm của chúng tôi với Đài Loan, đặc biệt khi liên quan tới các thương vụ vũ khí quân sự, chỉ nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Ortagus nói và nhấn mạnh rằng động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ tuân thủ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1979. Theo đó, quy định Mỹ cần đảm bảo cung cấp những phương tiện cho Đài Loan để tự phòng vệ.
Hoàng Vũ (theo Reuters)