Trước kỳ điều hành, người dân ngao ngán xếp hàng dài chờ mua xăng
Liên tục trong vài ngày gần đây, nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Một số cây xăng đóng cửa không bán hàng hoặc bán hàng nhỏ giọt khiến nhiều người tiêu dùng phải rất vất vả mới mua được xăng.
Người dân khốn khổ vì chỗ thì quá tải, chỗ không bán
Xếp hàng gần 30 phút tại một cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt nhưng chưa được đổ xăng, anh Đỗ Hà Nam (Mỹ Đình) mệt mỏi chia sẻ, chiều tối hôm qua (10/10), anh đã rẽ qua 3 cây xăng từ Bắc Từ Liêm đến Mỹ Đình nhưng không thể đổ được xăng vì lượng người dừng mua quá đông. Sáng nay, dù đã đi khá sớm để tránh giờ cao điểm buổi sáng, nhưng anh đã phải chờ đến gần 30 phút vẫn chưa thể đổ được xăng.
“Chưa bao giờ tôi thấy việc mua xăng lại khó khăn như bây giờ, kể cả giai đoạn Hà Nội giãn cách do dịch bệnh. Đáng nói là tình trạng này xảy ra rất thường xuyên trong nhiều ngày gần đây chứ không phải chỉ hôm nay”, anh Nam ngán ngẩm cho biết.
Anh Hoàng Đức Chiến, tài xế ta-xi công nghệ cũng tỏ rõ vẻ mệt mỏi khi phải xếp hàng khá lâu tại một cây xăng trên đường Lê Đức Thọ. Gần như bị “bao vây” khi chung quanh có khoảng 40 chiếc ô-tô đang chờ mua xăng giống như anh, anh cho biết: “Do đặc trưng của nghề là buộc phải di chuyển, xe lại cạn xăng nên tôi không thể chờ đến chiều để đổ. Nhưng chờ đợi như thế này đúng là rất mệt mỏi…”.
Liên tục trong nhiều ngày gần đây, người dân trên địa bàn Hà Nội đều gặp tình trạng khó khăn khi mua xăng dầu. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội từ chiều 10 đến sáng 11/10, nhiều cây xăng đã rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhiều cây xăng khác lại có tình trạng bán hàng nhỏ giọt.
Cụ thể, tại cây xăng Petrolimex trên đường Lê Đức Thọ, theo quan sát của phóng viên, suốt từ khoảng 8-9 giờ sáng 11/10, lượng người mua không ngừng gia tăng. 4 cây xăng (2 cây phục vụ ô-tô, 2 cây phục vụ xe máy) làm việc liên tục vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, số xe ô-tô đã tràn gần hết phần đường trước cửa hàng xăng, song vẫn có rất nhiều xe khác liên tục vào cửa hàng để chờ mua xăng.
Tương tự như vậy, tại cây xăng PVOIL trên đường Hoàng Quốc Việt, vào khoảng 9 giờ sáng nay, số lượng người chờ mua xăng rất đông. Các cột xăng làm việc liên tục. Nhiều người dân phải chờ hàng tiếng để được đổ xăng. Tuy nhiên, số lượng người đổ về các cây xăng vẫn không ngừng gia tăng.
Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu của Công ty Cổ phần xăng dầu (HFC), phố Trần Vỹ, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội lại tuyên bố hết xăng, chỉ còn dầu để bán. Ở cây xăng này, chỉ có một số ô-tô chạy vào để đổ dầu. Nhưng điều đáng nói, ngay bên cạnh cây xăng lại mọc lên một cột xăng nhỏ để đổ xăng cho người dân. Tuy nhiên, một người dân bức xúc chia sẻ, do cây xăng nhỏ này bán xăng đắt hơn giá nhà nước công bố nên không ít người rẽ vào rồi lại chạy xe ra, chấp nhận đến nơi khác để mua xăng.
Trước tình trạng này, chiều tối 10/10, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Bộ Công thương khẳng định: “Hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động”. Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ rõ, một số cửa hàng dù còn hoạt động, song hoặc thiếu xăng, hoặc thiếu dầu, hoặc thiếu cả xăng và dầu.
Bộ Công thương lý giải, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.
Bộ Công thương
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Nhanh chóng ổn định thị trường xăng dầu
Bộ Công thương khẳng định, hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Hiện nay, nguồn xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước đang chiếm khoảng 70% nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000m3 (gồm 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) còn khoảng 230.000m3; Công ty Xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3...
Các đầu mối lớn như Petrolimex, PVOIL cũng khẳng định luôn nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối. Đơn cử, theo thông tin từ PVOIL, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%. Cá biệt, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.
PVOIL khẳng định vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục các khó khăn chung của thị trường nhằm đảm bảo nguồn hàng và duy trì hoạt động ổn định của các cửa hàng bán lẻ toàn hệ thống.
Tuy nhiên, PVOIL cũng nêu thực trạng: “Nếu tình hình thị trường như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn đối với PVOIL cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khác. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động lớn, thị trường trong nước đang gặp khó khăn."
Chia sẻ về giải pháp đối với tình hình xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, Liên Bộ Tài chính-Công thương vừa quyết định tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày 11/10. Đây được đánh giá là giải pháp tức thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh chia sẻ, do tính toán kết cấu chi phí chưa được điều chỉnh kịp thời, cho nên nhiều cây xăng bán lẻ ở một số khu vực trong thời gian vừa qua đã phải đóng cửa cây xăng hay xuất hiện tình trạng chiết khấu âm, tức là càng kinh doanh càng lỗ. Vì vậy, việc tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở xăng dầu giúp giải tỏa được những vướng mắc hiện nay liên quan tới các hệ thống phân phối bán lẻ cuối cùng.
PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, tăng chi phí và phụ phí xăng dầu sẽ là điểm mấu chốt giải quyết việc ách tắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. “Các mức chi phí đó nếu chúng ta tính toán không cẩn thận, không tính đúng, tính đủ thì việc kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều, không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, cũng như ảnh hưởng đến đầu ra, các đại lý bán hàng, sau cùng là người dân”.
Phải có một đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu theo hướng giảm bớt các khâu trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý để duy trì kinh doanh.
Về lâu dài, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, thứ nhất, phải đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm áp lực giá đối với xăng dầu. Vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không phải như thuốc lá hay rượu bia để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bên cạnh đó, phải có một đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu theo hướng giảm bớt các khâu trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý để duy trì kinh doanh.
Ngoài ra, theo ông Phú cần tính tới việc đa dạng hóa các nhà đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo sự cạnh tranh, cuối cùng người hưởng lợi là người tiêu dùng. Nhà nước lúc này chỉ đóng vai trò quản lý về chất lượng xăng dầu; chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần duy trì một khung giá sàn trong từng thời kỳ khi thị trường có biến động mạnh. Đặc biệt, thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay bằng xây dựng kho dự trữ xăng dầu bằng hiện vật để bảo đảm bình ổn thị trường khi có biến động mạnh trên thế giới.