Trước Masan, đại gia bán lẻ nào nhập 'cuộc đua' mở nhà thuốc?
Theo dự đoán, bán lẻ dược phẩm sẽ chứng kiến sự cạnh tranh cao khi nhiều đại gia bán lẻ dồn lực để mở rộng chuỗi nhà thuốc.
Mới đây, trên một số trang web tuyển dụng xuất hiện thông tin thông tin CTCP Dr.Win tuyển dụng số lượng lớn dược sĩ cho chuỗi nhà thuốc được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam.
Chuỗi nhà thuốc này đang tìm kiếm dược sĩ với mức thu nhập 10-12 triệu đồng cho dược sĩ trưởng và 6-8 triệu đồng cho dược sĩ bán hàng.
Đáng chú ý, Dr.Win đăng kèm tin tuyển dụng với hình ảnh logo thương hiệu WinMart+, chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Masan.
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Dr.Win tiền thân là CTCP thương mại dịch vụ Winphar, thành lập vào ngày 31/3 với số vốn điều lệ 10 triệu đồng. Ngành nghề chính của Winphar là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.
Trong đó, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn.
Cả bà Đỗ Thị Hoàng Yến và ông Trần Phương Bắc đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Tập đoàn Masan.
Ngày 1/7/2022, công ty Winphar đã đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, một số cửa hàng WinMart đang trong quá trình thay đổi giao diện và nâng cấp cơ sở vật chất. Phía bên ngoài, cửa hàng WinMart này thể hiện sẽ tích hợp Techcombank, Reddi và cả thương hiệu dược phẩm Dr. Win.
Theo đó, nhiều khả năng Dr.Win sẽ là thương hiệu chuỗi nhà thuốc mới và được tích hợp vào các cửa hàng WinMart+.
Trước đó, vào tháng 10/2021, một số cửa hàng mới theo mô hình CVLife đa trải nghiệm của Masan đã được ra mắt tại TPHCM và Hà Nội, tích hợp WinMart , Techcombank, Phúc Long và Phano Pharmacy. Sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacy tại cửa hàng tích hợp của Masan gây chú ý với giới kinh doanh, về việc Tập đoàn Masan tham dự vào thị trường chuỗi bán lẻ nhà thuốc.
Trước Massan đã có nhiều đại gia bán lẻ không tiếc tiền rót vốn mở nhà thuốc.
Thế Giới Di Động mở chuỗi nhà thuốc An Khang
Thế Giới Di Động mua lại cổ phần chuỗi Phúc An Khang vào năm 2017 và sau đó đổi tên thương hiệu thành An Khang.
Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc An Khang dường như giậm chân tại chỗ cho đến 1 - 2 năm gần đây. Từ cuối tháng 5 đến nay, mỗi tháng chuỗi nhà thuốc An Khang có trên dưới 100 nhà thuốc mới ra đời.
Đến nay, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động chính thức cán mốc 500 điểm bán.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đang trực tiếp điều hành chuỗi nhà thuốc của Thế Giới Di Động khẳng định, chuỗi này đang phát triển vũ bão, có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 nhà thuốc trong năm 2022 và ông cũng tin cuối năm nay sẽ có lời.
Nhà thuốc Long Châu của FPT
Mua lại nhà thuốc Long Châu tại TP HCM với 4 cửa hàng vào cuối năm 2017, đến nay FPT Retail đã nhanh chóng xây dựng, phát triển hệ thống mạnh mẽ và chính thức vượt mốc 600 nhà thuốc phủ khắp toàn quốc vào tháng 4/2022.
Tại thời điểm cuối năm 2021, Long Châu có 400 nhà thuốc. Như vậy, trong nửa đầu năm nay, hệ thống này đã nhanh chóng phát triển thêm đến 200 điểm bán.
Quý I/2022, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so cùng kỳ năm 2021 và đóng góp đến 28% vào doanh thu hợp nhất của FPT Retail.
Pharmacity sở hữu mạng lưới hơn 1000 nhà thuốc
Các đại gia bán lẻ dược phẩm khác cũng không kém cạnh trong cuộc đua thị phần. Pharmacity hiện là kênh nhà thuốc lớn nhất thị trường sau khi được nhiều tập đoàn lớn rót vốn.
Pharmacity thành lập từ năm 2011 bởi ông Chris Blank. Tháng 5/2019, chuỗi này được Mekong Capital rót vốn. Từ 200 cửa hàng, đến nay Pharmacity đã có hơn 1.100 nhà thuốc, gần bằng tổng số lượng điểm bán của An Khang và Long Châu.
Tại TP HCM, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, chuỗi Pharmacity hiện diện dày đặc, thậm chí nhiều cửa hàng cách nhau chỉ 200 - 300 mét.
Pharmacity có tham vọng đạt 1.750 nhà thuốc vào cuối năm nay và đến năm 2025, sẽ cán mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc.