Trước nguy cơ từ những 'tâm dịch' mới: Cách ly là lựa chọn phòng, chống hàng đầu

Những ngày qua, dịch Covid-19 đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, tạo ra một số 'tâm dịch' mới, khiến cuộc chiến phòng, chống dịch ở nước ta, đứng trước nhiều nguy cơ phát sinh các ca nhiễm mới. Trong tình hình đó, biện pháp cách ly, vốn đang chứng minh tính hiệu quả cao, tiếp tục là giải pháp hàng đầu và là yêu cầu được thực hiện kiên quyết trong toàn hệ thống chính trị.

Từ “phong thành” Vũ Hán đến cách ly ở Sơn Lôi

Cuối tháng 12-2019, chính quyền Trung Quốc thông báo đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các ca bệnh viêm phổi lạ ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Trong nỗ lực ngăn chặn các ca bệnh tăng vượt tầm kiểm soát, ngày 23-1, thành phố này được đặt trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” (phong thành). Cùng thời điểm, hơn 80 thành phố khác của Trung Quốc áp dụng hình thức phong tỏa một phần.

Biện pháp chống dịch mạnh mẽ, được nhận định là “chưa từng có” này của Trung Quốc đã thu được những tín hiệu tích cực thời gian gần đây. Trong nhiều ngày liên tiếp cuối tháng 2-2020, tổng số ca bình phục tại Trung Quốc luôn cao hơn số ca nhiễm mới; số ca nhiễm mới liên tục giảm. Nhờ vậy, nhiều địa phương đã điều chỉnh giảm cấp độ ứng phó với dịch bệnh.

Tình nguyện viên tại Vũ Hán tiếp tế lương thực. Ảnh: Xinhua

Là quốc gia chung đường biên giới với Trung Quốc, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, hiệu quả, trong đó có biện pháp cách ly y tế bắt buộc.

Tỉnh Vĩnh Phúc vào những ngày đầu tháng 2-2020 được coi là “tâm dịch” của cả nước với 3 trường hợp phát hiện nhiễm vi rút đầu tiên đều từ Vũ Hán trở về và tiếp tục lây truyền tại chỗ, trong đó có cả cháu bé 3 tháng tuổi mắc bệnh. Trong tổng số 11 ca bệnh tại Vĩnh Phúc, có đến 6 trường hợp cư trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Với tinh thần khẩn trương khoanh vùng, hạn chế nguy cơ lan truyền vi rút và tập trung chữa trị tại chỗ cho người bệnh, từ ngày 13-2 đến nay, xã Sơn Lôi được cách ly hoàn toàn.

Tính đến ngày kết thúc việc phong tỏa (3-3-2020), người dân Sơn Lôi có 20 ngày cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Tuy nhiên, trong những ngày đó, nhờ sự chủ động, chăm lo của các cấp, các ngành, người dân Sơn Lôi vẫn sinh hoạt, làm ruộng, trồng rau bình thường. Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng bệnh, người dân ít ra đường, hạn chế tụ tập đông người và không ra khỏi phạm vi xã. Tất cả họ đều ý thức vượt qua khó khăn, trở ngại, hướng đến mục tiêu cao nhất là sự an toàn chung cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Với phương châm điều trị tại chỗ, không để dịch lây lan, các bệnh nhân của tỉnh đều đã được điều trị khỏi và xuất viện ngay tại địa phương. Ngày 26-2, người bệnh cuối cùng của Vĩnh Phúc được xuất viện là dấu mốc quan trọng, đồng thời cũng là niềm vui lớn, khi toàn bộ 16/16 bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước ta đều đã khỏi bệnh và được ra viện.

Có 12 chốt kiểm tra dịch Covid-19 tại các lối vào của xã Sơn Lôi. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Cũng nhờ sự hành động kịp thời, quyết liệt và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để, trên phạm vi cả nước, Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên công bố hết dịch. Hiện Thanh Hóa cũng đã đề xuất Bộ Y tế công bố hết dịch; thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Phúc đều đang chờ đủ điều kiện để được công bố hết dịch.

Trong khi các nhà khoa học trên toàn thế giới đang dốc sức nghiên cứu về chủng mới của vi rút corona nhằm tìm ra vắc xin điều trị thì việc khoanh vùng, cách ly người có nguy cơ mắc bệnh để hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất và đã được chứng minh hiệu quả qua thực tiễn.

Tiếp tục cuộc chiến trước những “điểm nóng” mới

Trong hơn 2 tháng qua, dịch Covid-19 đã nhanh chóng xâm nhập sang 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi tình hình tạm lắng dịu tại Trung Quốc thì tình hình dịch tại một số nước khác lại có xu hướng gia tăng như Hàn Quốc với 2.022 ca nhiễm, 13 ca tử vong; Italia có 655 ca nhiễm, 17 ca tử vong... Đáng chú ý, Hàn Quốc với số ca tăng mạnh, đặc biệt tại Daegu và Gyeongsangbuk, đang được coi là ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu.

Diễn biến phức tạp được cập nhật hằng ngày tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, tiếp tục gây thách thức cho công tác phòng, chống dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt tại Hà Nội, trung tâm giao thương của cả nước, nơi tập trung lượng lớn người đến và đi từ khắp nơi trên thế giới, đang đứng trước nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập. Theo số liệu từ Sở Y tế, hiện số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.023 người, trong đó từ khu vực Daegu là 33 người, từ khu vực Gyeongsangbuk là 19 người.

Để kịp thời kiểm soát, khoanh vùng và cách ly các trường hợp từ vùng dịch về, tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo thực hiện việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người đến từ hoặc đi qua các vùng dịch vào Việt Nam. Đối với người đến từ hoặc đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, từ ngày 11-2, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát, giám sát y tế và tổ chức cách ly các trường hợp đến từ các vùng dịch của nước này hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.

Sáng 27-2, khi chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra (dịch Covid-19), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải triển khai mạnh mẽ biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Đi liền với đó là thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Quân đội đối với người được cách ly; tiếp tục tạo điều kiện cho người được cách ly.

Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã - biện pháp quan trọng hàng đầu vẫn là kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ và tổ chức cách ly ngay lập tức, đồng thời khoanh vùng, xử lý triệt để tại các khu vực liên quan đến trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Với tinh thần luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất, tại buổi làm việc với Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện của thành phố ngày 27-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các phương án cách ly, trong đó có cả phương án cách ly từng khu phố nếu cần thiết. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đây là việc rất cần thiết, phải chủ động thực hiện ngay. Vì khác với các tỉnh, như Vĩnh Phúc địa bàn các xã tách biệt nhau rất dễ khoanh vùng, ở nội thành Hà Nội, các khu phố liên thông nhau sẽ rất khó khăn thực hiện, nên phải nghiên cứu thử nghiệm trước để có phương án khả thi, khi cần là có thể áp dụng ngay.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Ảnh: Viết Thành

Triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo thành phố, trước mắt, để tăng khả năng tiếp nhận và cách ly theo quy định đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc, Trung Quốc về, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức thêm 3 khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Miếu Môn, Trung đoàn 58 và Trung đoàn 59, ngoài 2 đơn vị trước đó là Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bệnh viện Công an thành phố. Ngoài ra, việc lập các bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh bùng phát đã nằm trong kế hoạch. Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, các cơ sở trên địa bàn có khả năng triển khai 5.000 giường bệnh cách ly để điều trị cho người nhiễm Covid-19.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, với khả năng và điều kiện cơ sở vật chất được chuẩn bị kỹ càng, việc triển khai biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người từ vùng dịch về Việt Nam trên địa bàn Thủ đô sẽ có nhiều thuận lợi. Người được cách ly không chỉ được bảo đảm các điều kiện sinh hoạt sạch sẽ, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng mà còn được chăm lo về đời sống tinh thần, giúp họ yên tâm hoàn thành thời gian cách ly.

Chị Nguyễn Thị Duyên, công dân vừa trở về từ thành phố Daegu (Hàn Quốc) đang được cách ly theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng của Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Môi trường quân đội gọn gàng, ngăn nắp, mọi đồ dùng đều được khử trùng sạch sẽ, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phục vụ tận tình khiến tôi rất yên tâm thực hiện cách ly”.

Trước diễn biến về dịch trên thế giới đang nóng lên từng ngày, việc tiếp tục duy trì tâm thế không chủ quan, lơ là; xác định rõ việc kiểm soát dịch bệnh, cách ly ngăn ngừa trong tình hình hiện nay tiếp tục là lựa chọn hàng đầu đã trở thành kim chỉ nam cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Bởi thế, mỗi người dân Thủ đô cần nhận thức rõ và động viên mọi người cùng thực hiện để cùng các cấp, các ngành bảo vệ an toàn sức khỏe cho cả cộng đồng.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/959675/truoc-nguy-co-tu-nhung-tam-dich-moi-cach-ly-la-lua-chon-phong-chong-hang-dau