Trước sức mạnh Trung Quốc, Ấn Độ làm gì ở Viễn Đông Nga?

Có phải sự quan tâm của Ấn Độ tới vùng Viễn Đông của Nga được thúc đẩy bởi những cân nhắc chiến lược và địa chính trị hơn là lợi ích kinh doanh sát sườn?

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga vào đầu tháng 9 đã chứng kiến hai bên ký kết một số hiệp ước trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên, kết nối hàng hải và thương mại. Ấn Độ và Nga đã cam kết tăng gấp ba thương mại song phương lên 30 tỷ USD vào năm 2025 và cũng đã ký lộ trình hợp tác 5 năm trong lĩnh vực hydrocarbon.

Tuy nhiên, chính những sáng kiến của Ấn Độ về vùng Viễn Đông mới là điểm nổi bật. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ năm của Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) vào ngày 4 tháng 9 tại Vladivostok, ông Modi đã cam kết 1 tỷ USD phát triển vùng Viễn Đông của Nga.

Là một vùng rộng lớn, Viễn Đông của Nga trải dài từ Hồ Baikal, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, đến Thái Bình Dương và bao gồm khoảng một phần ba lãnh thổ của Nga. Mặc dù rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khoáng sản, hydrocarbon, gỗ và cá, nhưng đây là một khu vực kém phát triển về kinh tế. Khu vực này phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm khí hậu khắc nghiệt, dân số thưa thớt, người dân thì muốn rời khỏi đây, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và thiếu kết nối.

Tình hình này là một mối lo ngại cho Moscow và đã thúc đẩy quyết định của chính phủ Nga trong năm 2006 là ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông.

Do khủng hoảng Ukraine năm 2014, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ-EU nhằm cô lập Nga đã khiến họ phải tìm kiếm thị trường, đầu tư và công nghệ ở nơi khác. Nga gia tăng hướng về châu Á và khiến cho sự chú ý của Moscow về Viễn Đông trở nên rõ rệt hơn.

Ấn Độ là một đối tác đầy tiềm năng của Nga tại Viễn Đông.

Ấn Độ là một đối tác đầy tiềm năng của Nga tại Viễn Đông.

Năm 2015, ông Putin đã thành lập EEF để thu hút đầu tư vào Viễn Đông và hội nhập khu vực với các nền kinh tế Đông Á. Trong những năm sau đó, EEF đã chứng kiến sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ một số quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc cùng nhiều nước khác.

Triển vọng quan hệ Nga - Ấn

Mặc dù năm 2019 là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia EEF, nhưng họ không phải là người mới đối với vùng Viễn Đông của Nga. Ấn Độ đã mở một lãnh sự quán ở Vladivostok vào năm 1992, quốc gia đầu tiên trên thế giới làm như vậy. Trong những thập kỷ kể từ đó, mối quan tâm của họ đối với khu vực Viễn Đông, đặc biệt là về dầu khí, đã tăng lên.

Ngoài việc cung cấp cho Ấn Độ quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, sự tham gia của Ấn Độ vào vùng Viễn Đông có thể mở đường cho sự di chuyển của lao động Ấn Độ, cả có hay không có tay nghề đến khu vực này, một thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), đi cùng ông Modi đến Vladivostok, nói với tờ The Diplomat. Người lao động Ấn Độ có thể hưởng lợi từ việc làm trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như đóng tàu và khai thác ở Viễn Đông Nga, ông nói.

Ấn Độ và Nga cũng đang tìm cách mở một tuyến hàng hải nối Vladivostok với thành phố Chennai phía nam Ấn Độ. Ngoài việc giảm gần một nửa khoảng cách và thời gian để hàng hóa di chuyển từ Ấn Độ đến Nga, tuyến Chennai-Vladivostok có thể thay thế cho tuyến Suez mà hiện tại Ấn Độ đang phải phụ thuộc để giao thương với châu Âu.

Lợi ích kinh tế chỉ là một phần hợp tác giữa Moscow và Delhi ở Viễn Đông Nga. Tính toán địa chính trị và chiến lược cũng là động lực mạnh mẽ của quan hệ đối tác.

Sức ảnh hưởng lớn hơn ở vùng Viễn Đông của Nga giúp tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực lân cận với Trung Quốc. Việc sử dụng tuyến hàng hải Chennai-Vladivostok cũng được coi là một bước đi chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI)- hiện đang gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện của Bắc Kinh tại các nước láng giềng Ấn Độ.

Đối với Nga, Ấn Độ có thể đóng vai trò là người cân bằng tiềm năng chống lại sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông.

Trung Quốc chiếm gần hai phần ba khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Viễn Đông thu hút được trong bốn năm qua. Mặc dù Nga cần đầu tư của Trung Quốc nhưng họ không quá thoải mái với các dự án của Trung Quốc vì nước này thường chỉ sử dụng lao động Trung Quốc – điều cũng đang làm thay đổi thành phần dân số của Viễn Đông

Với những e ngại như vậy, có thể Nga coi vốn và lao động Ấn Độ như một cách để bù đắp sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

Quan tâm thực sự của Ấn Độ?

Mối quan hệ Ấn Độ-Nga ở Viễn Đông là một sự bổ sung. Các nhà phân tích Ấn Độ chỉ ra rằng trong khi khu vực này khan hiếm lao động, nó rất giàu tài nguyên. Vùng Viễn Đông của Nga cần vốn, công nghệ và thị trường. Trong khi đó, Ấn Độ là một quốc gia có thặng dư lao động và thâm hụt tài nguyên, cần năng lượng, tài nguyên khoáng sản và đất canh tác. Nga đang ở trong một vị thế có thể đáp ứng các yêu cầu của Ấn Độ và ngược lại, quan chức trên của FICCI cho biết.

Trong 13 năm kể từ khi Nga chú ý tới Viễn Đông, đã có một số thay đổi tích cực trong khu vực. Sản xuất công nghiệp ở Viễn Đông tăng 4,4% năm 2018, cao hơn 50% so với mức trung bình quốc gia, Artyom Lukin, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga nói.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội trong khu vực chưa thay đổi, bằng chứng là sự dịch chuyển dân cư ra khỏi khu vực, Lukin nói. Hơn nữa, khu vực này không sử dụng tốt đầu tư nước ngoài. Theo ông, hàng tỷ đô la đầu tư mà các quan chức cho rằng khu vực này đã thu hút được trong những năm gần đây thể hiện ở ý định hơn là đầu tư thực sự.

Các nhà đầu tư châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đang giữ khoảng cách với vùng Viễn Đông của Nga, theo ông Lukin. Họ cho rằng, lợi nhuận dự kiến không thể bù đắp cho rủi ro của việc kinh doanh ở vùng Viễn Đông, ông nói.

Ngoài ra, sự rạn nứt giữa phương Tây và Nga cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tránh xa Viễn Đông.

Các doanh nhân Ấn Độ cũng có thể thấy rằng những rủi ro khi kinh doanh ở vùng Viễn Đông của Nga vượt xa lợi nhuận. Có phải sự quan tâm của Ấn Độ đến khu vực này được thúc đẩy bởi những cân nhắc chiến lược và địa chính trị hơn là lợi ích kinh doanh nghiêm ngặt?

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/truoc-suc-manh-trung-quoc-an-do-lam-gi-o-vien-dong-nga-2019101013413339.htm