Trước 'sức nóng' của ngành đóng gói bao bì, một 'ông lớn' chuyển ngay trụ sở chính từ Thái Lan về Việt Nam

Sidel – công ty đa quốc gia chuyên sản xuất cung cấp thiết bị và dịch vụ đóng gói cho hay đã chuyển trụ sở chính từ Thái Lan sang Việt Nam để tận dụng cơ hội.

Theo ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, lĩnh vực đóng gói vẫn là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thị trường Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 13.4% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020. Dự kiến các sản phẩm và công nghệ mới sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn này trong những năm tới. Năm 2020, doanh số bán lẻ thực phẩm đóng gói tại Việt Nam được ước tính đạt 14.4 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 18.4 tỷ USD vào năm 2023.

Ông Parkpoom Praprom, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông và Tây Á của Sidel nói lý do chuyển trụ sở chính về Việt Nam.

Ông Parkpoom Praprom, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông và Tây Á của Sidel nói lý do chuyển trụ sở chính về Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng này, ông Parkpoom Praprom, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông và Tây Á của Sidel - công ty đa quốc gia chuyên sản xuất cung cấp thiết bị và dịch vụ đóng gói cho hay, trước năm 2023, doanh nghiệp này chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng hiện giờ tổng hành dinh đã chuyển về Việt Nam. “Toàn bộ ban ngành chính của chúng tôi được đưa về Việt Nam – giúp nơi đây trở thành trụ trở chính của Sidel”, ông nói.

Ông Parkpoom Praprom cho biết thêm, năm 2022, văn phòng chính Sidel ở Thái Lan, hiện giờ chuyển về Việt Nam, tuyển thêm nhân sự Việt Nam để phát triển mảng cung cấp thiết bị và dịch vụ đóng gói bao bì tại Việt Nam.

Từ góc độ doanh nghiệp đồ uống, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, cho hay bất chấp những khó khăn bởi kinh tế toàn cầu, ngành đồ uống của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng từ 6 - 10%, đó là dấu hiệu đáng mừng.

Tuy vậy, ông Việt cũng cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2024 nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Đây sẽ là thách thức của ngành đồ uống, do vậy vấn đề công nghệ đóng gói càng trở nên quan trọng.

Các doanh nghiệp đang đứng ở khởi đầu của một cuộc biến đổi lớn trong ngành đóng gói. Nhận thức cao hơn từ phía người tiêu dùng cùng các chính sách mới được thiết lập bởi Chính phủ khiến cho nhu cầu về giải pháp đóng gói bền vững ngày càng tăng. Số lượng các công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cam kết thay đổi hệ thống đóng gói cũng tăng lên. Điều này đòi hỏi sự đổi mới kỹ thuật, tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu tái tạo mới.

Theo đó, “sức nóng” của ngành bao bì đóng gói được thể hiện ngay tại Triển lãm ProPak Vietnam 2023, dự kiến tổ chức từ ngày 8 - 10/11/2023 tại SECC, quận 7, TP. HCM. Theo ban tổ chức, triển lãm thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia, đến từ các quốc gia và các vùng lãnh thổ phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ, Úc, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong,... và nhiều quốc gia khác.

Triển lãm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành xử lý, chế biến và đóng gói bao bì theo xu hướng tuần hoàn tại Việt Nam. Khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá các máy móc vận hành cỡ lớn ngay tại triển lãm, trải nghiệm các vật liệu bao bì mới, tiếp cận công nghệ, ý tưởng sáng tạo kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/truoc-apos-suc-nong-apos-cua-nganh-dong-goi-bao-bi-mot-ong-lon-chuyen-ngay-tru-so-chinh-tu-thai-lan-ve-viet-nam-1094686.html