Trước thềm đàm phán hạt nhân với Iran: Mỹ tiếp tục phát tín hiệu nguy hiểm, Đức kêu gọi giải pháp ngoại giao, chuyên gia cảnh báo

Tuy mong muốn đạt được giải pháp ngoại giao, Tổng thống Donald Trump muốn Iran biết 'mọi lựa chọn đều được cân nhắc' để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Mỹ-Iran sẽ đàm phán về thỏa thuận hạt nhân trong ngày 12/4 tại Oman. (Nguồn: Azernews)

Mỹ-Iran sẽ đàm phán về thỏa thuận hạt nhân trong ngày 12/4 tại Oman. (Nguồn: Azernews)

Ngày 11/4, báo Times of Israel dẫn tuyên bố trên của Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, ngay trước thềm cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân dự kiến diễn ra tại Oman ngày 12/4.

Bà Karoline Leavitt nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Trump là bảo đảm Iran không bao giờ có thể sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng khẳng định, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ diễn ra trực tiếp, dù Tehran một mực phủ nhận.

Cùng ngày, Đức đã kêu gọi đạt được một "giải pháp ngoại giao" khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner nêu rõ, cuộc đàm phán tại Oman là "diễn biến tích cực khi có một kênh đối thoại giữa Iran và Mỹ".

Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ mới đây đánh giá, đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran đối mặt với nhiều thách thức khi những người từng tham gia vào việc cấu trúc thỏa thuận hạt nhân trước đó cho rằng, tình hình hiện nay về cơ bản khác xa so với lần đầu tiên diễn ra các cuộc đàm phán hạt nhân.

Chuyên gia Richard Nephew, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Columbia (Mỹ), từng tham gia vào các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân ban đầu, nhận định, tỷ lệ đạt được thỏa thuận lần này "thấp hơn nhiều".

Ông nói: "Tôi là thành viên duy nhất của nhóm tin chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận. Về cơ bản, trong suốt thời gian đó, tôi không bao giờ dự đoán khả năng dưới 50%. Các cuộc đàm phán trước đó bắt đầu với sự tin cậy. Nhưng lần này, ông Trump đã có mối quan hệ căng thẳng với Iran. Sau khi rút khỏi thỏa thuận ban đầu, ông Trump đã thiết lập một chiến dịch trừng phạt 'gây áp lực tối đa' chống lại Tehran".

Nhà phân tích Gary Samore, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Brandeis đồng thời là thành viên của nhóm soạn thảo khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhận định, cựu Tổng thống Obama đã xây dựng một liên minh quốc tế, được gọi là Nhóm P5+1 bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức, để tham gia đàm phán với Iran. Tuy nhiên, ông Trump đã xa lánh các đồng minh này kể từ khi trở lại Nhà Trắng.

Trong khi đó, chuyên gia Robert Einhorn, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận xét: "Các cuộc đàm phán sắp tới tại Oman là một tình huống khác. Trung Quốc và Nga đều đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Iran và không nước nào trong số họ sẽ làm bất cứ điều gì để gây áp lực buộc Tehran chấp nhận một thỏa thuận mà Mỹ mong muốn".

Chuyên gia Einhorn từng là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân trong Chính quyền Obama đồng thời là người tham gia vào các cuộc đàm phán với Iran trước đây.

bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truoc-them-dam-phan-hat-nhan-voi-iran-my-tiep-tuc-phat-tin-hieu-nguy-hiem-duc-keu-goi-giai-phap-ngoai-giao-chuyen-gia-canh-bao-310822.html