Trước thềm năm học mới, các địa phương đề xuất gì với Bộ GD&ĐT?

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ bắt đầu năm học mới 2021 - 2022, các địa phương đề xuất gì với Bộ GD&ĐT?

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 mới đây, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT những vấn đề cần quan tâm, giải quyết trong năm học tới.

Kéo dài thời gian năm học

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Học sinh không thể tới trường học trực tiếp, thay vào đó học sinh sẽ học trực tuyến (học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9).

Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, việc dạy học trực tuyến không thể thay thế trực tiếp. Vì thế, TP.HCM đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, lớp 2 để đảm bảo chất lượng học sinh.

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, chỉ đạo các trường tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Thành phố sẽ có chính sách quan tâm đến giáo viên gặp khó khăn do dịch bệnh và đề nghị Bộ GD&ĐT có phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhất là những em gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tới lúc nào học sinh mới có thể đi học bình thường?

Tới lúc nào học sinh mới có thể đi học bình thường?

Bổ sung giáo viên

Bà Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu lên một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, việc thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, nhất là quy định dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021 - 2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022 - 2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ và Bộ GD&ĐT quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD&ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng cho biết, hiện địa phương còn thiếu 2.800 giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc) phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nói trên.

Về vấn đề này, tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương đưa ra giải pháp riêng. Bộ Nội vụ sẽ giao chỉ tiêu tuyển dựa trên đề xuất của các địa phương.

Địa phương đề xuất những việc cần giải quyết trong năm học 2021 - 2022. (Ảnh minh họa)

Địa phương đề xuất những việc cần giải quyết trong năm học 2021 - 2022. (Ảnh minh họa)

Lùi thời gian dạy SGK lớp 10 mới

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022 - 2023 sang năm học 2025 - 2026.

Theo ông Trung, nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, chưa đủ điều kiện đảm bảo nguồn lực để chuẩn bị, nhất là chương trình, sách giáo khoa cũng như đội ngũ giáo viên. Việc triển khai dạy học sách giáo khoa lớp 10 mới từ năm học 2022 - 2023 rất khó cho địa phương.

"Năm học này, chúng ta bắt đầu thực hiện sách giáo khoa lớp 6. Ba năm nữa cho thực hiện sách giáo khoa lớp 10 sẽ phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ", ông Nguyễn Đức Trung nói.

Ngoài ra, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An mong Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An. Tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học.

Hỗ trợ học sinh khó khăn hậu COVID-19

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt hơn trong việc phân cấp địa phương trong việc quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học.

Bà Quyên Thanh kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, vì sau dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh. Bộ GD&ĐT nên xem xét phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh. Đặc biệt quan tâm đến học sinh khó khăn được bảo vệ với phương châm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là hậu COVID-19.

Tiêm vaccine cho học sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề xuất Thủ tướng cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh, trước mắt là học sinh bậc trung học phổ thông.

Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề xuất Chính phủ và Bộ GD&ĐT xem xét việc xây dựng chương trình vaccine học đường để học sinh sớm được tiếp cận, đến trường an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.

Về đề xuất này, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vaccine có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/truoc-them-nam-hoc-moi-cac-dia-phuong-de-xuat-gi-voi-bo-gd-dt-ar633663.html