Trước trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản từng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở Trung Quốc - Kỳ cuối
Khi tin về vụ chìm tàu Panay đến Nhà Trắng, xuất hiện những tiếng nói có ảnh hưởng kêu gọi trả thù.
Kỳ cuối: Bờ vực chiến tranh
Theo lời kể của ông Douglas Peifer trên Tạp chí Lịch sử Hải quân Quốc tế tháng 11/2018, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Claude Swanson nói rằng chiến tranh với Đế quốc Nhật Bản là không thể tránh khỏi, vì vậy tốt nhất là nên chiến đấu trong khi Nhật Bản vẫn đang cố gắng chiếm phần lớn Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Morgenthau Jr. cũng đã nói với cấp dưới: “Họ đã đánh chìm một chiến hạm của Mỹ và giết chết ba người… Các ông sẽ ngồi đây và đợi cho đến khi thức dậy vào buổi sáng, thấy họ đã ở Philippines, sau đó là Hawaii, và sau đó là Panama? Tới đâu mới được gọi là dừng lại?”
Gần ba tháng trước đó, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, ông Joseph Grew, đã dự đoán một thảm kịch như vậy khi ông phàn nàn với Tokyo rằng binh sĩ Nhật Bản ở Trung Quốc liều lĩnh coi thường tính mạng và tài sản của Mỹ.
Đại sứ Joseph Grew đổ lỗi cho những phi công trẻ tuổi, nóng nảy của Nhật Bản. Ông viết trong nhật ký của mình: “Khi ngửi thấy mùi máu, họ chỉ đơn giản là bay điên cuồng và không quan tâm đến ai hoặc thứ gì mà họ tấn công”.
Cụ thể, ông nhắc nhở các quan chức Nhật Bản về vụ đắm tàu chiến USS Maine ở cảng Havana năm 1898 đã châm ngòi cho Chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.
Video tàu Panay chìm trên sông Dương Tử (Nguồn: CNN):
Đế quốc Nhật Bản, lúc đó không muốn gây chiến với Mỹ và vẫn cần nguyên liệu thô của Mỹ cho chiến tranh, đã nhanh chóng nhận trách nhiệm.
Nhật Bản khẳng định cuộc tấn công là một trường hợp nhầm lẫn và do thông tin liên lạc kém, mặc dù một cuộc điều tra của Hải quân Mỹ đã phát hiện ra rằng các máy bay ném bom Nhật Bản xuất hiện trong vòng 182m tính từ tàu Panay và chắc chắn phải nhìn thấy cờ Mỹ trên con tàu này.
Chỉ hơn hai tuần sau vụ tấn công, vào ngày 25/12, chính quyền của Tổng thống Roosevelt đã đồng ý chấp nhận đề nghị trị giá 2,2 triệu USD của Tokyo (tương đương trị giá 47,4 triệu USD ngày nay) để dàn xếp vụ việc.
Đó là một quyết định mà chỉ trong vài ngày tới, một số người ở Mỹ sẽ bắt đầu nghi ngờ.
Vào năm 1937, không có internet, vệ tinh hay máy bay phản lực. Hình ảnh tin tức được truyền đi chậm, trên những chiếc máy bay chạy bằng cánh quạt.
Video người trên tàu Panay sơ tán khỏi tàu (Nguồn: CNN):
Vì vậy, phải đến ngày 31/12, các quan chức của chính quyền Mỹ mới có thể xem đoạn video do người quay phim Alley ghi lại về cuộc tấn công. Ông Alley đã mang đoạn video này tới Washington, DC chỉ một ngày trước đó.
Ông đã ghi lại được toàn bộ những gì đã xảy ra với chiếc tàu Panay và những người trên đó. Đoạn phim của ông cho thấy máy bay Nhật Bản lao xuống pháo hạm, thủy thủ đoàn bắn trả, những người bị thương đẫm máu rời khỏi tàu Panay, nhóm người sống sót di chuyển vào đất liền để tránh các cuộc tấn công tiếp theo của Đế quốc Nhật Bản và tìm kiếm sự giúp đỡ cho những người bị thương.
Và cuối cùng là hình ảnh quan tài của những người Mỹ thiệt mạng được chất lên một chiếc thuyền cứu hộ, phủ cờ Mỹ.
Trong phần bình luận được thêm vào sau đó, người đọc lời bình nói: “Những người sống sót trên tàu Panay sẽ không bao giờ quên những giờ phút kinh hoàng khi máu của người Mỹ đổ xuống”.
Những hình ảnh này đủ để khơi lại những lời kêu gọi chiến tranh của một số người trong chính quyền Tổng thống Roosevelt, nhưng cuối cùng không mấy ai ở Mỹ mong muốn xảy ra xung đột vào năm 1937.
Di sản của tàu Panay
Mặc dù Mỹ đã dừng lại trước bờ vực chiến tranh, nhưng cuộc tấn công tàu Panay sẽ trở lại ám ảnh quân đội Nhật Bản nhiều năm sau đó, sau khi Mỹ tham gia Thế chiến II sau cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng.
Các hành động của Đế quốc Nhật Bản ở Trung Quốc, trong đó có cả vụ đánh chìm tàu Panay, đã khiến chính quyền Tổng thống Roosevelt thúc đẩy Đạo luật Hải quân năm 1938, trong đó yêu cầu tăng 20% quy mô hạm đội Mỹ, tăng chi tiêu ước tính khoảng 1 tỷ đô la (21,4 tỷ USD tiền ngày nay).
Trong số những con tàu được mua với số tiền đó có tàu sân bay USS Hornet, con tàu đã thực hiện Cuộc đột kích Doolittle. Đây là cuộc tấn công ném bom đầu tiên của Mỹ vào Tokyo và giúp lật ngược tình thế của cuộc chiến theo hướng có lợi cho Mỹ trong Trận chiến Midway năm 1942.
Số tiền trên cũng được dành cho ba thiết giáp hạm lớp Iowa, trong đó có USS Missouri - con tàu mà trên đó, các nhà lãnh đạo của Đế quốc Nhật Bản đã chính thức đầu hàng quân Đồng minh ở Vịnh Tokyo vào năm 1945.
Về phía Trung Quốc, nước này đã nói rõ rằng sẽ không lãng quên những tội ác trong thời gian đó. Năm 2014, Trung Quốc ấn định ngày 13/12 – ngày Nam Kinh chính thức rơi vào tay Nhật Bản – là ngày tưởng niệm quốc gia.
Về quan hệ Mỹ - Nhật Bản, mặc dù các sự kiện vào thời điểm đó có thể không bao giờ bị lãng quên hoàn toàn, nhưng những mầm xanh tha thứ đầu tiên đã xuất hiện, giúp nối lại quan hệ hữu nghị cuối cùng giữa Mỹ và Nhật Bản – hai quốc gia đang là đồng minh.
Những mầm xanh đó chính là phản ứng của người dân Nhật Bản đối với vụ chìm tàu Panay. Đại sứ Grew cho biết phái bộ Mỹ tại Tokyo đón rất nhiều phái đoàn và khách, nhận nhiều thư từ và tiền đóng góp. Tất cả đều bày tỏ sự tiếc nuối và hối hận thay mặt cho Nhật Bản và quân đội nước này.
Trong số những lá thư, có một bức thư do một bé gái 13 tuổi viết. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi muốn nói với các bạn rằng chúng tôi rất tiếc vì sai lầm mà máy bay của Nhật Bản đã mắc phải. Chúng tôi muốn các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tôi còn nhỏ và không hiểu lắm, nhưng tôi biết họ không có ý đó. Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người bị thương và thiệt mạng”.