Trước vòng tròn Gạc Ma, thấy mùa xuân bất tử

Chiều Cam Lâm lộng gió. Tôi đứng lặng trước quần thể tưởng niệm 'Những người nằm lại phía chân trời' – nơi tưởng niệm những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trên vùng biển Gạc Ma ngày 14/3/1988, được xây dựng tại Cam Lâm (Khánh Hòa).

Tượng đài tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma

Tượng đài tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma

Đến Khánh Hòa, tôi chọn "địa chỉ đỏ" này đầu tiên để dâng nén tâm hương bởi muốn được thấm sâu hơn nữa về giá trị hy sinh lớn lao của lớp lớp người đi trước vì chủ quyền Tổ quốc.

64 bông hoa biển thành "Vòng tròn bất tử"

Gió như từ những thuở nào thổi về, mà nhắc nhớ, như vẫn thổi ở hàng trăm địa danh, địa chỉ xót buốt, ghi khắc những mất mát, hy sinh của lớp lớp thế hệ con dân người Việt, ở khắp dải đất hình chữ S máu thịt này. Gió thổi khói hương trầm nghi ngút bay.

Sừng sững, trắng muốt, nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, phản chiếu màu nước biển, màu cỏ cây xanh ngút mắt là vòng tròn siết chặt, là lời thề quyết tử, linh thiêng. Cụm tượng đài tưởng niệm 64 người con đất Việt đến từ Thái Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... vươn cao. Như vẫn còn đây những chiến sĩ trung kiên vươn ngực chở che, quyết tử giữ gìn lá cờ Tổ quốc. Các anh bất tử khi còn quá trẻ, có người chỉ vừa 20 tuổi.

Chiều im lìm trong khu tưởng niệm. Tôi một mình lặng ngắm từng kỷ vật, đọc từng dòng chữ, từng tên người, từng ghi chú trên các hiện vật, những bức ảnh đã hằn dấu thời gian tại Khu trưng bày ngầm tại quần thể Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, càng thấm thía nhiều điều. Đây là chỉ đạo của Đảng ủy Quân chủng Hải quân ngày 9/1/1988: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng”...

Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời" trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục về tình yêu Tổ quốc

Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời" trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục về tình yêu Tổ quốc

“ ... Còn về xin cho con chuyển đơn vị thì thôi bố mẹ ạ, con ở đây đến lúc ra quân cũng được, còn gia đình cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi nhiều cho con...” - đây là dòng trích trong lá thư cuối cùng của chiến sĩ – liệt sĩ Nguyễn Văn Phương gửi về cho gia đình. Lá thư đề ngày 6/3/1988, tức là 8 ngày trước khi anh và các đồng đội hy sinh trên vùng biển Gạc Ma.

Và đây, tấm ảnh đen trắng con tàu HQ-931 đang chở thương binh và chiến sĩ ta còn sống trở về sau sự kiện ngày 14/3/1988…

Lá cờ đỏ sao vàng đã phai màu, chiếc bánh lái con tàu, đôi bát cũ, đôi dép, đồ dùng, dụng cụ lao động... của chiến sĩ ta được sưu tầm sau sự kiện Gạc Ma. Tất cả đều thấm đẫm màu thời gian; nằm lặng lẽ trong tủ trưng bày mà gợi lên bao cảm xúc.

Nhắc nhở nhưng không thù hận. Nhắc nhớ để biết trân quý sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo quê hương. Chỉ nỗi xót xa vì sự hy sinh quá lớn lao của những người lính trong sự kiện năm ấy là vẫn nhoi nhói….

Nối dài những mùa xuân

Những cánh hạc giấy do cán bộ, nhân viên, đoàn công tác trên tàu HQ 571 tháng 1/2024 thả tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở vùng biển Gạc Ma

Những cánh hạc giấy do cán bộ, nhân viên, đoàn công tác trên tàu HQ 571 tháng 1/2024 thả tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở vùng biển Gạc Ma

Chiều bỗng rộn ràng ở khu tưởng niệm vì có một đoàn thiếu niên của Khánh Hòa về "địa chỉ đỏ" này làm lễ kết nạp Đoàn. Các em trật tự nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Lời thuyết minh viên hòa trong gió: “Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải Hải quân nhân dân Việt Nam với nhiều tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại của hải quân nước ngoài đã xảy ra. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và 64 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 11 đồng chí bị thương…”. Những đôi mắt học sinh mở to, ươn ướt…

Các em học sinh dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Ảnh:VG

Các em học sinh dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Ảnh:VG

“Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ. Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa. Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính" - góc sân nhỏ trong khuôn viên Khu tưởng niệm chợt vang lên tiếng nhạc bài Hát mãi khúc quân hành.

Nhiều du khách đã dừng lại cùng tôi mê say ngắm tốp các chị em đang tập dân vũ trên nền giai điệu tự hào này. Rộn ràng, vui vẻ và hào sảng – các chị và những em học sinh vừa mặc lên tấm áo Đoàn trẻ trung đã vẽ lên cả bức tranh sinh động, đầy sức sống về sự tiếp nối của mùa xuân bất tử từ chính nơi đây.

Chị Trần Thu Ngân, một trong số các chị đang tập dân vũ xúc động khi chia sẻ về video ghi hình tập luyện tại đây. Các chị sẽ ghi lại hình ảnh ở các "địa chỉ đỏ" của địa phương, vừa cùng ôn lại những giá trị lịch sử, vừa là để phát trên các nền tảng mạng xã hội để mọi người ở khắp nơi hiểu rõ hơn về Trường Sa…

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Căn cứ Cam Ranh nghe thuyết minh về sự kiện Gạc Ma. Ảnh: VA

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Căn cứ Cam Ranh nghe thuyết minh về sự kiện Gạc Ma. Ảnh: VA

Cam Ranh (Khánh Hòa), 2024

LINH AN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/truoc-vong-tron-gac-ma-thay-mua-xuan-bat-tu-369989.html