Trưởng ban kiểm soát Viglacera xin từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Trần Mạnh Hữu vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng ban kiểm soát Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC).
Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC) vừa công bố đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của Trưởng ban kiểm soát Trần Mạnh Hữu. Trong đơn, lý do từ nhiệm được ông Trần Mạnh Hữu cho biết là để “thực hiện nhiệm vụ mới”.

Tổng công ty Viglacera – CTCP. Ảnh VGC.
Ông Trần Mạnh Hữu sinh năm 1978, có trình độ cử nhân tài chính. Ông từng có thời gian dài công tác tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), là chuyên viên/thành viên Ban kiểm soát giai đoạn 2008 – 2010, chuyên viên Ban quản lý rủi ro giai đoạn 2010 – 2012, đại diện của SCIC tại CTCP Xi măng Cẩm Phả giai đoạn 2012 – 2014…
Ông Trần Mạnh Hữu trở thành Trưởng ban kiểm soát Viglacera từ tháng 4/2021. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, công ty mẹ của VGC là CTCP Hạ tầng Gelex tiếp tục đề cử ông Trần Mạnh Hữu vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029, ông Hữu sau đó được chọn vào vị trí trưởng ban kiểm soát.
Đơn từ nhiệm của ông Trần Mạnh Hữu sẽ được HĐQT Viglacera trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6/2025 tới đây.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2025, Viglacera ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.855 tỷ đồng, tăng 8,15% so với quý I/2024. Trong đó, hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh, khi tăng 12,65% lên 1.221,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu tăng tích cực, giá vốn hàng bán lại tăng chưa tới 6%, giúp lợi nhuận gộp quý I/2025 của Viglacera tăng hơn 14% lên 842 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, lợi nhuận trước thuế của Viglacera đạt 413 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I/2024, lợi nhuận sau thuế tăng 25,7% lên 299 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2024, HĐQT Viglacera đã phê duyệt tạm thời kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu đạt 14.437 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.743 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, VGC đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 24% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Viglacera giảm 3,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hai hạng mục với tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VGC là tài sản dở dang dài hạn và tài sản cố định giảm lần lượt 3,4% và 2,8% về còn 5.886 tỷ đồng và 5.850 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn danh mục tài sản dở dang dài hạn của VGC là các dự án lớn đang được triển khai, bao gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên, 664 tỷ đồng), KCN Thuận Thành giai đoạn 1 (Bắc Ninh, 1.523 tỷ đồng), KCN Phú Hà giai đoạn 1 (Phú Thọ, 806 tỷ đồng), khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh, 176 tỷ đồng), KCN Tiền Hải – Thái Bình (598 tỷ đồng), KCN Phong Điền – Viglacera (Huế, 490 tỷ đồng)…