Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn
Chiều 1-3, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã về thăm và làm việc tại Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, nghe báo cáo tình hình xây dựng, phát triển KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu thăm Cảng quốc tế Gang thép Nghi Sơn.
Tham gia đoàn công tác của Trung ương có thứ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải, Công thương; Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Trung ương, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau 13 năm kể từ ngày thành lập, đến nay, KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 623 dự án, trong đó, có 564 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 147.800 tỷ đồng, 59 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 13.300 triệu USD.
Đã có 411 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh toàn bộ hoặc một phần. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn, có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động thương mại từ ngày 23-12-2018. Năm 2018, dự án đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng cho ngân sách; năm 2019, khi hoạt động đạt 65% công suất thiết kế, dự án đóng góp khoảng 12.500 tỷ đồng cho ngân sách và từ 2020 trở đi sẽ hoạt động ổn định và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW do EVN đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định từ năm 2013; Nhà máy BOT Nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW do Tập đoàn Marubeni - Kepco đang triển khai vượt tiến độ so với kế hoạch và đã đạt 50% khối lượng, dự kiến cuối năm 2020 sẽ vận hành thương mại.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Khu liên hợp Luyện cán thép Nghi Sơn có tổng công suất 7 triệu tấn/năm. Hiện nay, đã đi vào hoạt động dây chuyền 1A thuộc giai đoạn 1 với công suất 600.000 tấn/năm (gồm phôi thép và thép cuộn), dây chuyền 1B công suất tương tự sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.
Dự kiến giai đoạn 2016 -2020, giá trị sản xuất ước trong KKT Nghi Sơn và các KCN đạt trên 577.000 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 56.379 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14 tỷ USD. Tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn KKT, KCN là 98.445 người, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Với 60 dự án hạ tầng được đầu tư từ nguồn ngân sách và 34 dự án hạ tầng do các doanh nghiệp đầu tư, đến nay, trong KKT Nghi Sơn và các KCN có nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đưa vào khai thácnhư các bến cảng tổng hợp, đê chắn sóng, nạo vét luồng vào cảng, các tuyến đường giao thông trục chính, hệ thống cấp điện, cấp nước thô, nước sạch, khu xử lý rác thải, các khu tái định cư...
Đặc biệt, tháng 8 năm 2019, Thanh Hóa đã khai trương tuyến vận tải container quốc tế. Chỉ sau 4 tháng, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 500 tỷ đồng và nâng cao năng lực của tỉnh để thu hút đầu tư.
Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi và đã triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm, KKT Nghi Sơn ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến nghiên cứu đầu tư tại KKT Nghi Sơn, điển hình như: Tập đoàn Exxonmobil (Mỹ) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn; Tập đoàn Foxcon (Đài Loan) nghiên cứu đầu tư tổ hợp sản xuất chip điện tử; Tập đoàn Hokuetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn Lee & Man nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất giấy và năng lượng sinh khối; Tập đoàn hóa chất Đức Giang đầu tư tổ hợp sản xuất hóa, thực phẩm; Tổng Công ty Nam Triệu – Bộ Công an nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất thiết bị ngành an ninh và nhiều tập đoàn khác đang nghiên cứu đầu tư.
Với những lợi thế nổi trội và hoạt động hiệu quả, KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung mở rộng từ 18.600 ha lên 106.000 ha để khai thác tối đa lợi thế, đưa KKT Nghi Sơn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ, thu hút được ngày càng nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia.
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, về đầu tư hạ tầng, về hệ thống pháp lý chưa đồng bộ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sự phát triển của KKT Nghi Sơn và các KCN.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Thanh Hóa là tỉnh lớn, có vị trí chiến lược, có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển thành 1 tỉnh công nghiệp lớn, dẫn đầu cả nước, trong đó, KKT Nghi Sơn chính là điểm nhấn hết sức quan trọng, là bàn đạp, là động lực để Thanh Hóa phát triển. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, trình Bộ Chính trị để tỉnh có được 1 cơ chế nổi trội hơn nữa, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sự lan tỏa cho vùng và cả nước mà trọng tâm là phải làm sao để KKT Nghi Sơn có điều kiện thuận lợi, sức hấp dẫn mới, lợi thế cạnh tranh cao để phát triển mạnh trong 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những lợi thế nổi trội của KKT Nghi Sơn và khẳng định: Những năm qua, trong điều kiện ngân sách Trung ương còn khó khăn nhưng tỉnh Thanh Hóa đã có những cơ chế tốt thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư hạ tầng tại KKT Nghi Sơn. Đây là hướng đi rất tốt để khi Thanh Hóa được Bộ Chính trị phê duyệt đề án phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Nghi Sơn sẽ thu hút được ngày càng nhiều dự án hơn, trong đó, có những dự án hạ tầng quan trọng để Nghi Sơn phát triển.
Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Thanh Hóa và khẳng định sẽ có ý kiến với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, giải quyết để Thanh Hóa phát triển.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Kinh tế Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí mong muốn những khó khăn, vướng mắc trong KKT Nghi Sơn nhanh chóng được Trung ương tháo gỡ để KKT Nghi Sơn có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.