Trưởng ban Kinh tế Trung ương tiếp Giám đốc điều hành IFC và Giám đốc ADB
Chiều 7/11/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã tiếp bà Stephanie von Friedeburg, Giám đốc điều hành Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao, coi trọng quan hệ hợp tác và đóng góp của Tổ chức tài chính quốc tế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đã cung cấp nhiều hỗ trợ cho khu vực tư nhân dưới nhiều hình thức khác nhau, thông qua các dự án đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế… cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn về tiếp cận tài chính, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn Tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành Tổ chức tài chính quốc tế, bà Stephanie von Friedeburg đánh giá cao những chính sách điều hành hiệu quả của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và cho rằng quan hệ hợp tác giữa Tổ chức tài chính quốc tế và Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển.
Bà Stephanie von Friedeburg khẳng định, Tổ chức tài chính quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển thị trường vốn, năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững cũng như phát triển các sản phẩm tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực công nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã tiếp ông In-chang Song - Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phụ trách Hàn Quốc, Papua New Guinea, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan, Vanuatu và Việt Nam.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Phát triển châu Á trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong việc cung cấp các khoản vay, hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ, tư vấn chính sách cho Việt Nam; ủng hộ Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2030, trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết tiếp tục hỗ trợ các thành viên giải quyết các vấn đề như: nghèo đói, phát triển không đồng đều, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng những lĩnh vực này cơ bản phù hợp với những định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á In-chang Song cho rằng quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á và Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển. Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á In-chang Song khẳng định, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ có những chính sách linh hoạt phù hợp để hỗ trợ Việt Nam vừa tốt nghiệp được nguồn vốn ưu đãi (ADF) mà không gián đoạn công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng mong muốn mở rộng hoạt động cấp vốn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng, tài chính… mà còn mở rộng tăng cường cho các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp…