Trưởng bản Tà Cóm làm kinh tế giỏi

Ông Thào A Thái ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) là hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Theo lời ông Thái, trước kia, gia đình ông rất nghèo, năm 1991, cả nhà gồm 11 người di cư vào bản Tà Cóm sinh sống. Đến năm 2006, ông được bà con bầu làm trưởng bản.

Ông Thào A Thái (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý, đơn vị thiện nguyện trao con giống cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Tà Cóm.

Ông Thào A Thái (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý, đơn vị thiện nguyện trao con giống cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Tà Cóm.

Chứng kiến cảnh gia đình, bản làng đói nghèo, ông luôn canh cánh trong lòng, làm sao để thoát được cái nghèo. Không chấp nhận số phận, năm 2010, cùng với số tiền dành dụm được, ông mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để mua trâu bò sinh sản. Được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sau một thời gian chăm sóc tốt, đàn gia súc sinh sôi nảy nở. Hiện nay đã nhân lên 52 con bò và 20 trâu. Để duy trì tốt việc tăng đàn và ổn định nguồn thu phục vụ đời sống, ông đã lựa chọn nuôi sinh sản kết hợp với nuôi lấy thịt. Tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường mà ông Thái có kế hoạch xuất bán qua từng năm.

Ngoài ra, với diện tích đồi rừng ông đã khoanh nuôi, trồng mới và chăm sóc tái sinh trên 15ha xen các loại cây lấy gỗ như xoan, lát và các loại cây khác để tạo nên sự phong phú về chủng loại để cây phát triển, đây là kỹ thuật mà ông học được và đã hướng dẫn cho nhiều hộ khác biết cách làm. Cùng với vườn đồi rừng, ông Thái còn đào ao thả cá để lấy thực phẩm phục vụ gia đình và bán một phần. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt, ông dần tích lũy được nguồn vốn, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Thào A Thái chia sẻ: "Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, của hội nông dân các cấp về phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình tôi cũng như những hộ khác trên địa bàn đã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể mà nhất là hội nông dân trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó tôi đã biết phát huy, khai thác thế mạnh đồi rừng chăn nuôi đại gia súc".

Làm ăn khấm khá, ông Thái không quên giúp đỡ các hộ khác về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; giúp đỡ 6 hộ nghèo để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Đó là trường hợp gia đình anh Thào A Gia, Sùng A Tủa... vốn nghèo nhất bản đã được anh Thái tặng bò; nhiều gia đình được hướng dẫn vay vốn làm kinh tế chăn nuôi trâu bò, lợn gà... những trường hợp này nay đã và đang từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Là đảng viên, hội viên nông dân sinh hoạt trong chi hội nông dân bản Tà Cóm, ông Thái cùng với các hội viên luôn đoàn kết, gắn bó giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng biên cương bình yên, no ấm. Bản thân ông Thái luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của bản, của xã. Với uy tín của người đã từng làm bí thư chi bộ, trưởng bản, ông thường chủ động giúp đỡ các hộ nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, có điều kiện để con cháu được đến trường, đến lớp; cùng các hội viên khác tham gia phòng chống buôn bán, sử dụng ma túy trái phép, vận động các gia đình có người nghiện đi cai nghiện tập trung...

Đặc biệt là thời điểm học sinh được nghỉ hè, sau hè các cháu không trở lại trường học, ông đã cùng nhà trường và chính quyền địa phương đến từng nhà dân, trực tiếp trao đổi, vận động đưa con, em trở lại lớp học. Gương mẫu trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đoàn kết với các dân tộc anh em khác, cùng nhau xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Tuấn Khoa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/truong-ban-ta-com-lam-kinh-te-gioi-247974.htm