Trường ca của Cúc

Biết Hoàng Cúc có làm thơ nhưng vẫn bất ngờ bởi 'Cúc' là một trường ca. Người làm thơ viết trường ca giống như người viết văn xuôi lao vào tiểu thuyết. Trong cảnh huống này, trường ca không khác gì một 'hiểm địa' văn chương. Nhưng tôi bị 'Cúc' chinh phục.

Ta ước nguyện tâm thanh hồn quảng mị
Để trời cao tấu vĩ khúc giao mùa”

NSND Hoàng Cúc sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Tốt nghiệp khoa Kịch nói Trường Nghệ thuật Việt Bắc, làm diễn viên từ 1982, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ 2001 cho đến khi nghỉ hưu 2012. Các vai diễn nổi tiếng: Tám Bính trong “Bỉ vỏ”, Thủy trong “Tướng về hưu”, cùng nhiều vai diễn sân khấu và điện ảnh khác.

Từng đoạt nhiều Huy chương vàng, Giải A, Giải Nữ diễn viên xuất sắc tại các hội diễn sân khấu, liên hoan phim, liên hoan sân khấu kịch truyền hình toàn quốc. Tác phẩm văn học đã xuất bản: "Cúc" (trường ca, 177 trang), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024.

NSND Hoàng Cúc.

NSND Hoàng Cúc.

Tôi không quen biết NSND Hoàng Cúc ở ngoài đời, chỉ biết chị qua các vai diễn nổi tiếng, những vai diễn mà có lẽ, đến giờ, vẫn còn vọng động trong tâm trí thế hệ chúng tôi, như những kỷ niệm, như một niềm tín mộ xa xăm.

Biết Hoàng Cúc có làm thơ nhưng vẫn bất ngờ bởi "Cúc" là một trường ca. Người làm thơ viết trường ca giống như người viết văn xuôi lao vào tiểu thuyết. Trong cảnh huống này, trường ca không khác gì một “hiểm địa” văn chương. Nhưng tôi bị "Cúc" chinh phục. Thú thực, đã khá lâu rồi không được đọc một cuốn sách mang lại nhiều cảm xúc đến thế. Chúng tôi làm nghề, thường phải đọc cái mình cần, ít khi được đọc điều mình thích…

1. "Cúc" mang một nội lực xúc cảm cực kì mạnh mẽ, một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu. Nếu trường ca truyền thống thường dựa vào sự kiện, thì "Cúc" chủ yếu tựa vào cảm xúc. Tính tự sự trong đây, có chăng, cũng chỉ là cái cớ để chủ thể trữ tình cất cánh những xúc cảm của mình. Theo một nghĩa nào đó, "Cúc" là sự phơi mở tận cùng thế giới bên trong phong phú và biến ảo của người thơ với mọi cung bậc buồn vui. Cứ thế, chập chờn như một giấc mơ, "Cúc" dẫn dụ ta vào một không gian riêng có, mong manh, mộng ảo, đẹp và buồn: “Tôi đã đi không ngoái đầu nhìn lại/ Như khúc đầu của dòng sông trôi mãi/ Bỏ lại tháng ba cháy rụi triền đê…”; “Tháng mười hứa hoa nhà sẽ nở/ Đan heo may lúa rộ chín cánh đồng/ Bông cúc dại mải mê lời tình tự/ Khuyết trăng vàng man mác trải đầu non”…

Dòng cảm xúc trữ tình cuồng mị, khi cuộn trào tha thiết, ngập tràn nỗi nhớ niềm thương, khi thảng thốt mong manh như gió thoảng, khi là những nốt lặng tựa mặt nước hồ xanh lặng sóng, vô ưu, ở đó, gương mặt "Cúc" hiện ra.

Này là giai điệu giã từ ấu thơ, kỷ niệm, giã từ những ảo tượng đẹp đẽ xa xăm: “Thôi nhé cánh đồng đã gặt/ Cánh cò cũng bỏ đi xa/ Chỉ còn la đà khói tỏa/ Rạ rơm đốt thơm chiều tà”. Này đây, là nhịp bước trong veo lúc mới vào đời của người con gái: “Hà Nội ơi dịu dàng em xuống phố/ Cỏ ven đường mê mải khúc hoan ca/ Con se sẻ lân la trên khung cửa/ Tiếng sơn ca thổn thức gọi yêu về”… Có khi đó là một Cúc trải đời, sắc sảo, cô đơn, nhưng biết tự trào và tuyệt nhiên không ảo tưởng vàng son giấy gấm: “Ngồi buồn lôi mặt ra chơi/ Vết hằn năm tháng tơi bời xóa luôn/ Xóa luôn cả khóe miệng buồn/ Xóa luôn cả ánh mắt tuôn lệ trào”.

Và đây, hãy xem Cúc “lên đồng” nhập vai, hóa thân vào các cung bậc và trạng huống đàn bà: “Tôi đi tìm ai?/ Mải miết tìm những ải những ai/ Là người đàn bà khướt say/ Em đẹp dần lên khi đời lay lắt/ Mỗi đêm khuya lơ khuya lắc/ Giẫm bóng mình/ Là bà mẹ già trắng tay/ Bảy con chết trận/ Là hồn ma chết thảm vẫn khát tình.../ Tôi trở về thành bà dì ghẻ/ Không con/ Nuôi nấng đám con chồng/ Bơ bất/ Tôi hóa thành hòn đá vọng phu/ Đêm ngày phơi nắng/ Trắng cỏ triền sông thảm thiết gọi đò…”.

"Cúc" có các sắc thái thẩm mỹ trữ tình phong phú: đẹp nhưng buồn bã hư hao; âu lo trước những thiếu vắng gần gũi tình người; thành kính, nâng niu với đấng sinh thành; ấm áp, tự tại, an nhiên trước sự chảy trôi của thời gian. Xuyên không trong không gian và thời gian, "Cúc" biến ảo luân phiên vai chủ thể trữ tình, nhiều nhất là “em” với những tiếng Kiều đồng vọng: “Đa mang hái mớ bòng bong/ Giờ thì phận mỏng ngắm vòng nguyệt mưa”; “Vầng trán đã hằn in ngàn sóng bạc/ Chôn miền đau khai huyệt chỉ riêng mình”…

Nhưng Cúc không làm thơ để hờn dỗi, vây vo. Thế nên, "Cúc" dài nhưng không nặng nề, mệt mỏi. Kỷ niệm, bạn cũ, trường xưa, những ngày mưa lũ, dáng mẹ, bóng cha… vụt qua trong cơn mơ như gió thoảng, mây trôi, buồn nhưng không lạnh, nhớ thương mà không sến súa.

"Cúc" có không gian thực, nhưng cũng sáng tạo nhiều không gian mộng ảnh khơi gợi về những giấc mơ cổ tích đẹp đẽ xa xôi.

2. Nếu trường ca truyền thống thường gắn với những câu chuyện của cộng đồng, thì "Cúc" lại là sự triển hiện cảm xúc thuần toàn của con người cá nhân nghệ sĩ. Trải bao biến cố, bệnh tật, cả những bể dâu, Hoàng Cúc viết thơ trong trạng thái của người "nằm lặng lẽ ngắm trăng rơi", bỏ qua mọi chấp trước trần ai. Đó là lí do để nói, trường ca của Hoàng Cúc phảng phất bóng dáng “thiền ca”, kiểu thơ của một người tu hay kẻ hành thiền. Không khó để nhận ra, sự hòa trộn tự nhiên cảm thức tôn giáo và tín ngưỡng trong "Cúc", đặc biệt, sự xuất hiện rất dày mảng từ vựng thể hiện cảm quan Phật giáo cho thấy dường như người đã xả ly tham ái, buông bỏ chấp thủ, giữ tâm thanh, an trú vào chốn khác: “Nơi xa thăm thẳm câu kinh kệ/ Vang vọng thinh không rợn linh hồn/ Đứng đây một chút là hư ảnh/ Thác nước mãi còn/ Ta có không”.

Trước bể dâu sóng gió cuộc đời, chủ thể dường như đã tu tập tới hạn để vượt qua, buông xả và giải thoát. "Cúc" tuy có lúc phảng phất hư vô, nhưng trên hết, đó là sự vượt thoát hoàn toàn khỏi những tục lụy xác thân, để được rong chơi giữa vô thường. Không ít lần ta bắt gặp trong đây, sau những đợt sóng ngôn từ, là sự an tĩnh của tâm hồn trước cuộc đời giông bão: “Hoa cúi rạp để sáng mai tỉnh thức/ Gió an yên bầu bạn vai trời”; “Ta xếp lại/ Nếp nhăn nơi khóe miệng/ Xóa chân chim/ Ém lại nụ cười/ Thế là sống/ Đời an yên cây cỏ/ Bốn mùa qua/ Dẫu mưa gió giày vò”…

Bìa tập trường ca “Cúc'' của NSND Hoàng Cúc.

Bìa tập trường ca “Cúc'' của NSND Hoàng Cúc.

"Cúc" nói nhiều về cái chết, nhưng người thơ lại bình thản xem nó chỉ như là một cuộc ra đi. Lời thơ phảng phất gió mây, “Dưới gốc bồ đề/ Tâm linh nhập Phật”: “Đông về hoa tàn có rộ/ Đào ngỡ khát bừng nụ xuân/ Dấu chân địa đàng khẽ mở/ Chờ ta muôn ngả thiên đường”…

3. Đọc "Cúc", thấy tuôn chảy nhuần nhị tự nhiên những huyền tích có từ cổ mẫu văn hóa như cánh đồng, cây thiêng, đền đài, hình tượng tôn giáo…, cái khắc dấu trong tiềm thức, tạo thành suối nguồn in đọng nơi khóe mắt, con tim, thủ thỉ âm vang trong giọng nói tiếng cười: “Xưa mẹ bảo quê mình toàn cánh đồng sen/ Qua cánh đồng bát ngát/ Ôm con đê nghe sông Hồng hát/ Nghiêng ngả đền đài miếu mạo ủ sương”; “Cả cánh đồng ôm chặt triền đê/ Chử Đồng Tử vùi mình ôm cát/ Tiên Dung tắm Dạ Trạch đầm sen bát ngát/ Hồn phách phiêu bồng lưu lại dấu yêu”…

4. "Cúc" dung chứa một năng lực ngôn ngữ tuyệt vời. Có cảm giác, Hoàng Cúc viết trường ca trong trạng thái vô thức, mơ hồ. Câu chữ của chị, do thế, biến ảo, tuôn chảy tự nhiên. "Cúc" không làm chữ, không chủ ý thiết tạo hình thức song có nhiều câu thơ lạ và hay. "Cúc" không kể chuyện mà có chuyện, không phô phang tình cảm mà ngập tràn xúc cảm.

Hình thức thơ "Cúc" lỏng, biến cải linh hoạt theo cảm xúc của chủ thể và đối tượng tâm tình; khi là thơ tự do: “Em đã khiến ta phục sinh - người đàn bà/ Đi hết biết dòng sông không còn sóng/ Nghe tiếng vọng thời gian ngưng đọng/ Bàn tay đan bừng sáng cả mặt trời”; khi lục bát: “Đức tin vô đối bòng bong/ Thấy sừng sững núi chạm bong bóng chiều/ Lênh đênh gánh chuyến đò xiêu/ Đắm đâu mẹt dạt chạm điều tái tê”; khi tựa cấu trúc đồng dao: “Lời em khóa/ Mắt lảng rời/ Biết vùi đâu/ Tức tưởi khóc cười…”; lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ: “Tôi thấy em tôi ở cuối đường/ Chẳng màng khi thấy lá vàng sang/ Mơ màng mòn mỏi nơi chiều vắng/ Lặng lẽ đi ngang chẳng ngó ngàng…”.

5. Đọc "Cúc", có thêm một minh chứng để khẳng định, không nên hiểu trường ca trong khái niệm, mà phải hiểu như những gì nó diễn ra trong thực tế. Trên một ý nghĩa nào đó, có thể xem "Cúc" thuộc số ít các tác phẩm đã làm đứt gãy ít nhiều cấu trúc thể loại vốn có của trường ca. Nó xóa bỏ cái nhìn sử thi, đưa trường ca trở về câu chuyện cá nhân, gắn với cảm xúc, số phận con người đương đại, đồng thời, nó phá vỡ tính chuyện, chỉ giữ sườn truyện như một sợi chỉ mong manh để nâng cánh cho cảm xúc…

Có thể xem "Cúc" là sự hiện diện của một tâm trạng, cũng là hiện thân của phục sinh và giải thoát. "Cúc" sắc sảo, nhưng đủ rộng lòng để giấu ẩn. "Cúc" buồn đau, nhưng đủ chín để khoan dung. Và như thế, "Cúc" bừng ngộ thăng hoa và giải thoát, ngập tràn cảm thức phục sinh trong cõi mộng ảnh nhân gian: “Ta là thế ngạo nghễ cười dương thế/ Quá nửa chiều mới biết nương thân/ Không biết sợ xin dưới kia đất mẹ/ Cho yêu thương, chào nhé hôn nào/ Tờ lịch cũ câu thơ buồn nhân thế/ Trả cho đời mơ giọt nắng tinh khôi/ Trên trời biếc lũ chim trời quấn quýt/ Dưới đất mềm/ ta ươm/ một nhành mai”…

Sau hào quang sân khấu và màn ảnh với các vai diễn để đời, Hoàng Cúc đã khơi mở những ẩn mật nội giới của mình trong một không gian khác, một ngôn ngữ khác, theo một cách riêng, tinh tế và tài hoa hiếm thấy.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/truong-ca-cua-cuc-i733586/