Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung: Đào tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Học viên học nghề cắt gọt kim loại với chuyên gia người Đức trong chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: ĐỨC PHÚ

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này vừa là thách thức vừa là thời cơ lớn đối với các trường đại học, cao đẳng trong việc thích ứng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo. Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC), thời gian qua đã và đang đổi mới chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu; liên kết giữa trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội…

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về nội dung nói trên, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng MITC cho biết:

- Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng cốt lõi là sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 lĩnh vực: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển với khả năng xử lý những dữ liệu lớn (big data), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) và khả năng tư duy trí tuệ nhân tạo ngày càng được phát triển mạnh mẽ.

CMCN 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội, mà thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, MITC nói riêng. Những năm gần đây, nhà trường đã có những bước chuyển mình vượt bậc để thích ứng, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phát động mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên.

TS Trần Kim Quyên

TS Trần Kim Quyên

* Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khối các trường cao đẳng, đại học đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới. Nhà trường làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội, thưa ông?

- Nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, MITC là một trong 89 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn là trường chất lượng cao. Nhà trường được Bộ LĐ-TB-XH phê duyệt ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Cụ thể, nhà trường đang tổ chức đào tạo 7 ngành, nghề trọng điểm. Trong đó, ở cấp độ quốc tế có các nghề cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, hàn; cấp độ ASEAN có nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; cấp độ quốc gia có công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, hướng dẫn du lịch.

Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế linh hoạt cho người học, đảm bảo kết hợp rèn luyện năng lực thực hành với trang bị kiến thức chuyên môn, bao gồm các khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Thời lượng thực hành nghề chiếm từ 70-75% thời gian đào tạo.

Nhà trường chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới như Cộng hòa Liên bang Đức. Sinh viên học nghề có 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết. Trong chương trình, nhà trường còn tăng cường đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, kỹ năng số, công dân toàn cầu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… cho học sinh sinh viên.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường hợp tác với các công ty, doanh nghiệp đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá người học, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Những năm gần đây, nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo với AHK - Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam về triển khai tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp; Đại học DongJu - Hàn Quốc về đào tạo ngành Chăm sóc sắc đẹp và tiếng Hàn; tư vấn và hỗ trợ tư vấn chương trình việc làm tại Nhật Bản thông qua Công ty TNHH Nhân lực AKANE... Ngoài ra, trường cũng xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tập đoàn trong cả nước để giới thiệu học viên thực tập và giải quyết việc làm sau khi ra trường.

* Để nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là rất quan trọng. Điều này được nhà trường đầu tư thế nào để đáp ứng yêu cầu, thưa ông?

- Nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên đạt chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chí của trường chất lượng cao (quy mô đào tạo, trình độ giảng viên, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo, quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo).

Với triết lý đào tạo “Thực học - Thực nghiệp - Chủ động hội nhập”, hoạt động đào tạo của nhà trường luôn hướng đến ứng dụng, thực hành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động hội nhập quốc tế. Hàng năm, nhà trường đầu tư trang thiết bị theo dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên giảng dạy những ngành, nghề trọng điểm tham gia các khóa bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trình độ từ B1 trở lên. Đảm bảo 100% giảng viên đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tối thiểu bậc 3/5.

Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực kinh tế, cũng như phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường.

Đặc biệt, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của trường (thành lập năm 2018, là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trung tâm này đầu tiên) đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho giảng viên và cán bộ lãnh đạo khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; tham gia các dự án của nhiệm vụ 844 Bộ KH-CN, tổ chức ươm tạo thành công 5 doanh nghiệp, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khu vực. Nhiều học sinh sinh viên của trường đạt giải tại các hội thi ý tưởng khởi nghiệp các cấp.

* Hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo là một trong những chiến lược của nhà trường. Vậy nhà trường sẽ có định hướng như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Từ quá trình thực hiện cho thấy, mỗi năm nhà trường đều có các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên được áp dụng trong thực tiễn. Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cũng chính là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong cuộc CMCN 4.0. Nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, các địa phương để đề xuất, đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học. Một số công nghệ, sản phẩm thực tế từ nghiên cứu khoa học ứng dụng, như hệ thống sấy đa năng, buồng khử khuẩn và đo thân nhiệt tự động, gia công khung cơ khí máy nâng bia nhẹ, robot xử lý bề mặt dây dẫn đường dây 220kV, sản xuất nước tẩy rửa sinh học tái chế từ rác thải thực vật và thùng rác hữu cơ... đã được chuyển giao cho các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được quan tâm, nhà trường duy trì và tổ chức các hoạt động: đào tạo khởi nghiệp cho cán bộ, giảng viên, tổ chức các hội thảo tuyển chọn startup, chương trình Ngày hội khởi nghiệp và STEAM triển khai tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh…

Nhà trường cũng đã thành lập năm nhóm nghiên cứu chuyên sâu, một trung tâm khoa học công nghệ và đang triển khai các thủ tục để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tiến đến thương mại hóa các sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đào tạo để tiếp cận với chuẩn quốc tế; hoàn thiện quy định về tổ chức mô hình đào tạo kép; đào tạo theo năng lực người học… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

* Xin cảm ơn ông!

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/279988/truong-cao-dang-cong-thuong-mien-trung--dao-tao-thich-ung-voi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html