Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao' (viết tắt là Chỉ thị 37-CT/TW) và các văn bản triển khai của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Huyện ủy Triệu Sơn, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh các khu vực lân cận.

Thực hành rèn nghề cho học sinh, sinh viên.

Thực hành rèn nghề cho học sinh, sinh viên.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị 37-CT/TW, chủ trương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đến cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên (HSSV) với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện Đề án nâng cấp từ trường trung cấp lên trường cao đẳng và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo, đề án và mở ngành nghề, nghề trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cấp phép đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng (655 chỉ tiêu), 12 ngành nghề trình độ trung cấp (465 chỉ tiêu), 24 nghề trình độ sơ cấp (1.325 chỉ tiêu), 61 nghề đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên dưới 3 tháng (mở rộng hơn 60 ngành, nghề so với trước năm 2014) và 3 ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đặc biệt, theo Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 19/12/2023, đã xác định mục tiêu đến năm 2025 nhà trường có 5 ngành, nghề được lựa chọn, phê duyệt trọng điểm cấp quốc gia, quy mô đào tạo khoảng 3.500 người học/năm; đến năm 2030, mở mới 5 ngành, nghề trình độ cao đẳng, 9 ngành, nghề trình độ trung cấp và 2 nghề trình độ sơ cấp, có thêm 3 ngành, nghề được lựa chọn, phê duyệt trọng điểm cấp độ quốc gia, quy mô đào tạo khoảng 5.100 người học/năm.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giai đoạn 2014 - 2023, nhà trường đã tuyển sinh đào tạo 18.385 học viên (trung bình tuyển mới 1.838 học viên/năm). Năm học 2023 - 2024, tuyển sinh 4.566 học viên (trình độ cao đẳng, trung cấp 477 HSSV, trình độ sơ cấp, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn 4.089 người học (đào tạo dưới 3 tháng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia 3.187 người học)); tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT (kết hợp học nghề và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) hằng năm đạt 95%, chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...

Để đạt được kết quả trên, công tác đổi mới chương trình, nội dung đào tạo luôn được nhà trường quan tâm. Bên cạnh việc rà soát, cập nhật chương trình môn học, mô đun, nội dung bài giảng, từ năm 2014 đến nay, nhà trường đã thực hiện 5 lần rà soát, chỉnh sửa lớn về chương trình đào tạo. Trong đó, chương trình đào tạo được xây dựng, rà soát theo hướng chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành nghề (trình độ trung cấp có thời lượng thực hành, thực tập chiếm 70 - 75%; trình độ cao đẳng có thời lượng thực hành, thực tập chiếm 65 - 70%), gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia góp ý chương trình đào tạo, hướng dẫn HSSV thực hành, thực tập tại doanh nghiệp...). Nội dung đào tạo được cập nhật thường xuyên khoa học kỹ thuật mới, thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học...

Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tay nghề cao; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo của nhà trường đều đạt và trên chuẩn quy định (tổng số 76 giảng viên, gồm 2 tiến sĩ (tỷ lệ 2,63%, 1 đồng chí có học hàm phó giáo sư), 54 thạc sĩ (tỷ lệ 71,05%), 20 đại học (tỷ lệ 26,32%)). Bên cạnh việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng, hằng năm nhà trường còn tổ chức, chọn cử giảng viên tham gia hội thi hội giảng nhà giáo dạy giỏi giáo dục nghề nghiệp các cấp, hội thi thiết bị đào tạo tự làm, bồi dưỡng HSSV tham gia các hội thi tay nghề, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Thực hiện nhiệm vụ gắn đào tạo với thị trường lao động, nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đưa HSSV đi thực hành, thực tập trong và ngoài nước; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và các huyện trong tỉnh; phối hợp tuyển sinh đào tạo các lớp dạy nghề ngắn hạn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; doanh nghiệp hỗ trợ học bổng, đồng hành với HSSV trong học tập và rèn luyện (tặng quà cho HSSV nghèo vượt khó, hỗ trợ xe đưa đón HSSV ở các địa phương xa về trường học tập...). Đồng thời, huy động sự tham gia của cán bộ, giảng viên nhà trường xây dựng mô hình thực hành rèn nghề cho HSSV (trại khảo nghiệm giống cây trồng, vườn ươm giống cây lâm nghiệp bản địa, trại chăn nuôi gia súc) với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng... Giai đoạn từ 2014 đến nay, nhà trường đã làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật nông nghiệp Đông Khăm Xạng (thủ đô Viên Chăn, Lào), Trường Dạy nghề tỉnh Hủa Phăn và các nghiệp đoàn Nhật Bản về việc hợp tác trong đào tạo. Năm 2023, nhà trường cử đoàn cán bộ sang làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thú y) với Trường Dạy nghề tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, chất lượng cao trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cho tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa Lê Hoằng Bá Huyền mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục xem xét phê duyệt nhà trường thuộc diện được thụ hưởng các dự án chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, thay thế trang thiết bị đã cũ, lạc hậu; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu phục vụ đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 37-CT/TW về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/truong-cao-dang-nong-nghiep-thanh-hoa-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-co-tay-nghe-cao-226562.htm