Trường cao đẳng y tế gặp vô vàn khó khăn từ khi chuyển về trực thuộc Sở Y tế

Sở y tế không có chức năng phê duyệt chủ trương khiến hoạt động của Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang gặp nhiều khó khăn.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 của Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH về điều lệ trường cao đẳng quy định: "Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Tuy nhiên, hiện nay còn một số trường cao đẳng y tế vẫn trực thuộc Sở Y tế, điều này gây nhiều khó khăn cho các trường trong việc triển khai hoạt động.

Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang trước đây là trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, nhưng hơn 1 năm nay đã được chuyển về trực thuộc Sở Y tế Kiên Giang.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Phát - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi trường cao đẳng y tế chuyển về trực thuộc sở y tế đã gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Ảnh minh họa: website Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang

Ảnh minh họa: website Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang

Đa số hoạt động của trường là xin chủ trương từ cơ quan chủ quản. Thế nhưng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp lại không thể hiện chức năng chỉ đạo hay vai trò của sở y tế nên sở y tế không thể cho chủ trương được. Do đó, khi trường cần xin chủ trương hay triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động giáo dục và đào tạo vô cùng khó khăn.

“Nếu trước đây, trường trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh thì mọi công việc, hoạt động đều được giải quyết rất nhanh chóng. Còn bây giờ, muốn xin phép, muốn giải trình việc gì đều phải qua sở y tế, nhưng nhiều việc liên quan đến đào tạo thì sở y tế không thể nắm được.

Ví như, việc cấp chỉ tiêu đào tạo nằm ngoài quyền hạn của sở y tế; hoạt động xét thi đua, hoạt động nghiên cứu khoa học thực hiện theo chương trình của ngành giáo dục nên sở y tế không thể nắm được. Khi trường xin chủ trương về đào tạo, liên kết đào tạo thì việc này cũng vượt qua quyền hạn của sở y tế và phải xin phép ủy ban nhân dân tỉnh.

Hay các hoạt động cấp ngân sách, phân bổ ngân sách, hoạt động tài chính thì sở y tế cũng không phải đơn vị thông qua.

Điều này buộc trường phải xin phép, giải trình qua thêm một bước nữa đó là ủy ban nhân dân tỉnh. Tức là nhà trường sẽ phải thực hiện rất nhiều khâu, rườm rà, tốn thời gian.

Hơn một năm chuyển về sở y tế là mọi hoạt động của trường đều bị trì trệ, từ biên chế, chủ trương đào tạo,… nhiều hoạt động không thực hiện được, trường cũng không có nhiều đột phá vươn lên.

Bởi chỉ tiêu đào tạo là do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh cấp”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Phát chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang kiến nghị đưa trường trở lại trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo hoạt động đào tạo và triển khai tốt các kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra.

“Chúng tôi đang đề nghị xem xét lại, vì trường cao đẳng trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giao cho ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách địa bàn, hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp mà lại trực thuộc sở y tế là không hợp lý. Điều này là không thống nhất, đồng bộ trong quản lý.

Địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay có 4 trường cao đẳng, trong khi 3 trường thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, vậy sao Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang lại thuộc sở y tế? Vì sao trường cao đẳng sư phạm không đưa về sở giáo dục và đào tạo, trường cao đẳng nghề không đưa về sở lao động – thương binh và xã hội mà chỉ đưa trường cao đẳng y tế về sở y tế?

Nếu muốn đưa về sở chuyên ngành quản lý thì tại sao chỉ một trường bị chuyển trong khi chức năng đào tạo như nhau”, thầy Phát băn khoăn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Phát cho rằng, cần phải thống nhất trong đầu mối quản lý đối với các trường cao đẳng y tế. Các trường này phải trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trực thuộc Bộ Y tế.

Nếu quản lý về chuyên môn phải trực thuộc Bộ Y tế, nếu quản lý về chức năng đào tạo sẽ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn nếu trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như hiện nay là không hợp lý.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y dược Thái Nguyên cho biết, từ khi nhà trường được thành lập đến nay đều trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Đối với những trường thuộc ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có những thuận lợi nhất định, có những chủ trương đầu tư về mặt nhân lực, nguồn lực đều có thể xin ý kiến trực tiếp của ủy ban nhân dân là đơn vị cấp 1 và ủy ban sẽ có ý kiến chỉ đạo trực tiếp.

Còn trường nào trực thuộc sở y tế (là đơn vị cấp 2) thì các chủ trương phải thông qua sở y tế, rồi sở y tế lại tiếp tục trình lên ủy ban nhân dân khiến công đoạn, thủ tục có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tất nhiên, với các trường trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, khi xét duyệt một chủ trương, ủy ban cũng cần xin ý kiến của một số cơ quan ban ngành có liên quan. Ví dụ định hướng đào tạo, chỉ tiêu đào tạo, đặt hàng đào tạo như thế nào, ủy ban nhân dân cũng cần có sự tham mưu của sở y tế, sở lao động thương binh và xã hội,...

Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ ủy ban nhân dân tỉnh đến các công tác sắp xếp bộ máy và tổ chức các hoạt động của nhà trường.

“Tỉnh cũng có sự đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho nhà trường. Nhà trường tự đảm bảo 100% chi thường xuyên từ năm 2021, bước vào tự chủ, chúng tôi cũng phải cố gắng trong khuôn khổ dưới hỗ trợ của ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo chất lượng và phát triển các hoạt động đào tạo”, thầy Tuấn cho biết.

Kim Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-cao-dang-y-te-gap-vo-van-kho-khan-tu-khi-chuyen-ve-truc-thuoc-so-y-te-post233662.gd