Trưởng Công an phải gương mẫu, công tâm nói người khác mới nghe

Thượng tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, là người chỉ huy, ông luôn phải gương mẫu và chỉ có vậy ông mới nói được cấp dưới. Bởi lẽ, nếu không gương mẫu thì ông không nói được ai.

Thượng tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Thanh Oai. Ảnh: Công Phương.

Thượng tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Thanh Oai. Ảnh: Công Phương.

Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Thanh Oai cho biết, ông từng làm ở nhiều vị trí khác nhau, từ Phó Công an huyện lên Trưởng Công an huyện. Ông nhận nhiệm vụ làm Trưởng Công an huyện Chương Mỹ từ năm 2015 đến 2021. Từ năm 2021 đến nay, ông chuyển sang làm Trưởng Công an huyện Thanh Oai.

Ở huyện Chương Mỹ 6 năm, mỗi năm đơn vị bắt hơn 400 tội phạm xử lý hình sự nên mỗi khi lấy phiếu tín nhiệm, Thượng tá Dũng luôn được Ban chấp hành, Thường vụ huyện, HĐND… ủng hộ với phiếu tín nhiệm cao. Đặc biệt, quá trình đơn vị bắt, xử lý tội phạm đúng người, đúng tội nên tội phạm cũng tâm phục khẩu phục.

Chuyển công tác sang huyện Thanh Oai, Thượng tá Dũng luôn đưa ra quan điểm rõ ràng, làm việc luôn gần gũi và chia sẻ, thấu hiểu khó khăn với các cán bộ, chiến sĩ của mình. Trong công việc, các chiến sĩ của mình chưa biết phải chỉ đến nơi, đến chốn.

Theo Thượng tá Dũng, đối với người đứng đầu luôn luôn phải gương mẫu và chỉ có gương mẫu mới nói được cấp dưới. Không gương mẫu nói các đồng chí của mình họ sẽ coi thường. Bản thân ông luôn gương mẫu và học tập làm theo 6 điều Bác Hồ dạy. Trong 6 điều đó, Bác không nói ngay đến Tổ quốc, đồng bào mà đầu tiên nói đến mình, tự rèn rũa mình để phục vụ nhân dân.

“Người đứng đầu phải có quan điểm rõ ràng và thượng tôn pháp luật. Nếu người nhà, người thân của mình vi phạm pháp luật vẫn xử lý bình thường. Chính quan điểm đó, tôi luôn được thường trực huyện Ủy cùng các cán bộ trong ban thường vụ, trưởng các ngành nơi kinh qua làm trưởng công an huyện rất coi trọng”, Thượng tá Dũng nhấn mạnh.

Xuất phát là một người lính trinh sát của Đội chống cướp, trọng án, Công an TP, ông đã trải qua những giây phút hiểm nguy, sinh tử nên rất thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sĩ. Với ông, chỉ khi nào những góc khuất của xã hội được sáng tỏ, những đơn thư tố tác tội phạm của người dân được giải quyết thì khi đó mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Chính vì vậy, dù ở cương vị người chỉ huy nhưng ông luôn cảm thông, chia sẻ với đồng nghiệp, luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ để kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương.

Theo vị Trưởng Công an huyện Thanh Oai, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 09 của Đảng ủy Công an TP, ông đã xin ý kiến Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc điều chuyển đội trưởng các đội điều tra, ma túy, môi trường và một số trường hợp trưởng công an xã trên địa bàn không phải là người địa phương. Ông nhận thấy người đứng đầu các cơ quan không phải người địa phương luôn hoạt động hiệu quả.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thượng tá Dũng cho hay, lãnh đạo đơn vị luôn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ và đưa ra các tình huống cho các chiến sĩ tham khảo. Trong quá trình đào tạo, cũng có người nắm bắt được ngay nhưng cũng có người lơ là, không tập trung nên chỉ khi cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào việc mới ghi nhớ.

Do vậy, với các cán bộ, chiến sĩ trẻ cũng cần phải tự trao dồi, học hỏi thêm các kỹ năng, nghiệp vụ thực tế và có nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học khi về Công an huyện nhận nhiệm vụ cũng phải đào tạo, giáo dục khoảng 2 năm thì mới làm việc chỉn chu.

Hiện nay, điều tra viên đưa về huyện chỉ là cán bộ trung cấp, cao đẳng. Với cán bộ đại học được đào tạo cứng tý lại quy hoạch, bổ nhiệm họ làm chỉ huy như vậy lại mất nguồn, nên đào tạo liên tục.

“Ở Chương Mỹ, tôi đã cho đào tạo cán bộ điều tra học về công nghệ thông tin, nên trong quá trình làm việc các bộ rất nhanh hơn. Viết bằng tay như kiểu rắc thuốc lào trên giấy ai đọc được, qua thời gian lại bị nhòe, vì vậy giờ hỏi cung phải cho đánh máy nhìn rõ và tài liệu lưu được lâu hơn”, Thượng tá Dũng chia sẻ.

Chia sẻ về bản thân, Thượng tá Dũng cho hay, trong suốt những năm qua ông chưa từng nghỉ phép, chưa từng dành thời gian cho riêng bản thân mình. Dù công việc áp lực và mệt mỏi, song không vì thế ông cho phép mình được nghỉ ngơi để có thời gian sống cho riêng mình.

Trong quá trình công tác, đã rất nhiều những ý kiến nhận xét, đánh giá tốt đẹp và thư cảm ơn của Nhân dân và cán bộ chiến sĩ được gửi đến cho Thượng tá Dũng. Đây chính là nguồn khích lệ, động viên tinh thần để ông vững bước, tiếp nối con đường vinh quang mà mình đã chọn.

Tình hình ANTT trên địa bàn huyện Chương mỹ trong giai đoạn năm 2015 đến 2020: Tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện hàng năm được kiềm chế, tỷ lệ điều tra khám phá cao, không để hình thành điểm nóng gây mất ANTT.

Trong đó, phạm pháp hình sự giảm 335 vụ, điều tra khám phá 527/656 vụ (đạt 80,3%). Tỷ lệ đơn thư, tin báo tố giác tội phạm được giải quyết đạt 96,4%. Không có tội phạm hoạt động băng ổ nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen, các vụ trọng án phức tạp xảy ra trên địa bàn đều được khám phá nhanh, các vụ phạm pháp hình sự và tội phạm ma túy từng bước được đẩy lùi.

Các mâu thuẫn phức tạp về lĩnh vực tôn giáo đều được giải quyết kịp thời. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ chiến sỹ được nâng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo thuận lợi cho người dân.

Để có được những kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ tinh thần đoàn kết sự chỉ đạo sáng suốt của Ban chỉ huy Công an huyện, sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của gần 500 cán bộ chiến sỹ. Đặc biệt là sự hi sinh thầm lặng của đồng chí Thượng tá Trần Trí Dũng.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/truong-cong-an-phai-guong-mau-cong-tam-noi-nguoi-khac-moi-nghe-348926.html