Trưởng đại diện AHK: Hiệp định EVFTA sẽ giúp thương mại Việt Nam-Đức đạt 20 tỷ Euro trong 2-3 năm tới

Với động lực từ Hiệp định EVFTA , ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) kỳ vọng khối lượng thương mại Việt Nam-Đức sẽ đạt khoảng 20 tỷ Euro trong vòng hai đến ba năm tới.

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện AHK Việt Nam tin tưởng vào lực đẩy từ Hiệp định EVFTA sẽ hỗ trợ thương mại Việt Nam-Đức. (Nguồn: AHK Việt Nam)

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện AHK Việt Nam tin tưởng vào lực đẩy từ Hiệp định EVFTA sẽ hỗ trợ thương mại Việt Nam-Đức. (Nguồn: AHK Việt Nam)

EVFTA là động lực cho quan hệ Việt Nam-Đức

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, quả nhiệt đới. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội để nông sản Việt tiếp cận thị trường Đức thông qua các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam?

Đây là một trong những chủ đề mà tôi yêu thích nhất và là nhiệm vụ mà tôi luôn theo đuổi ngay cả khi tôi không còn đảm nhiệm vị trí này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để nông sản Việt có thể có mặt nhiều hơn tại thị trường Đức thì cần phải thay đổi.

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu vẫn hướng theo xuất khẩu với số lượng lớn. Việt Nam hiện là một trong nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới và Đức cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam nhưng điều ngạc nhiên là ở Đức chẳng ai biết đến điều đó.

Bản thân tôi cảm thấy rất đáng tiếc là ở Đức, hầu như rất khó để tìm một sản phẩm cà phê có ghi nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam.

Điều này cho thấy, tiềm năng cho cả hai bên là rất lớn. Việt Nam cần hướng đến không chỉ xuất khẩu các nguyên liệu thô, nông sản thô mà tìm cách phát triển công nghiệp chế biến để có thể phục vụ xuất khẩu nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Hiệp định EVFTA đang được triển khai và tạo động lực mạnh mẽ cho thương mại Viêt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Vậy thương mại Việt Nam-Đức đã có bước phát triển thế nào nhờ lực đẩy EVFTA? Các doanh nghiệp Đức đã tận dụng Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Việt Nam như thế nào?

Chặng đường một thập kỷ qua, hàng hóa thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng gấp 4 lần và Đức đang là đối tác thương mại EU lớn nhất của Việt Nam với khối lượng thương mại là 14,4 tỷ Euro năm 2021.

Với động lực từ Hiệp định EVFTA, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức kỳ vọng khối lượng thương mại Việt Nam-Đức sẽ đạt khoảng 20 tỷ Euro trong vòng hai đến ba năm tới.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nền kinh tế Đức định hướng xuất khẩu nên chúng tôi cần một thị trường xuất khẩu mở cửa, dựa trên hệ thống luật lệ quốc tế chung.

Vì Việt Nam và Đức cùng đi trên một "đường cao tốc" nên chúng ta sẽ thống nhất hơn về quan điểm. Chúng ta cũng đang có một mối quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế vì thế cũng phát triển song hành.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng giúp giảm thuế quan, những rào cản kỹ thuật đáng kể cho hàng hóa hai nước khi vào thị trường của nhau.

Kỳ vọng và dự định của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. (Nguồn: AHKs)

Kỳ vọng và dự định của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. (Nguồn: AHKs)

Gia tăng dòng FDI từ Đức

Hiện nay vốn FDI của Đức vào châu Á tập trung rất nhiều vào Trung Quốc và chủ yếu là các dự án chuyển giao công nghệ. Ông có thể đánh giá thêm về những lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Đức có thể triển khai đầu tư tại Việt Nam?

Sức mạnh của nền kinh tế Đức chủ yếu nằm ở doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải các tập đoàn đa quốc gia như BOSCH, Mercedes Benz...

Nền kinh tế Đức cũng là một nền kinh tế bị lệ thuộc vào xuất khẩu nên chúng tôi cũng muốn tập trung nhiều hơn vào đầu tư.

Vậy doanh nghiệp Đức thường đầu tư vào đâu? Thường thì họ khá ngại rủi ro nên nhiều doanh nghiệp cân nhắc khi đầu tư sang châu Á do khoảng cách địa lý xa xôi.

Trước đây, phần lớn doanh nghiệp Đức lựa chọn đầu tư vào khu vực Đông Âu do sự gần gũi về mặt địa lý. Doanh nghiệp Đức cũng bị hạn chế về năng lực, nguồn lực nên họ thường lựa chọn những thị trường lớn, tiêu biểu như Trung Quốc để đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Đức đã quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Với "Chiến lược Trung Quốc+1", những doanh nghiệp này đang theo đuổi kế hoạch phân bổ và đa dạng hóa địa điểm đầu tư.

Một số doanh nghiệp lựa chọn Bangladesh, Srilanka hay Ấn Độ nhưng có đến 95% doanh nghiệp nhìn vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Thái Lan và Việt Nam là hai đích ngắm quan trọng.

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Đức do Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong dòng dịch chuyển thương mại quốc tế. Trong 10 nước của ASEAN thì chỉ có 4 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong đó có Việt Nam và chỉ có 2 nước có FTA với EU là Singapore và Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế để đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp Đức có thể đầu tư tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, có thể sở hữu 100% cho mình. Người lao động Việt Nam rất chăm chỉ học hỏi.

Cùng với đó là sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế - xã hội giữa Đức và Việt Nam, nhất là các nước phía Đông Đức. Điều này đã xây dựng lên mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức.

Doanh nghiệp Đức có thể đầu tư tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài.

Doanh nghiệp Đức có thể đầu tư tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài.

Các doanh nghiệp Đức thường lựa chọn Thái Lan do có ngành công nghệ phụ trợ phát triển hơn Việt Nam? Ông có khuyến nghị gì dành cho Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh và trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp Đức?

Theo tôi, Thái Lan có lợi thế hơn các quốc gia Đông Nam Á khác ở ngành công nghiệp phụ trợ rất phát triển. Khi chúng tôi hỗ trợ một số công ty Đức tiềm năng đầu tư vào khu vực này, nhiều công ty đưa ra yêu cầu 50% đối tác cung ứng đến từ đất nước mà họ muốn đầu tư.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản hay Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam khá nhiều bởi tiêu chuẩn về nội địa hóa của họ khác với các công ty của Đức. Để đảo ngược được tình thế này, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ, năng lực cung ứng đầu vào theo chuẩn của quốc tế.

Vậy các nhà cung ứng Việt Nam có cơ hội đầu tư tại thị trường Đức hay không và cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như thế nào?

Thị trường Đức luôn mở rộng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tất nhiên, để thành công tại Đức hay bất kỳ thị trường nào cũng vậy, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu về đất nước, luật pháp, văn hóa kinh doanh... của đất nước đó.

Xin cảm ơn ông!

Kim Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truong-dai-dien-ahk-hiep-dinh-evfta-se-giup-thuong-mai-viet-nam-duc-dat-20-ty-euro-trong-2-3-nam-toi-186713.html